Nguyên Nhân Đau Thắt Ngực Và Những Câu Hỏi Thường Gặp

Khi xuất hiện cơn đau ngực, điều đầu tiên bạn cần lo lắng và quan tâm đến là nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, đau ngực cũng có thể xuất hiện do các vấn đề trong phổi, thực quản, cơ, xương, thần kinh hoặc lo lắng. Đôi khi có thể từ các cơ quan gần ngực như túi mật hoặc dạ dày, cổ hoặc khớp vai.

Đau ngực không đồng nghĩa rằng bạn đang bị nhồi máu cơ tim. Tuy nhiên, một số nguyên nhân gây đau ngực lại vô cùng nghiêm trọng và có khả năng đe dọa tính mạng. Do đó khi bạn bị đau ngực không rõ nguyên nhân, cách duy nhất để xác định là sự chẩn đoán của bác sĩ.

Nếu bạn gặp phải nguyên nhân trầm trọng từ trái tim, mỗi phút giây chậm trễ đến bệnh viện, trái tim bạn sẽ có nguy cơ bị tổn thương nặng hơn, vĩnh viễn hoặc thậm chí là tử vong.

Tùy theo nguyên nhân mà đau ngực có thể có các tính chất khác nhau (âm ỉ, nóng rát, đè ép, căng ở ngực..) và có thể nằm ở một số vùng ở phần trên cơ thể (giữa ngực, ngực trái hay ngực phải, lưng, cánh tay, hàm dưới, cổ, hoặc toàn bộ vùng ngực, dạ dày). Cơn đau có thể trở nên tồi tệ hơn khi hoạt động, cải thiện khi nghỉ ngơi, và có thể kèm theo các triệu chứng khác (đổ mồ hôi, buồn nôn, nhịp tim nhanh, khó thở).

Nguyên nhân đau thắt ngực

Đau thắt ngực có thể đến từ các nguyên nhân như:

Tim mạch

  • Nhồi máu cơ tim: xảy ra khi cục máu đông (có thể hình thành trên mảng xơ vữa), chặn một phần hoặc hoàn toàn động mạch, ngăn máu chảy tới cơ tim.
  • Bóc tách động mạch chủ: do lớp trong của động mạch chủ bị tách ra, đây là một tình trạng rất nghiêm trọng thường phải phẫu thuật khẩn cấp. Cơn đau thường rất nghiêm trọng, xuất hiện đột ngột, đau như xé toạc ở lưng hoặc giữa hai xương bả vai.
  • Viêm màng ngoài tim: do màng bao bên ngoài tim bị viêm.

Tiêu hóa

  • Co thắt cơ thực quản, viêm thực quản
  • Một số bệnh lý liên quan đến dạ dày và ruột
  • Trào ngược dạ dày – thực quản (ợ nóng là triệu chứng chính gây cảm giác nóng rát ở giữa ngực)

Bệnh phổi

  • Viêm phổi , màng phổi, tràn khí màng phổi
  • Thuyên tắc động mạch phổi(do cục máu đông, ngăn chặn máu lưu thông đến mô phổi, thường xảy ra ở những người có nguy cơ cao do phẫu thuật gần đây, mang thai hoặc ngồi yên trong một thời gian dài, chẳng hạn như trong một chuyến bay dài)

Nguyên nhân khác

  • Thành ngực: Da, cơ, xương, gân, mô mềm và sụn của thành ngực do viêm, chấn thương.
  • Rối loạn về tâm lý: tình trạng trầm cảm, sợ hãi hoảng loạn có thể kèm theo đau ngực, nhịp tim nhanh, thở nhanh, khó thở.

Các câu hỏi thường gặp

Có 5 câu hỏi thường gặp khi xử lý và điều trị đau thắt ngực bao gồm:

1. Khi nào cần nhập viện cấp cứu ngay lập tức?

Khi bạn bị đau ngực mới khởi phát và nghiêm trọng, kéo dài hơn vài phút, nặng hơn lúc đi bộ hoặc thực hiện các hoạt động thể chất khác. Điều này khiến bạn lo lắng có thể kèm khó thở, choáng váng, thậm chí bị ngất, đổ mồ hôi, da lạnh ẩm ướt, nhịp tim chậm, không đều.

2. Có phải đau ngực là triệu chứng quan trọng duy nhất của đau tim?

Các triệu chứng khác như khó thở, choáng váng, đổ mồ hôi, da lạnh ẩm ướt, nhịp tim chậm, không đều cũng đóng vai trò quan trọng. Đôi khi người bệnh không đến bệnh viện vì họ không có bất kỳ đau đớn nào. Một số trường hợp bị nhồi máu cơ tim nhưng không đau, thường xảy ra ở phụ nữ, người mắc bệnh tiểu đường và người trên 60 tuổi.

3. Điều gì sẽ xảy ra khi đến phòng cấp cứu?

Bác sĩ sẽ kiểm tra và xét nghiệm để tìm ra nguyên nhân. Nhưng đừng ngạc nhiên nếu bác sĩ chưa tìm ra ngay tại sao bạn bị đau. Nguyên nhân của đau ngực không phải lúc nào cũng dễ dàng tìm thấy. Tuy nhiên, bác sĩ có thể đánh giá được cơn đau ngực của bạn có nghiêm trọng hay không.

Các xét nghiệm có thể bao gồm:

• Điện tâm đồ (ECG): đo hoạt động điện trong tim của bạn.

• Xét nghiệm máu: trong cơn đau tim, tim sẽ tiết ra một số enzyme. Bạn được xét nghiệm máu để tìm những enzyme này tăng trong máu.

