Bạn Nên Làm Gì Khi Bị Đau Thắt Ngực?
Với sự phát triển y học, đặc biệt trong lĩnh vực tim mạch, số lượng bệnh nhân bệnh mạch vành được chẩn đoán và điều trị ngày càng tăng lên. Trong các biểu hiện của bệnh mạch vành, đau ngực là một triệu chứng rất thường gặp, nhiều bệnh nhân rất lo lắng khi triệu chứng đau ngực xảy ra, mặc dù không phải mọi cơn đau ngực đều có nguồn gốc từ mạch vành.
Vậy một cơn đau thắt ngực đúng nghĩa là như thế nào và bạn phải làm sao để xử trí phù hợp? Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu dưới đây qua bài viết của Bác sĩ Nguyễn Tuấn Anh nhé!
Nhận biết chính xác cơn đau thắt ngực
Theo định nghĩa của Hiệp hội y khoa Hoa Kỳ, cơn đau thắt ngực điển hình của mạch vành bao gồm các đặc điểm sau:
- Giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng các nhóm thuốc nitrat
- Kéo dài từ 5 đến 10 phút, không tăng lên khi ấn hoặc khi ho
- Khởi phát do gắng sức hoặc căng thẳng tâm lý tình cảm
- Đau sau xương ức với cường độ nặng như bóp nghẹt, diện tích đau có thể bằng một bàn tay bệnh nhân. Cơn đau có thể lan lên cổ và vai trái, kèm khó thở, vã mồ hôi, buồn nôn…
Các cơn đau mơ hồ, dai dẳng, âm ỉ, đau từng điểm, đau tăng khi ấn, đau thoáng qua vài giây đến dưới 1 phút… đều ít khi liên quan đến nguyên nhân mạch vành.
Xử trí khi gặp cơn đau thắt ngực
Nếu cơn đau thắt ngực của bạn giống với các đặc điểm trên, bạn cần thực hiện ngay các điều sau:
- Dừng mọi hoạt động gắng sức và tìm chỗ nghỉ ngơi.
- Nếu đã từng được chẩn đoán bệnh mạch vành và có sẵn thuốc nitrate, bạn hãy sử dụng ngay để cắt cơn, hiện có rất nhiều dạng thuốc nitrat để cắt cơn như ngậm dưới lưỡi, xịt…
Có 3 trường hợp bạn lưu ý cần thăm khám tại cơ sở ý tế bao gồm:
• Trường hợp 1: Cơn đau không giảm sau 10 – 15 phút nghỉ ngơi hoặc dùng nitrat, đây có thể là biểu hiện của bệnh lý nặng như hội chứng vành cấp hoặc bệnh lý liên quan đến động mạch chủ, phổi…
• Trường hợp 2: Nếu nghi ngờ bị hội chứng vành cấp, bạn nên tìm và gọi giúp đỡ, không nên tự đi đến cơ sở y tế một mình.
• Trường hợp 3: Cơn đau thuyên giảm khi nghỉ ngơi, nhưng chưa từng được tầm soát bệnh mạch vành trước đây.
Lưu ý khi phòng ngừa đau thắt ngực
Để phòng ngừa các cơn đau tái phát, bạn cần lưu ý đến ngưỡng gắng sức và tránh không để lặp lại, đồng thời dừng trước khi khả năng gắng sức vượt ngưỡng để cơn đau không xảy ra. Bạn cũng cần lưu ý tránh ăn quá no hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột.
Bạn hãy học cách kiểm soát cảm xúc và cân bằng cuộc sống, tránh để tình trạng căng thẳng kéo dài. Hãy lưu ý rằng rượu và các loại thuốc phiện không có khả năng giảm căng thẳng, thay vì đó, bạn hãy thăm khám bác sĩ tâm lý hoặc trò chuyện cùng người thân, bạn bè để được hỗ trợ giải quyết vấn đề nhé!
SERV-NDT-29-11-2022-2
Nguồn tham khảo:
1. Dr. Rosanna Tavella, Prof. John F Beltrame. Angina pectoris: how has the clinical presentation evolved? Is it still the same today as it was several years ago? E-Journal of Cardiology Practice – Volume 15