Bạn đã biết lợi ích của Tập thể dục chưa?

Hiện nay, bệnh động mạch vành là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu thế giới. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế Giới năm 2004, tử vong do bệnh tim mạch chiếm 29% tử vong chung. Trong đó, tử vong do bệnh động mạch vành là 7,198 triệu người, chiếm 12,2% tử vong.
Tỷ lệ tử vong do bệnh mạch vành dù đang giảm đi nhiều ở các nước phương Tây nhưng lại tăng lên nhanh chóng ở các quốc gia đang phát triển. Tại Mỹ, hàng năm có khoảng 635.000 người trải qua một sự kiện động mạch vành, 280.000 người bị thiếu máu cục bộ tái phát và thêm 150.000 người có nhồi máu cơ tim đầu tiên.
Mức độ quan trọng của tập thể dục
Bệnh động mạch vành, đặc biệt nhồi máu cơ tim đang trở thành gánh nặng của tất cả các nước trên thế giới. Một trong các triệu chứng nổi bật nhất của bệnh mạch vành là cơn đau thắt ngực. Triệu chứng này thường xảy ra lúc nghỉ hay gắng sức do cung cấp máu của động mạch vành không đủ cho cơ tim hoặc gia tăng nhu cầu oxy cơ tim liên quan đến: gắng sức, stress, sau ăn no, sốt, cường giáp…
Song song với việc điều trị cơn đau thắt ngực bằng thuốc, việc điều trị không dùng thuốc đóng vai trò rất quan trọng bao gồm thay đổi lối sống và chế độ tập luyện thể dục để tăng cường chức năng của hệ tim mạch.
Hiện nay nhiều bệnh nhân chưa hiểu hết về tầm quan trọng của chế độ tập luyện thể dục trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, tăng cường chức năng hệ tim mạch và giảm triệu chứng tim mạch trong đó có cơn đau thắt ngực. Điều này đã khiến hệ tim mạch người bệnh ngày càng suy yếu.

Lợi ích của việc tập luyện thể dục
5 lợi ích của tập thể dục bao gồm:
1. Hệ tim mạch
- Giảm tần suất mới mắc các biến cố động mạch vành
- Giảm triệu chứng của suy tim, giảm nhịp tim và huyết áp lúc nghỉ
- Gia tăng cung lượng tim, phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu
- Giảm cơn đau thắt ngực, ngăn ngừa sự tiến triển của tổn thương xơ vữa động mạch vành
- Giảm tỷ lệ nhập viện, giảm tỷ lệ tử vong do mọi nguyên nhân và tử vong do bệnh tim mạch
2. Hệ hô hấp
- Phòng ngừa viêm phổi do ứ đọng
- Gia tăng chức năng của phổi, cơ hô hấp
3. Hệ cơ xương
- Tăng lượng máu đến cơ
- Tăng khả năng thu nhận oxy tối đa
- Phòng ngừa yếu các chi và teo cơ do không sử dụng các chi
4. Khả năng vận động
- Tăng khả năng gắng sức
- Tăng sức bền của cơ thể
5. Lợi ích khác
- Tăng khả năng dung nạp đường ở bệnh nhân tiểu đường, giảm triglyceride
- Tăng HDL (cholesterol tốt) và giúp bệnh nhân tự tin hơn để nhanh chóng bắt đầu các hoạt động thông thường.

