6 Nguyên Tắc Về Chế Độ Ăn Mà Bệnh Nhân Đau Thắt Ngực Cần Biết

Trái tim là trung tâm vận hành dòng máu tuần hoàn đi khắp cơ thể. Khi bạn bị đau thắt ngực đồng nghĩa với lưu lượng tưới máu bị ảnh hưởng, trái tim sẽ làm việc không hiệu quả. Vậy ăn uống cung cấp năng lượng cho cơ thể nói chung và cho trái tim nói riêng như thế nào là phù hợp, đặc biệt với bệnh nhân đau thắt ngực? Chế độ ăn của bệnh nhân đau thắt ngực có gì khác?
Chế độ ăn hợp lý sẽ giúp nâng cao thể trạng, hạn chế mất cân bằng cung cầu oxy cho cơ tim, cải thiện bệnh nền, cũng như hạn chế đưa những chất có hại vào cơ thể. Tuy nhiên thông tin về chế độ ăn có quá nhiều trên sách, báo, internet… người bệnh khó chọn được một chế độ ăn phù hợp cho mình. Để lựa chọn an toàn và hiệu quả, bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu về 6 nguyên tắc về chế độ ăn cho bệnh nhân đau thắt ngực nhé!
Nguyên tắc số 1
Chế độ ăn hợp lý cung cấp đủ năng lượng và các vitamin cần thiết luôn luôn có các thực phẩm nền tảng như: tinh bột (cơm, bột mì, các loại hạt,…), chất xơ và các loại vitamin (rau quả ).
Nhu cầu năng lượng phụ thuộc vào tuổi, giới tính và hoạt động thể lực. Theo Viện Dinh Dưỡng Quốc Gia Việt Nam 2020, năng lượng khuyến nghị cho người Việt Nam:
Người trưởng thành
- Nam giới: 2.010 – 3140 kcalo/ngày
- Nữ giới: 1730– 2650 kcalo/ngày
Người trên 70 tuổi
- Nam giới: 1.870 – 2.520 kcalo/ngày
- Nữ giới: 1.550 – 2.090 kcalo/ngày
Một chế độ ăn hoàn toàn là protein, hoặc hoàn toàn là chất béo, hoặc hoàn toàn là tinh bột hay hoàn toàn là rau quả không phải là một chế độ ăn khoa học. Bạn hãy xây dựng thực đơn ăn uống lành mạnh thông qua việc cung cấp đầy đủ các dinh dưỡng cần thiết.

Nguyên tắc số 2
Khi ăn quá nhiều muối (>5g/ngày) sẽ làm tăng lượng natri trong máu, ảnh hưởng đến sự bài tiết và hấp thu natri ở ống thận.Lượng natri dư thừa có thể gây tăng huyết áp, ảnh hưởng xấu đến tim mạch và thận. Lợi ích chính của việc giảm lượng muối ăn vào là giảm huyết áp cao tương ứng.
Ước tính có thể ngăn chặn được 2,5 triệu ca tử vong mỗi năm nếu lượng muối tiêu thụ trên toàn cầu giảm xuống mức khuyến nghị (< 5g/ngày).

Nguyên tắc số 3
Bạn nên ăn ít các loại thức ăn tiêu hóa chậm (đặc biệt là chất béo).
Theo sinh lý học, có khoảng 30% – 40% carbohydrate (cơm, bánh mì,..) được amylase (nước miếng) thủy phân thành maltose trước khi cần tới sự tiêu hóa của dịch vị dạ dày. Khoảng 10 – 20% protein được tiêu hóa trong dạ dày nhờ pepsin. Nhưng sự tiêu hóa mỡ ở dạ dày hầu như không ý nghĩa vì lipase dạ dày chỉ tác dụng lên các triglyceride chứa acid béo chuỗi ngắn.
Điều kiện để tiêu hóa chất béo chính là thời gian và năng lượng tiêu hao của cơ thể. Do vậy, bạn cần hạn chế ăn chất béo để duy trì cân nặng hợp lý.

