Nhồi máu cơ tim – Những Thông Tin Cần Biết
Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý nguy hiểm, có thể đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng người bệnh. Sau đây là tất cả những điều bạn cần biết về căn bệnh này, để có thể bảo vệ được sức khỏe bản thân. Bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu nhé!
1. Nhồi máu cơ tim là gì?
Nhồi máu cơ tim là một bệnh lý nghiêm trọng cho thấy tình trạng tim bị tổn thương hay chết một phần cơ tim. Tim là cơ quan bơm máu đi nuôi cơ thể và được nuôi dưỡng bằng 2 nhánh mạch máu chính là động mạch vành phải và động mạch vành trái.
Nhồi máu cơ tim xảy ra khi có sự tắc nghẽn đột ngột một phần hay hoàn toàn những mạch máu này dẫn đến làm chậm hoặc ngưng hoàn toàn dòng máu đến nuôi tim.
2. Nguyên nhân gây nhồi máu cơ tim
Nguyên nhân thường gặp nhất là do xơ vữa động mạch. Đây là quá trình tích tụ của các chất mỡ (được gọi là mảng xơ vữa) trong lòng mạch máu làm hẹp dần và chậm dòng máu nuôi tim (thường gọi là bệnh thiếu máu cơ tim). Khi mảng xơ vữa bị nứt vỡ, các cục máu đông hình thành làm hẹp hoặc tắc hoàn toàn dòng máu, cơ tim bị thiếu máu dẫn đến tổn thương.
Ngoài ra, bạn có thể dễ bị nhồi máu cơ tim hơn so với người bình thường khác nếu bạn mắc phải các yếu tố nguy cơ sau:
- Béo phì
- Căng thẳng
- Ít vận động
- Hút thuốc lá
- Mỡ máu cao
- Huyết áp cao
- Đái tháo đường
- Tiền sử gia đình có người mắc bệnh
- Lớn tuổi như nam >45 tuổi hoặc nữ >55 tuổi
3. Triệu chứng nhồi máu cơ tim
Các triệu chứng thường gặp cảnh báo bạn bị nhồi máu cơ tim bao gồm:
- Hồi hộp, lo lắng, mệt mỏi, mê sảng
- Khó thở, hụt hơi, vã mồ hôi, buồn nôn
- Cơn đau thắt ngực kiểu mạch vành (Triệu chứng thường gặp nhất là khó chịu vùng ngực, kéo dài vài phút đến hàng giờ, thường xảy ra sau khi gắng sức, gặp lạnh. Bệnh nhân có thể cảm giác rất đau, hoặc đè ép, xiết chặt, nóng rát vùng ngực. Cơn đau có thể lan lên vùng cổ bên trái, hàm trái, vai và tay trái)
4. Cách xử lý khi có triệu chứng cơn đau tim
Khi có sự trợ giúp về y tế càng sớm, bạn có cơ hội sống sót sau cơn đau tim càng cao, do đó bạn hãy ghi nhớ kĩ các thông tin để xử lý kịp thời. Để phòng ngừa và xử lý cơn đau tim, bạn cần phải:
- Giữ điện thoại gần bạn
- Ngồi ở một chiếc ghế thoải mái và chờ sự giúp đỡ
- Gọi xe cấp cứu ngay lập tức và không tự lái xe đến bệnh viện
- Nếu ở một mình, đừng khóa cửa để nhân viên cấp cứu có thể vào nhà dễ dàng
- Sau khi gọi cấp cứu giúp đỡ, hãy nhai và nuốt 1 viên aspirin lớn không có vỏ bọc 325mg hay 4 viên aspirin nhỏ không có vỏ bọc 81mg (Lưu ý không dùng nếu bị dị ứng với aspirin)
Biến chứng nhồi máu cơ tim có thể xảy ra trong bệnh viện hoặc sau khi xuất viện như suy tim, rối loạn nhịp tim, thậm chí đột tử, lâu dài có thể bị trầm cảm hoặc nhồi máu cơ tim tái phát.
