Đau Thắt Ngực Là Gì?
Đau thắt ngực là một trong những triệu chứng nguy hiểm, cần được hỗ trợ cấp cứu chiếm tỷ lệ 8 – 10%. Điều này có nghĩa rằng cứ 100 người nhập phòng cấp cứu, có đến 8 – 10 người đến khám vì nguyên nhân đau thắt ngực.
Nguyên nhân gây đau thắt ngực
Có rất nhiều nguyên nhân gây đau ngực từ tình trạng nặng đe dọa tính mạng như: hội chứng mạch vành cấp (nhồi máu cơ tim…), bóc tách động mạch chủ, thuyên tắc động mạch phổi, tràn dịch màng tim… Đến các nguyên nhân thông thường như đau cơ xương, viêm dạ dày…
Nhiều nghiên cứu trên 100% bệnh nhân đến khám vì đau ngực, trong đó có khoảng:
- 30 – 50%: do đau cơ xương
- 10- 20%: do đau dạ dày
- 10%: do đau ngực ổn định
- 5%: do bệnh lý đường hô hấp
- 2 – 4%: do hội chứng mạch vành cấp (nhồi máu cơ tim)
Cơn đau thắt ngực do bệnh động mạch vành
Cơn đau thắt được chia làm 2 dạng bao gồm:
– Cơn đau thắt ngực ổn định: thường do mảng xơ vữa gây hẹp lòng mạch máu dần dần. Triệu chứng điển hình bao gồm cảm giác đau như bóp nghẹt, đè nặng, siết chặt, khó chịu, nóng bỏng, tức, đau thắt vùng ngực trái hay sau xương ức. Cơn đau có thể lan sau lưng, lan xuống tay trái hay lan lên cằm, đau tăng khi gắng sức hay khi lo lắng căng thẳng và giảm khi nghỉ ngơi hoặc ngậm thuốc giãn mạch ( Nitroglycerin). Thời gian kéo dài của cơn đau thường vài phút.
– Cơn đau thắt ngực không ổn định: thường do mảng xơ vữa bị nứt vỡ kèm theo cục huyết khối tạo lập gây ra nghẽn mạch đột ngột. Cơn đau thắt ngực không ổn định (hay hội chứng mạch vành cấp) có đặc điểm không liên quan với gắng sức. Tình trạng thường xuất hiện ngay cả lúc nghỉ ngơi, đang ngủ, hay nửa đêm về sáng. Cơn đau dữ dội, có thể kèm vã mồ hôi, thời gian đau hơn 20 phút và không giảm khi nghỉ ngơi hay ngậm thuốc giãn mạch.
Đau thắt ngực không ổn định có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim, đe dọa đến tính mạng người bệnh. Khi gặp phải các triệu chứng này, bệnh nhân cần đến bệnh viện ngay để kịp thời xử lý và điều trị.
Khi người bệnh đến kiểm tra, bác sĩ sẽ hỏi bệnh sử, dựa vào tính chất đau, khám lâm sàng, đo điện tim. Đồng thời có thể kèm thêm xét nghiệm men tim, chụp X quang ngực, siêu âm tim… để xác định mức độ nguy hiểm tình trạng bệnh, từ đó có hướng điều trị thích hợp và kịp thời.
Nguồn tham khảo
1. “Evaluation of the adult with chest pain in the emergency department” Topic 288 Véion 26.0 Up to date.
2. “Angina pectoris: chest pain caused by fixed epicardial coronary artery obstruction” Topic 1472 Version 31.0 Up to date.