Nguyên tắc số 4
Theo Tiến sĩ Jonathan C.Jun và cộng sự tại ĐH Johns Hopkins đăng trên trang Healthline, một thử nghiệm ngẫu nhiên (gồm 10 nam và 10 nữ) ăn tối cùng một chế độ ăn ở hai thời điểm khác nhau (10 giờ tối và 6 giờ chiều ). Tất cả những người tham gia nghiên cứu đều đi ngủ vào lúc 11 giờ đêm.
Kết quả cho thấy những người ăn lúc 10 giờ tối có lượng đường trong máu cao, lượng chất béo bị đốt cháy thấp hơn so với nhóm người ăn lúc 6 giờ chiều.

Nguyên tắc số 5
Theo báo cáo của Surgeon General 2014, hút thuốc lá là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh tim mạch (CVD) và ¼ ca tử vong do tim mạch. Thậm chí, đối với những người hút ít hơn 5 điếu/ngày vẫn có thể xuất hiện những dấu hiệu sớm của bệnh tim mạch. Những thành phần trong khói thuốc làm mạch máu và các tế bào sưng viêm, sự hẹp mạch máu dẫn đến một số tình trạng tim mạch như xơ vữa, bệnh mạch vành, đột quỵ, bệnh mạch máu ngoại biên,…. Bỏ thuốc sớm giúp cải thiện sức khỏe và giảm nguy cơ tim mạch. Trong vòng một năm bỏ thuốc, nguy cơ xuất hiện cơn đau tim giảm đáng kể, và ngay cả những người đã từng bị đau tim trước đó. Trong vòng 5 năm sau khi bỏ thuốc, nguy cơ đột quỵ giảm xuống bằng khoảng của một người chưa bao giờ hút thuốc.

Nguyên tắc số 6
Người khỏe mạnh bình thường chỉ nên uống dưới 30g alcohol/ngày (ví dụ: 12g alcohol có trong 360ml bia). Tuy nhiên, việc uống rượu bia quá nhiều và kéo dài có khả năng làm tăng nguy cơ tim mạch, tăng huyết áp và đột quỵ. Do vậy đối với bệnh nhân đau thắt ngực nên hạn chế tối đa uống rượu bia.

Lưu ý về dinh dưỡng cho bệnh nhân cao tuổi
Bệnh nhân cao tuổi thường giảm khả năng nhai, tiêu hóa, hấp thu và nhu cầu năng lượng. Người cao tuổi thường có nhiều bệnh nền, uống nhiều loại thuốc dẫn đến chán ăn và thiếu nhiều vi chất dinh dưỡng. Để cải thiện tình trạng này, bạn cần lưu ý sau:
– Ăn bữa nhỏ, thường 4 – 6 bữa trong ngày
– Ăn đa dạng thực phẩm (cá, thịt nạc, trái cây, đạm từ đậu, sữa ít béo, ngũ cốc…)
– Hạn chế thức ăn chế biến sẵn, đóng hộp (vì chứa nhiều muối, chất béo no, béo dạng trans)
– Ăn nhiều chất xơ có nhiều trong rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt giúp giảm nguy cơ táo bón
– Lưu ý bổ sung đủ nước, không đợi khát mới uống. Nhu cầu dịch mỗi ngày khoảng 30 ml/kg cân nặng/ngày.
– Tránh ăn kiêng quá mức, dễ gây suy dinh dưỡng, làm giảm sức đề kháng, giảm khối cơ và hạn chế vận động
Chế độ ăn uống đóng vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình hỗ trợ và điều trị đau thắt ngực. Hãy cùng Ngày Đầu Tiên áp dụng 6 nguyên tắc này để thực đơn dinh dưỡng đa dạng và đảm bảo tốt cho sức khỏe nhé!
SERV-NDT-13-01-2023
Tài liệu tham khảo
1. Diane L, Tribble and Ronald M.Krauss. Atherosclerotic cardiovascular disease. Present Knowledge in nutrition. 8th Edition. Chapter 49. Page 543-549
2. Dietary macronutrients and cardiovascular risk. Nutrition in the Prevention and Treatment of Disease. Copyright 2001 by Academic Press. Chapter 18-19. Page 279- 317
3. Bệnh Động mạch vành ở người cao tuổi – Chủ Biên : Võ Thành Nhân
4. Tăng huyết áp trong thực hành lâm sàng – GS. Đặng Vạn Phước
5. Sinh Lý học y khoa GS. Phạm Đình Lựu 2009
6. https://www.who.int/news-room/fact-sheets/detail/salt-reduction
8. https://www.cdc.gov/tobacco/sgr/50th-anniversary/pdfs/fs_smoking_CVD_508.pdf