Đau Thắt Ngực – Đại Dịch Thầm Lặng Toàn Cầu Và Những Con Số Biết Nói
Năm 2020 xuất hiện với trận đại dịch SARS-CoV-2 đang hoành hành trên khắp thế giới. Sau bao ngày kiên cường chống dịch cho đến ngày 31/7, Việt Nam ghi nhận ca tử vong đầu tiên do Covid 19 (bệnh nhân thứ 428, giới tính nam, 70 tuổi tử vong do Nhồi máu cơ tim trên bệnh lý nền tăng huyết áp, thiếu máu cục bộ, suy tim, suy thận mạn giai đoạn cuối, với biến chứng: suy hô hấp do suy tim và COVID-19) (1)
Điều này cho thấy mức độ nguy hiểm của COVID-19, đặc biệt đối với bệnh nhân lớn tuổi có nhiều bệnh lý mắc kèm như bệnh nhân 428.
Dịch tễ bệnh tim mạch mùa COVID-19
Theo thống kê, bệnh nhân tim mạch có tỉ lệ tử vong do COVID-19 là 13.2%, cao gấp 10 lần bệnh nhân không có bệnh nền và cao nhất trong nhất trong các nhóm bệnh lý mắc kèm (2). Điều này cho thấy những bệnh nhân tim mạch là đối tượng rất dễ bị tổn thương sức khỏe, cần được điều trị tích cực, đặc biệt trong trận đại dịch này.
Thực tế đáng lo ngại rằng, hiện tại có đến hơn 25% người dân Việt Nam mắc bệnh tim mạch (3), đặc biệt là tăng huyết áp và bệnh mạch vành. Do đó, mạch vành là một bệnh lý nguy hiểm, có thể để lại hậu quả trầm trọng về sức khỏe cũng như kinh tế nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Nhiệm vụ mỗi cá nhân cần thực hiện
Bài học từ các nước đã phát triển cho thấy, để giảm thiểu gánh nặng bệnh lý tim mạch nói chung và bệnh lý mạch vành nói riêng đối với sức khỏe cộng đồng, chúng ta cần phải có những hành động mạnh mẽ hơn.
Từ công tác phòng bệnh và giáo dục sức khỏe, mỗi cá nhân cần phải:
- Tuân thủ điều trị: thực hiện đúng theo hướng dẫn của thầy thuốc
- Tầm soát bệnh: định kỳ 6 tháng để phát hiện sớm để điều trị kịp thời
- Thay đổi lối sống lành mạnh: từ bỏ hút thuốc lá, hạn chế bia rượu và các chất kích thích; ăn ít chất béo, bổ sung vitamin và chất xơ có nhiều trong trái cây và rau củ, giảm ăn mặn; tập thể dục vừa sức đều đặn mỗi ngày.
Lạc quan nhưng đừng chủ quan
Khi được chẩn đoán mắc bệnh mạch vành, bạn nên thận trọng không được chủ quan, nhưng đồng thời hãy lạc quan vì nếu tuân thủ điều trị bác sĩ và thay đổi lối sống lành mạnh sẽ ngăn ngừa được biến chứng nguy hiểm.
Trường hợp bị đau thắt ngực ổn định, bạn nên theo dõi kỹ số cơn đau, vị trí đau, tần suất xuất hiện… Đồng thời ghi nhận lại và trao đổi với bác sĩ khi thăm khám hàng tháng để hiểu rõ hơn tình trạng bệnh cũng như kiểm tra đáp ứng điều trị ra sao để có thể điều chỉnh tối ưu nhất.
Mạch vành là bệnh lý nguy hiểm, đặc biệt trong mùa dịch COVID-19. Do đó, bạn hãy chủ động phòng chống dịch cũng như điều trị bệnh mạch vành tốt hơn bằng việc xây dựng lối sống lành mạnh, tầm soát bệnh định kỳ và uống thuốc đều đặn theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nguồn tham khảo:
- https://moh.gov.vn/hoat-dong-cua-dia-phuong/-/asset_publisher/gHbla8vOQDuS/content/benh-nhan-428-tu-vong-vi-nhoi-mau-co-tim-tren-nen-benh-ly-nang-va-mac-covid-19
- https://www.epicentro.iss.it/coronavirus/sars-cov-2-decessi-italia
- https://moh.gov.vn/diem-tin-y-te/-/asset_publisher/sqTagDPp4aRX/content/-iem-tin-y-te-ngay-13-6-2019