5. Cách chẩn đoán nhồi máu cơ tim
Bạn sẽ được chẩn đoán là nhồi máu cơ tim khi:
- Có cơn đau thắt ngực kiểu mạch vành
- Đã thực hiện các xét nghiệm cơ bản như đo điện tim, thử máu
Để đánh giá thêm tình trạng bệnh, bác sĩ có thể thực hiện thêm các xét nghiệm siêu âm tim, X-quang tim phổi, chụp mạch máu tim (chụp mạch vành)…
6. Điều trị nhồi máu cơ tim thế nào?
Nhồi máu cơ tim có thể được điều trị thông qua các phương pháp:
- Điều trị làm giảm triệu chứng và các bệnh lý kèm theo
- Tái thông mạch máu bị tắc nghẽn: Điều này thực hiện bằng thuốc tan cục máu đông, thông tim để hút cục máu đông ra và nong chỗ hẹp hoặc đặt giá đỡ vào chỗ mạch máu bị hẹp (gọi là can thiệp tim mạch – đặt stent mạch vành)
- Mổ bắc cầu mạch vành: Nếu hệ mạch máu hẹp nhiều chỗ hoặc không thể đặt stent, Bác sĩ sẽ đề nghị mổ bắc cầu mạch vành, tức là dùng một đoạn mạch máu khác thay thế cho mạch vành bị hẹp.
Việc điều trị nhồi máu cơ tim phải kéo dài liên tục, khi xuất viện bạn phải tái khám lâu dài tại chuyên khoa tim mạch để đảm bảo sức khỏe luôn được kiểm soát ổn định.
7. Phục hồi chức năng sau nhồi máu cơ tim
Bạn có thể bắt đầu phục hồi chức năng khi còn đang nằm viện. Bác sỹ sẽ hướng dẫn các bài tập thể dục, chế độ ăn, và làm thế nào để đạt được và duy trì cân nặng khỏe mạnh, các cách để kiểm soát mức độ căng thẳng, huyết áp và mức mỡ máu của bạn.
8. Cách giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim tái phát
Bạn có thể giảm nguy cơ tái phát bệnh thông qua các cách sau:
● Uống thuốc đầy đủ
● Tái khám đúng hẹn, lâu dài suốt đời
● Tham gia phục hồi chức năng tim mạch
● Kiểm soát các yếu tố nguy cơ (chẳng hạn như tăng huyết áp, mỡ trong máu, đái tháo đường, từ bỏ thuốc lá)
● Nhờ sự giúp đỡ (bạn hãy chia sẻ quá trình hồi phục với gia đình, bạn bè và các bệnh nhân khác để giảm lo lắng và cô đơn)
9. Làm gì để ngăn ngừa nhồi máu cơ tim?
Một lối sống lành mạnh sẽ làm giảm nguy cơ bệnh, bao gồm:
- Tránh căng thẳng
- Tái khám đều đặn để kiểm tra
- Kiểm soát tăng huyết áp, đái tháo đường
- Ăn uống lành mạnh ít mỡ và cholesterol
- Bỏ hút thuốc lá và tránh nơi có khói thuốc
- Tập thể dục đều đặn ít nhất 30 phút/ngày, từ 5 – 7 ngày/tuần (chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đạp xe và bơi lội)
Nhồi máu cơ tim là bệnh lý vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe và tính mạng. Do đó, bạn luôn nâng cao cảnh giác khi có dấu hiệu bất thường xảy ra. Đồng thời hãy xây dựng lối sống lành mạnh và kiểm tra sức khỏe định kỳ để đảm bảo kiểm soát bệnh nhé!
Nguồn tham khảo:
https://familydoctor.org/condition/heart-attack/
https://www.uptodate.com/contents/heart-attack-beyond-the-basics