• Siêu âm tim: sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của trái tim khi tim đập.

• Test gắng sức: bạn có thể được yêu cầu chạy hoặc đi bộ trên máy để đo ECG và theo dõi huyết áp. Hoạt động thể chất làm tăng nhu cầu oxy của tim. Xét nghiệm này giúp các bác sĩ xem tim có nhận đủ máu hay không. Trường hợp không thể đi bộ hoặc chạy, bác sĩ có thể làm thử nghiệm bằng một loại thuốc để làm cho tim bạn đập nhanh hơn.

• Thông tim (chụp động mạch vành): bác sĩ đặt một ống thông vào mạch máu ở chân hoặc cánh tay và di chuyển ống đến tim của bạn. Tiếp theo, bác sĩ tiêm thuốc cản quang vào động mạch này, hình ảnh động mạch hiện trên màn hình X- quang, cho thấy động mạch vành có bị tắc hay không.

• Chụp CT mạch máu: để xem xét các mạch máu nuôi trái tim của bạn, đồng thời khi chụp CT ngực để đánh giá đau ngực do các nguyên nhân khác.

4. Điều trị gì khi đang bị nhồi máu cơ tim?

Nếu bạn đang bị nhồi máu cơ tim, bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn phương pháp điều trị để giảm bớt thiệt hại cho tim và giảm đau cho bạn:

– Thở oxy

– Thuốc chẹn beta để giảm nhu cầu oxy của tim.

– Thuốc để giúp ngăn ngừa cục máu đông hình thành

– Thuốc giãn mạch (Nitroglycerin là loại thuốc ngậm hoặc xịt dưới lưỡi, cũng có thể truyền tĩnh mạch, có tác dụng làm giãn các mạch máu để giúp máu có thể lưu thông dễ dàng qua các chỗ hẹp)

Bác sĩ sẽ thực hiện 3 cách giúp dòng máu chảy trở lại qua động mạch bị tắc bao gồm:

• Thuốc truyền tĩnh mạch: để phá vỡ cục máu đông, gọi là thuốc tiêu sợi huyết

• Thủ thuật đặt stent kết hợp với thông tim: đặt một ống kim loại nhỏ gọi là “stent” vào động mạch bị tắc để động mạch đó thông thương lại.

• Phẫu thuật bắc cầu: Nếu bạn không thể đặt stent hoặc nếu stent không hoạt động, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật tim hở, được gọi phẫu thuật bắc cầu. Bác sĩ sẽ tạo ra một con đường mới – đường vòng – để cung cấp  máu cho cơ tim thay thế phần động mạch đã bị tắc, bằng cách sử dụng kết hợp các động mạch và tĩnh mạch của bạn.

5. Bạn cần làm gì sau khi bị nhồi máu cơ tim?

Sau khi bị nhồi máu cơ tim, bạn sẽ cần phải:

• Kiểm soát cân nặng: Giảm cân, nếu bạn thừa cân.

• Tập luyện thể dục: nên ít nhất 30 phút mỗi ngày bằng cách đi bộ, làm vườn hoặc bất kỳ hoạt động nào khiến bạn phải di chuyển nhiều hơn.

• Dùng thuốc theo toa bác sĩ: Điều quan trọng là bạn cần dùng đầy đủ các loại thuốc mỗi ngày đúng theo toa của bác sĩ. Các loại thuốc này giúp ngăn ngừa các cơn đau tim khác và làm giảm khả năng bị đột quỵ hoặc tử vong.

• Cải thiện cách ăn uống: tránh thực phẩm chiên, quá nhiều đường, nhiều mỡ, đồ ăn mặn và thuốc lá. Bổ sung nhiều trái cây và rau quả, thực phẩm có chất xơ.

Với những thông tin trên, Ngày Đầu Tiên hy vọng có thể giúp bạn có thể hiểu sâu hơn về bệnh cũng như các bước xử lý phù hợp.

Nguồn tham khảo

1. Uptodate 2020: Patient education: Heart attack (The Basics)

2. Uptodate 2020: Patient education: Chest pain ( Basic) and (Beyond the Basics)

Các bài viết liên quan
Các kiến thức đọc nhiều
Các kiến thức nổi bật

Có thể bạn quan tâm

Nhịp tim bao nhiêu là tối ưu? Làm sao để đo chính xác?
0:00 / 0:00 1. Nhịp tim là gì? Nhịp tim là số nhát bóp của tim có trong một phút. Ở người bình thường, nhịp tim dao động từ 60 – 100 lần/phút. Tuy vậy, nhịp tim dao động khá nhiều do chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Nhịp tim có thể tăng hơn bìnhred
Xem thêm
Những xét nghiệm cần làm để chẩn đoán khi có dấu hiệu đau ngực?
Khoang ngực chứa các cơ quan quan trọng của cơ thể. Do đó, khi có những dấu hiệu đau ngực bạn không nên chủ quan và cần tiến hành kiểm tra để tìm hiểu nguồn gốc đau ngực. Vậy các xét nghiệm cần làm khi bị đau ở ngực là gì? 2.  Nguyên nhân đaured
Xem thêm
Cách phòng ngừa cơn đau thắt ngực ổn định và cơn đau không ổn định
Đau thắt ngực là tình trạng cơ tim của bạn không nhận đủ máu giàu oxy, thường xảy ra khi gặp căng thẳng hoặc một số lý do khác khiến tim phải hoạt động liên tục. Cần phân biệt được sự khác biệt giữa cơn đau thắt ngực ổn định và không ổn định đểred
Xem thêm