Biểu Hiện Không Điển Hình Của Đau Thắt Ngực
Đau thắt ngực là biểu hiện của thiếu máu cục bộ cơ tim gây ra bởi sự mất cân bằng giữa việc cung cấp máu cho cơ tim và nhu cầu oxy của cơ tim [1]. Trong quá trình bệnh xơ vữa động mạch, các mảng xơ vữa bám dính trên thành mạch tiến triển gây hẹp lòng mạch vành, máu khó bơm đến cơ tim. Từ đó máu không được cung cấp đủ cho cơ tim hoạt động và hậu quả là gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ cơ tim và các triệu chứng đau thắt ngực [1].
Đau thắt ngực không điển điển hình là cơn đau ngực không thỏa mãn hoàn toàn các tiêu chí của cơn đau thắt ngực điển hình nhưng lại phù hợp với nguyên nhân thiếu máu cơ tim [1].
Theo Hội Tim mạch học Châu Âu, cơn đau thắt ngực không điển hình được xác định khi thỏa mãn 2 trong 3 đặc điểm của cơn đau thắt ngực điển hình [1]. Các đặc điểm này bao gồm:
1. Đau hay cảm giác khó chịu vùng giữa ngực
Thông thường người bệnh gặp cảm giác khó chịu nhiều hơn cảm giác đau. Người bệnh mô tả cảm giác:
• Cảm giác khó chịu: đè nặng, bóp nghẹt, siết chặt, nghẹn thở, hay bỏng rát vùng giữa ngực.
• Cảm giác đau: có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai trái, ra sau lưng hay lan ra mặt trong cẳng tay trái hay lan xuống bụng (chấn thủy).
Thông thường, khi bác sĩ hỏi bệnh nhân chỉ vị trí đau thì bệnh nhân không thể chỉ chính xác vị trí đau bằng một ngón tay mà chỉ có thể dùng cả nắm tay chỉ vào vùng giữa ngực. Nếu cơn đau xảy ra khi dùng tay ấn vào thành ngực thì cơn đau không phải do tim mà do các bệnh lý ở thành ngực.
2. Yếu tố xuất hiện cơn đau
Các triệu chứng này có thể xuất hiện do gắng sức, ăn no, gặp lạnh hay xúc động mạnh và kéo dài dưới 10 phút. Mức độ đau không thay đổi theo hô hấp, ho hay thay đổi tư thế. Nếu cơn đau chỉ kéo dài vài giây thì thường không phải là đau thắt ngực do tim.
3. Thời điểm cơn đau mất đi
Các triệu chứng này có thể mất đi trong vài phút ngay khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc nitroglycerine (thuốc giãn mạch vành dùng xịt dưới lưỡi hay ngậm dưới lưỡi) hay cả hai.
Ngoài đau thắt ngực với các biểu hiện không điển hình như trên, bệnh nhân bị thiếu máu cục bộ cơ tim còn có thể gặp các triệu chứng khác như:
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Thậm chí không có triệu chứng (gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng)
Chúng ta luôn phải cảnh giác với các triệu chứng của đau thắt ngực và đi khám bệnh kịp thời để ngăn ngừa biến chứng nặng hơn về sau như nhồi máu cơ tim, suy tim, đột tử. Người có các yếu tố nguy cơ bệnh mạch vành (thừa cân, tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc, lớn tuổi, ít vận động, tiền sử gia đình) nên đi tầm soát bệnh mạch vành cho dù không có triệu chứng đau thắt ngực.
Khi đã có chẩn đoán thiếu máu cục bộ cơ tim, bác sĩ tim mạch sẽ lựa chọn phác đồ điều trị tối ưu tùy theo các bệnh khác mà bạn cùng lúc mắc phải và yếu tố nguy cơ. Điều quan trọng là bạn phải phòng bệnh mạch vành bằng lối sống lành mạnh như siêng vận động, bỏ hút thuốc, xây dựng chế độ ăn hợp lý, khám sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị tăng huyết áp, đái tháo đường.
Reference:
- Andrea Baggiano, Marco Guglielmo, Giuseppe Muscogiuri et al., (Epicardial and microvascular) angina or atypical chest pain: differential diagnoses with cardiovascular magnetic resonance, European Heart Journal Supplements, Volume 22, Issue Supplement_E, June 2020, Pages E116–E120, https://doi.org/10.1093/eurheartj/suaa075
- Juhani Knuuti, William Wijns, Antti Saraste et al., 2019 ESC Guidelines for the diagnosis and management of chronic coronary syndromes: The Task Force for the diagnosis and management of chronic coronary syndromes of the European Society of Cardiology (ESC), European Heart Journal, Volume 41, Issue 3, 14 January 2020, Pages 407–477, https://doi.org/10.1093/eurheartj/ehz425
- Holli A. DeVon, Sahereh Mirzaei and Jessica Zègre‐Hemsey, Typical and Atypical Symptoms of Acute Coronary Syndrome: Time to Retire the Terms?, Journal of the American Heart Association. 2020;9:e015539, https://doi.org/10.1161/JAHA.119.015539
- Healthline, What to Know About Atypical Chest Pain, https://www.healthline.com/health/heart/atypical-chest-pain
- NHS, Coronary Heart Disease, https://www.nhs.uk/conditions/coronary-heart-disease/
SERV-ANGI-18-04-2023