Trong đại dịch COVID-19 – Những lời khuyên bệnh nhân tim mạch cần nhớ
Những bệnh nhân có sẵn các bệnh lý tim mạch nền có thể liên quan đến nhiễm COVID-19 nặng hơn. Một nghiên cứu trên 1.527 bệnh nhân mắc COVID-19 cho thấy tỷ lệ tăng huyết áp là 17,1% và bệnh tim là 16,4%. Những bệnh nhân này có khả năng cần được chăm sóc tích cực hơn. Một nghiên cứu khác trên 44.672 bệnh nhân mắc COVID-19 cho thấy tiền sử mắc bệnh tim mạch có liên quan đến tỷ lệ tử vong gấp 5 lần so với những bệnh nhân không mắc bệnh nền tim mạch (10,5% so với 2,3%)
Từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và giãn cách xã hội, quá trình theo dõi, chăm sóc những bệnh nhân có bệnh lý nền tim mạch ít nhiều chịu ảnh hưởng. Khi nhiễm COVID-19 có thể dẫn đến tình trạng nặng lên của các bệnh lý tim mạch nền này. Do đó, bệnh nhân tim mạch cần có sự thay đổi chế độ theo dõi và điều trị bệnh để phù hợp với tình hình đại dịch COVID-19.
CÁC LỜI KHUYÊN CHUNG DÀNH CHO BỆNH NHÂN TIM MẠCH
Đầu tiên, bệnh nhân cần thực hiện tốt các biện pháp dự phòng lây nhiễm COVID-19, cần tránh tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm COVID-19. Kèm theo là giữ khoảng cách ít nhất 2 mét khi tiếp xúc với người khác, rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước tối thiểu 20 giây, mang khẩu trang đúng cách, đến cơ sở y tế gần nhất khi có triệu chứng sốt, ho, sổ mũi, đau họng, khó thở,… Cùng với đó, tuân thủ các quy định về giãn cách xã hội là điều cần thiết.
Về chế độ sinh hoạt, ngoài những nguyên tắc chung như bỏ thuốc lá, hạn chế rượu bia, tránh thừa cân, tăng vận động thể lực, chế độ ăn ít muối, nhiều rau quả,… bệnh nhân cần điều chỉnh thêm một số hoạt động phù hợp với tình trạng đại dịch hiện nay. Vận động thể lực tránh nơi đông người, có các biện pháp vận động thể lực phù hợp nếu phải cách ly tại nhà, ví dụ máy chạy bộ. Thức ăn mua trữ lạnh, tránh chọn các loại thức ăn nhanh hỏng. Tăng cường sức khỏe tinh thần: trồng cây, đọc sách, tránh ảnh hưởng bởi những tin tức tiêu cực, không đúng nguồn gốc về COVID-19.
Về điều trị thuốc, không có thay đổi trong thời kỳ đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, nếu có thể bệnh nhân nên được kéo dài thời gian tái khám, giảm số lần tái khám, giảm tiếp xúc với người khác. Tuy nhiên không vì vậy mà lơ là việc theo dõi tình hình bệnh, các triệu chứng và dấu hiệu cần đến ngay cơ sở y tế.
CÁC LỜI KHUYÊN VỀ THEO DÕI VÀ XỬ TRÍ TẠI NHÀ NẾU CÓ CÁC TRIỆU CHỨNG NGHI NGỜ BỆNH
Dịch bệnh COVID-19 tại nước ta vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, cùng với quy định về giãn cách xã hội được áp dụng tại một số địa phương, nhưng người bệnh mắc các bệnh nội khoa nói chung và người bệnh mắc các bệnh lý nền tim mạch vẫn cần tự theo dõi cẩn thận các triệu chứng thường ngày của bệnh nền và biết cách xử trí tại nhà cho phù hợp.
Đối với bệnh nhân mắc các bệnh lý nền tim mạch, tùy thuộc vào giai đoạn bệnh và mức độ nặng của bệnh nền cũng như tác động của điều trị mà có thể có các triệu chứng lâm sàng khác nhau.
Ví dụ, triệu chứng khó thở, mệt trên bệnh nhân suy tim có thể là nhẹ hoặc không triệu chứng trong giai đoạn đầu của bệnh hoặc thường xuyên mệt, khó thở hơn khi ở giai đoạn suy tim nặng, đợt suy tim cấp hoặc do bệnh nhân không tuân thủ điều trị. Khi nhiễm COVID-19 bệnh nhân có thể xuất hiện các triệu chứng như khó thở, mệt mỏi hoặc đột ngột thay đổi nặng các triệu chứng hằng ngày. Do đó, bệnh nhân cần theo dõi sát các triệu chứng hằng ngày của mình, tiếp tục các thuốc điều trị bệnh nền và thuốc làm giảm triệu chứng của bệnh theo hướng dẫn từ trước của bác sĩ. Chẳng hạn như bệnh nhân có bệnh tim thiếu máu cục bộ có thể dùng Nitroglycerin dạng xịt hoặc ngậm dưới lưỡi khi có triệu chứng đau ngực, tuy nhiên cần đi khám nếu đau ngực nhiều hoặc không giảm đau ngực sau 2 lần ngậm thuốc. Bệnh nhân tăng huyết áp nên thường xuyên theo dõi huyết áp, cũng như tuân thủ chế độ điều trị dùng thuốc và không dùng thuốc.
Đồng thời, người bệnh cần thông báo đến bác sĩ của mình để nhận được lời khuyên, tư vấn phù hợp hoặc đến khám tại các cơ sở y tế nếu có các triệu chứng khó thở, nặng ngực, mệt nặng dần hoặc huyết áp không ổn định. Điều này đặc biệt quan trọng khi người bệnh có bệnh nền tim mạch có sốt và/hoặc viêm đường hô hấp cấp tính không lý giải được bằng các nguyên nhân khác hoặc người bệnh có bất kỳ triệu chứng hô hấp nào và có tiền sử đến/qua/ở/về từ vùng dịch tễ có bệnh COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định nhiễm COVID-19 trong khoảng 14 ngày trước khi khởi phát các triệu chứng.
Tài liệu tham khảo
Hướng dẫn Chẩn đoán và Điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) của Bộ Y tế ban hành ngày 29/07/2020.
The European Society for Cardiology. ESC Guidance for the Diagnosis and Management of CV Disease during the COVID-19 Pandemic.
https://www.escardio.org/Education/COVID-19-and-Cardiology/ESCCOVID-19-Guidance. (Last update: 28 May 2020)
Driggin E, Madhavan MV, Bikdeli B, et al. Cardiovascular Considerations for Patients, Health Care Workers, and Health Systems During the Coronavirus Disease 2019 (COVID-19) Pandemic. Journal of American College of Cardiology.
Accepted and Published online March 17th 2020. JAC 27204.
DOI: https://doi.org/10.1016/j.jacc.2020.03.031).
Ranard LS, Fried JA, Abdalla M, et al. Approach to Acute Cardiovascular Complications in COVID-19 Infection. Circ Heart Fail. 2020;13(7):e007220.