Các Phương Pháp Chẩn Đoán Bệnh Mạch Vành
Bệnh mạch vành hay còn gọi là bệnh động mạch vành, bệnh tim do xơ vữa động mạch, bệnh tim thiếu máu cục bộ. Đây là tình trạng động mạch vành tim tắc nghẽn khiến cơ tim bị thiếu dưỡng khí, nếu không được điều trị tích cực sẽ dẫn đến đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.
Để đề phòng và điều trị kịp thời, bạn cần chẩn đoán sớm bệnh mạch vành bằng các phương pháp thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu 2 cách chẩn đoán dưới đây nhé!
Chẩn đoán lâm sàng
Ở phương pháp này, bác sĩ sẽ đánh giá các dấu hiệu và triệu chứng, nhận diện cơn đau thắt ngực không ổn định hoặc các dạng khác của hội chứng mạch vành cấp. Điều này được thực hiện thông qua việc thăm hỏi xác định các vấn đề như:
- Tính chất cơn đau ngực
- Tiền sử bệnh
- Yếu tố nguy cơ (chẳng hạn như tiền sử gia đình mắc bệnh tim sớm, rối loạn lipid máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, hút thuốc lá…)
Tính chất cơn đau ngực (một cơn đau ngực điển hình) cần có đủ 3 tiêu chí:
- Xuất hiện khi gắng sức.
- Giảm trong vòng 5 phút sau khi nghỉ hoặc sử dụng viên ngậm nitrate.
- Đau kiểu bóp nghẹt hoặc đè nặng sau xương ức, có thể lan lên cổ, hàm dưới, vai hoặc cánh tay.
Trường hợp có 2 trong 3 tiêu chí trên sẽ được gọi là đau thắt ngực không điển hình. Nếu chỉ có 1 trong 3 tiêu chí thì đây không phải đau thắt ngực
Chẩn đoán cận lâm sàng
Với đa số bệnh nhân mắc bệnh động mạch vành, triệu chứng đầu tiên thường là cơn đau thắt ngực. Tuy nhiên, đối với nhiều bệnh nhân không đau ngực hoặc có cơn đau không điển hình, bác sĩ có thể yêu cầu bạn làm một số thăm dò để xác định bệnh nếu nghi ngờ.
1. Điện tâm đồ
Đây là biện pháp đơn giản nhất để tìm các dấu hiệu của bệnh mạch vành. Điện tâm đồ có thể phát hiện các dấu hiệu thiếu máu cơ tim hay hoại tử cơ tim – biến chứng của bệnh mạch vành.
Điện tâm đồ là phương pháp kiểm tra không chảy máu, đơn giản, ít tốn kém, có thể tiến hành trong vòng 5 phút. Bạn cần lưu giữ các kết quả điện tâm đồ cũ để so sánh và xác định những biến đổi mới cho phép nâng cao khả năng phát hiện bệnh mạch vành.
2. Siêu âm tim
Siêu âm tim giúp đánh giá khả năng vận động của các thành tim. Nếu bạn có bệnh động mạch vành, vùng cơ tim được cấp máu bởi nhánh mạch vành đó sẽ không được cấp đủ lượng oxy. Vùng cơ tim đó sẽ có hiện tượng rối loạn vận động so với các vùng khác (có thể giảm vận động hoặc hoàn toàn không vận động).
Siêu âm tim cũng là một thăm dò không chảy máu, tuy nhiên đòi hỏi phương tiện hiện đại (máy siêu âm) cũng như bác sĩ được đào tạo chuyên khoa. Mặt khác siêu âm tim thường chỉ phát hiện được bệnh mạch vành ở giai đoạn muộn.
3. Đo điện tim gắng sức
Đối với trường hợp này, bạn được yêu cầu chạy hay đi bộ trên máy đi bộ và gắn vào cơ thể thiết bị đo điện tim. Lúc này, cơ thể bạn phải hoạt động gắng sức nên làm tăng nhu cầu máu ở tim.
Nếu bạn không thể đi hay chạy bộ, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng thuốc làm tăng nhịp tim. Biện pháp đo điện tim gắng sức nhằm mục đích kiểm tra tình trạng tim có được nhận đủ lượng máu cần thiết hay không.
4. Thăm dò chẩn đoán hình ảnh
Các thăm dò chẩn đoán hình ảnh bao gồm: Chụp cắt lớp vi tính đa dãy động mạch vành, chụp cộng hưởng từ tim và chụp phóng xạ tưới máu cơ tim.
Những kỹ thuật này sẽ cho ra hình ảnh giải phẫu mạch vành, mức độ vôi hóa mạch vành, mức độ hẹp mạch vành, vị trí hẹp mạch vành, dị dạng mạch vành, mức độ sống còn cơ tim…
5. Thông tim và chụp động mạch vành
Đây là một trong những biện pháp hiện đại nhất để chẩn đoán bệnh mạch vành. Thủ thuật này được tiến hành trong phòng tim mạch can thiệp với các thiết bị chụp mạch và màn huỳnh quang tăng sáng hiện đại. Thông qua đường động mạch quay hoặc động mạch đùi, bác sĩ sẽ đưa một ống thông lên tim của bạn vào nhánh động mạch vành.
Qua ống thông đó bác sĩ sẽ tiêm một dung dịch đặc biệt là chất cản quang vào động mạch vành của bạn. Chất cản quang cho phép bác sĩ nhìn thấy hình dạng, kích thước mạch vành trên màn huỳnh quang, đánh giá vị trí hẹp và mức độ hẹp mạch vành.
Chụp động mạch vành qua da là một biện pháp thăm dò chảy máu, tuy nhiên hoàn toàn không đau đớn (không cần gây mê, chỉ cần gây tê tại chỗ) và hiếm khi gây biến chứng.
Tất cả các biện pháp để xác định bệnh mạch vành đã nêu chỉ có thể đánh giá được bệnh lý mạch vành tại thời điểm thăm khám. Bệnh mạch vành là bệnh lý tiến triển liên tục theo thời gian, do vậy bạn cần lưu ý đi khám định kỳ, áp dụng các biện pháp phòng bệnh, thay đổi lối sống tích cực và tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để bệnh được kiểm soát hiệu quả hơn nhé!