Giai đoạn trong quá trình tập luyện
Có 3 giai đoạn: làm ấm, duy trì và làm nguội
Giai đoạn 1 | Làm ấm (giai đoạn khởi động)
Giai đoạn này kéo dài khoảng 10 phút. Bạn luôn luôn phải làm ấm ở vào đầu buổi tập, nghĩa là khởi động từ từ với cường độ tăng dần đến mức mong muốn. Điều này giúp tăng nhịp tim lên từ từ để tim có thời gian thích nghi để có thể làm việc ở cường độ cao, giảm nguy cơ rối loạn nhịp tim, đau thắt ngực trong khi tập.
Giai đoạn 2 | Tập luyện chính thức
Kéo dài khoảng 10 phút, khi bạn đạt được cường độ mong muốn và tiếp tục duy trì, sẽ giúp nhịp tim ở mức tối ưu và tăng sức bền cho hệ tim mạch.
Giai đoạn 3 | Làm nguội (giai đoạn hồi phục)
Kéo dài khoảng 10 phút, bạn cần phải luôn luôn làm nguội ở cuối buổi tập. Việc giảm dần cường độ tập luyện, giảm nhịp tim xuống từ từ sẽ giúp tim quay về trạng thái bình thường như trước khi tập. Điều này giúp an toàn và giảm nguy cơ rối loạn nhịp, hạ huyết áp khi kết thúc buổi tập đột ngột.

Tập luyện thể dục như thế nào hợp lý?
Các nghiên cứu trên thế giới cho thấy: để khỏe mạnh, tất cả chúng ta nên tập luyện hầu như hàng ngày, khoảng 30 phút/ngày và khoảng 5 ngày/tuần, ở cường độ tập luyện từ nhẹ (MET: 2 – 4)(*) đến vừa phải (MET: 4 – 6), nếu hoạt động với cường độ cao sẽ không tốt cho tim.
(*) MET (Metabolic Equivalent of Task) là đơn vị được sử dụng để đánh giá lượng oxy cơ thể tiêu thụ trong hoạt động thể lực.
Dưới đây là số MET ước lượng cho từng hoạt động để bạn có thể chọn lựa hoạt động phù hơp dựa vào số MET ước đoán:

Ví dụ bạn muốn chọn lựa các hoạt động nhẹ (METs: 2-4), bạn hãy đi bộ 1.5 km/h đến 5.5 km/h, hay hoạt động vừa phải (METs: 4-6) như đi bộ 6.5 km/h.
Việc tập luyện thể dục đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chỉ đối với bệnh nhân đau thắt ngực, mà còn cả người khỏe mạnh. Vì thế bạn hãy tăng cường tập luyện và có thể rủ người thân, bạn bè để tạo động lực, duy trì hoạt động thể chất nhé.
Nguồn tham khảo
- Đặng Vạn Phước, Châu Ngọc Hoa, Trương Quang Bình (2009), Can thiệp động mạch vành trong thực hành lâm sàng, Nhà xuất bản y học, TP Hồ Chí Minh, tr. 1-5.
- Nguyễn Quang Tuấn (2014), “ Nhồi máu cơ tim cấp có ST chênh lên, Nhà xuất bản y học, Hà Nội.
- American Academy of Family Physicians, Cardiac rehabilitation, 2009
- American Heart Association, Cardiac Rehabilitation Putting More Patients on the Road to Recovery, 2013
- British Association for Cardiovascular Prevention and Rehabilitation, Cardiovascular Disease Prevention and Rehabilitation, 2017
- Dalal HM, Cardiac rehabilitation, BMJ 2015
- Kym JP, A review of guidelines for cardiac rehabilitation exercise programmes: Is there an international consensus, European Journal of Preventive Cardiology 2016, Vol. 23(16) 1715–1733
- Moser DK, Kimble LP, Alberts MJ, Alonzo A, Croft JB, Dracup K, et al (2006), “Reducing delay in seeking treatment by patients with acute coronary syndrome and stroke: a scientific statement from the American Heart Association Council on cardiovascular nursing and stroke council”, Circulation, 114(2), pp. 168–182.
- Oxford University Hospital, Cardiac rehabilitation – Heart failure exercise programme
- Skelly AC, Hashimoto R, Buckley DI (2016), Noninvasive Testing for Coronary Artery Disease. Comparative Effectiveness Review Agency for Healthcare Research and Quality, pp. 1-12.
- Warner M. Mampuya, Cardiac rehabilitation past, present and future: an overview, Cardiovascular Diagnosis and Therapy, 2012;2(1):38-49