5 Điều Cần Biết Về Cơn Đau Thắt Ngực Không Ổn Định

Đau ngực có thể là triệu chứng của bệnh mạch vành. Đau thắt ngực do bệnh mạch vành là tình trạng xuất hiện do sự suy giảm lượng máu cung cấp cho cơ tim. Triệu chứng này thường được mô tả với cảm giác bóp chặt, thắt nghẹt, đè nặng trước ngực, nhưng đôi khi chỉ là cảm giác nóng rát hoặc đầy bụng.

Chính vì vậy, bạn sẽ khó phân biệt cơn đau ngực do bệnh mạch vành với các nguyên nhân gây đau ngực phổ biến khác như viêm dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản, viêm dây thần kinh liên sườn…

Những triệu chứng đau ngực của bạn cần được bác sĩ đánh giá, để xác định đó là cơn đau thắt ngực ổn định hay là một dấu hiệu vấn đề nguy hiểm hơn (chẳng hạn như đau thắt ngực không ổn định hay nhồi máu cơ tim).

Cơn đau thắt ngực ổn định là dạng thường gặp của đau ngực, thường giảm hoặc mất khi nghỉ ngơi hay dùng thuốc. Tuy nhiên, đối với cơn đau thắt ngực không ổn định, tình trạng này có thể xuất hiện khi nghỉ ngơi, đồng thời kéo dài hơn và không giảm khi dùng thuốc.

1. Đặc điểm cơn đau thắt ngực không ổn định

Cơn đau thắt ngực không ổn định là một trong ba dạng của hội chứng vành cấp (nhồi máu cơ tim cấp). Tình trạng này thường được bác sĩ chẩn đoán tại cơ sở y tế và cần kết hợp với triệu chứng bệnh nhân, thực hiện điện tâm đồ và xét nghiệm máu để kiểm tra men tim.

2. Nguyên nhân của cơn đau thắt ngực không ổn định

Nguyên nhân thường gặp nhất của cơn đau thắt ngực không ổn định là do nứt vỡ mảng xơ vữa dẫn đến hình thành huyết khối (cục máu đông) gây tắc nghẽn một phần động mạch vành. Từ đó, lượng máu cung cấp cho tim giảm gây ra tình trạng đau ngực.

Cơn đau thắt ngực không ổn định hay nhồi máu cơ tim là bệnh lý nội khoa cấp cứu vì mức độ nguy hiểm đến tính mạng nếu không được chẩn đoán, điều trị kịp thời.

3. Khi nào bạn cần gặp bác sĩ ngay?

4 trường hợp bạn cần tìm đến bác sĩ ngay khi bị đau ngực bao gồm:

Trường hợp 1

Cơn đau ngực có thể mới xuất hiện hoặc tái diễn trong trường hợp trước đó đã được chẩn đoán đau thắt ngực ổn định.

Trường hợp 2

Cơn đau ngực kéo dài hơn hơn 20 phút, không giảm khi nghỉ ngơi và khi dùng thuốc.

Đây có thể là dấu hiệu cơn đau thắt ngực không ổn định hay nhồi máu cơ tim, bạn cần gọi ngay xe cấp cứu hay nhờ người thân đưa đến bệnh viện.

Trường hợp 3

Cơn đau ngực mới xuất hiện lần đầu.

Bạn cần đến khám bác sĩ để xác định cơn đau ngực do nguyên nhân tại tim hay ngoài tim, để có phương pháp điều trị thích hợp.

Trường hợp 4

Bạn đã được chẩn đoán cơn đau thắt ngực ổn định trước đó, và lần này, cơn đau ngực trở nặng, thường xuyên và kéo dài hơn, hoặc xảy ra với ít gắng sức hơn hay thậm chí đau khi nghỉ ngơi. Đối với trường hợp này, bạn nên đến bệnh viện ngay.

4. Yếu tố nguy cơ gây đau thắt ngực không ổn định

Những yếu tố sau làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành và đau thắt ngực bao gồm:

  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá chủ động hay thụ động đều gây tổn thương thành mạch máu, tăng xơ vữa mạch máu gây bít tắc lòng mạch.
  • Đái tháo đường: Làm tăng nguy cơ bệnh mạch vành và đau ngực do tăng tốc độ xỡ vữa mạch máu.
  • Tăng huyết áp: Theo thời gian, tăng huyết áp làm tăng tốc độ xơ cứng động mạch.
  • Rối loạn mỡ máu: LDL-Cholesterol (một loại cholesterol xấu) làm tăng nguy cơ đau ngực và bệnh mạch vành.
  • Tiền sử gia đình: Có người thân gặp phải các bệnh về tim mạch.
  • Tuổi cao: nam trên 45 tuổi, nữ trên 55 tuổi
  • Ít hoạt động thể lực: Điều này có thể gây thừa cân, béo phì, nguy cơ tim mạch do rối loạn mỡ máu.
  • Stress: Áp lực công việc, gia đình khiến sức khỏe tinh thần suy giảm, bệnh khó kiểm soát.

5. Phòng ngừa cơn đau thắt ngực không ổn định

Các cách ngăn ngừa đau thắt ngực bao gồm:

– Giảm stress, giảm lo âu

– Giảm uống rượu bia và các thức uống có cồn

– Kiểm soát tốt huyết áp, đường huyết và cholesterol máu.

– Chích ngừa cúm hằng năm để tránh các biến chứng tim do virus

– Hạn chế sử dụng chất béo, ăn lạt, ăn nhiều rau củ quả, trái cây và ngũ cốc, ăn cá (ít nhất 2 lần/tuần)

– Ngưng hút thuốc lá (biện pháp hiệu quả nhất và ít tốn kém nhất để ngăn ngừa tiến triển xơ vữa động mạch)

– Hoạt động thể lực thường xuyên (Điều này giúp cải thiện độ bền khi gắng sức, giảm cân, giảm nguy cơ tim mạch. Bệnh nhân đau thắt ngực nên bắt đầu vận động thể lực ở mức thấp, tăng dần tùy thuộc vào khả năng gắng sức)

Khi có triệu chứng đau ngực, bạn cần đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Ngay cả khi cơn đau ngực không liên quan đến tim, nhằm đảm bảo an toàn, tránh những rủi ro có thể đánh đổi bằng mạng sống của bạn. Hãy nâng cao cảnh giác trong việc phòng ngừa đau thắt ngực để sống vui, sống khỏe cùng những người thân yêu bạn nhé!

Nguồn tham khảo:

  1. ESC 2019 Guidelines on chronic coronary syndromes (CCS) and acute coronary syndromes (ACS)
  2. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/angina/symptoms-causes/syc-20369373
  3. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK442000/
  4. Bài “Chẩn đoán và điều trị cơn đau thắt ngực ổn định” – Sách “ Điều trị học nội khoa” Đại học Y Dược TP. Hồ Chí Minh
Các bài viết liên quan
Các kiến thức đọc nhiều
Các kiến thức nổi bật

Có thể bạn quan tâm

Nhịp tim bao nhiêu là tối ưu? Làm sao để đo chính xác?
0:00 / 0:00 1. Nhịp tim là gì? Nhịp tim là số nhát bóp của tim có trong một phút. Ở người bình thường, nhịp tim dao động từ 60 – 100 lần/phút. Tuy vậy, nhịp tim dao động khá nhiều do chịu ảnh hưởng của rất nhiều yếu tố. Nhịp tim có thể tăng hơn bìnhred
Xem thêm
Những xét nghiệm cần làm để chẩn đoán khi có dấu hiệu đau ngực?
Khoang ngực chứa các cơ quan quan trọng của cơ thể. Do đó, khi có những dấu hiệu đau ngực bạn không nên chủ quan và cần tiến hành kiểm tra để tìm hiểu nguồn gốc đau ngực. Vậy các xét nghiệm cần làm khi bị đau ở ngực là gì? 2.  Nguyên nhân đaured
Xem thêm
Cách phòng ngừa cơn đau thắt ngực ổn định và cơn đau không ổn định
Đau thắt ngực là tình trạng cơ tim của bạn không nhận đủ máu giàu oxy, thường xảy ra khi gặp căng thẳng hoặc một số lý do khác khiến tim phải hoạt động liên tục. Cần phân biệt được sự khác biệt giữa cơn đau thắt ngực ổn định và không ổn định đểred
Xem thêm