Quẳng Gánh Lo Đau Thắt Ngực Đi Và Vui Sống
Bệnh mạch vành trong xã hội ngày nay đang dần trở thành một căn bệnh đáng lưu tâm. Nguy cơ mắc bệnh mạch vành sau 40 tuổi là 49% ở nam, 32% ở nữ. Trong số bệnh nhân đột tử do bệnh mạch vành, có khoảng 64% bệnh nhân nữ và 50% nam không có triệu chứng trước đó. Tỉ lệ bệnh nhân không được kiểm soát triệu chứng đau thắt ngực lên đến 44%.
Trước những con số đáng sợ của đau thắt ngực, bạn phải làm gì để ngăn ngừa sự tiến triển mạnh mẽ của chứng bệnh này? Hãy thả lỏng tinh thần và cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu hành trình gỡ bỏ những gánh lo mà chứng bệnh này mang lại nhé!
1. Xây dựng lối sống lành mạnh
4 cách thay đổi lối sống bạn cần lưu ý bao gồm:
Chế độ ăn Địa Trung Hải
Chế độ ăn này đã được chứng minh trong một số nghiên cứu giúp làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch. Việc ưu tiên dùng các chất béo “lành mạnh” đem lại kết quả tốt hơn so với việc giảm ăn các chất béo nói chung. Các thực phẩm chứa chất béo tốt như dầu ô liu nguyên chất, các loại hạt, ngũ cốc, đậu…
Từ bỏ thuốc lá
Thuốc lá chứa rất nhiều chất độc hại ảnh hưởng không chỉ hệ tim mạch mà còn nhiều cơ quan khác. Hút thuốc lá thường xuyên dù chỉ 2 điếu mỗi ngày cũng làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, ung thư phổi.
Ngưng hút thuốc lá là điều vô cùng quan trọng góp phần làm giảm đau thắt ngực. Bạn có thể tham khảo trên các trang web hay nhờ sự giúp đỡ của chuyên gia để được hỗ trợ cai thuốc lá dễ dàng hơn.
Hoạt động thể lực
Tập thể dục giúp làm hạ huyết áp, giúp kiểm soát mỡ máu và cải thiện hệ mạch máu, giúp cơ thể sử dụng oxy hiệu quả. Bạn nên hoạt động thể lực từ nhẹ đến vừa trong vòng 30-60 phút, ít nhất 5 – 7 ngày trong tuần.
Bạn có thể chạy bộ, đi bộ nhanh (5-6 km/h), bơi, đạp xe, làm vườn, khiêu vũ… tránh tập thể dục trong điều kiện không khí lạnh, gió mạnh hay khi bị đau ngực. Ngoài ra khi sốt, mệt, cảm cúm, bạn cũng cần hạn chế vận động.
Giảm căng thẳng
Căng thẳng có ảnh hưởng xấu đến hệ tim mạch vì làm hoạt hóa hệ giao cảm khiến tim tăng sử dụng oxy, co thắt mạch máu nuôi tim có thể gây đau ngực hoặc thậm chí nhồi máu cơ tim. Giảm căng thẳng bằng cách tập hít thở, thiền định, tập thể dục, làm những việc ưa thích và lành mạnh có thể giúp bạn giải tỏa bớt phần nào những mối lo toan trong cuộc sống.
2. Sử dụng thuốc theo đúng chỉ định
Có 4 nhóm thuốc bạn cần lưu ý trong quá trình điều trị bao gồm:
Aspirin
Đây là thuốc nền tảng trong điều trị bệnh mạch vành mạn ổn định, giúp giảm 37% nguy cơ các biến cố mạch máu, bao gồm:
- Giảm 46% nguy cơ đau thắt ngực không ổn định
- Giảm 53% nguy cơ cần tái thông mạch vành
Thuốc được dùng kéo dài suốt đời kể cả những bệnh nhân đã được can thiệp mạch vành.
Statin
Statin là một thuốc điều trị rối loạn mỡ máu, góp phần làm ổn định mảng xơ vữa, hạ LDL-c (loại mỡ máu có hại) qua đó làm giảm tỉ lệ tử vong ở những bệnh nhân có bệnh mạch vành.
Thuốc ức chế men chuyển/thụ thể angiotensin/thụ thể β ở tim
Đây cũng là những thuốc được bác sĩ cân nhắc trong chỉ định điều trị bệnh mạch vành mạn.
Nitrate
Bác sĩ có thể chỉ định loại thuốc này giúp giãn mạch vành, qua đó giảm các triệu chứng đau thắt ngực. Khi dùng phải tuân theo sự chỉ dẫn của bác sĩ để tránh hiện tượng lờn thuốc khiến những lần dùng thuốc sau đó không còn hiệu quả.
Ngoài ra những thuốc như Trimetazidine hay Ivabradine cũng được chứng minh về độ hiệu quả trong kiểm soát tình trạng đau ngực.Điều quan trọng là bạn cần thăm hỏi ý kiến bác sĩ về bất kỳ loại thuốc nào trước khi có ý định sử dụng, tránh tự ý dùng thuốc sẽ gây nguy hiểm đến sức khỏe.
3. Mách bạn cách duy trì những thói quen tốt
Bạn cần có một thời khóa biểu rõ ràng về chế độ ăn và thời gian tập thể dục hàng ngày. Việc thay đổi thói quen không phải là điều dễ dàng, tuy nhiên bạn vẫn có thể thực hiện được bằng cách làm từng việc một.
Chỉ cần mỗi ngày hoàn thành mục tiêu nhỏ và ghi nhận lại, bạn sẽ được tiếp thêm động lực để hoàn tất những mục tiêu lớn hơn. Hơn nữa, một quyển sổ ghi chép triệu chứng, các vấn đề gặp phải cùng với những thắc mắc sẽ giúp bác sĩ điều trị tốt hơn. Đồng thời cũng giúp bạn hiểu rõ và an tâm hơn về tình trạng sức khỏe của mình.
Bạn hãy nhớ thông báo ngay cho nhân viên y tế khi cơn đau ngực kéo dài hơn 15 phút, dùng thuốc không hết hay đau nhiều hơn với tính chất khác mọi ngày. Đồng thời học cách lắng nghe cơ thể mình, ghi nhận các lần đau ngực, cường độ thời gian, yếu tố khởi phát vào sổ nhật kí để tiện theo dõi và điều chỉnh.
Khi phát hiện bệnh mạch vành kèm theo những triệu chứng đau thắt ngực, bạn đừng nên quá lo lắng. Chỉ cần giữ vững tinh thần lạc quan cùng sự nỗ lực duy trì những thói quen lành mạnh, bạn đã nắm trong tay chìa khóa chiến thắng trong việc đẩy lùi đau thắt ngực này rồi đấy!
Nguồn tham khảo:
- Heart Disease and Stroke Statistics—2013 Update ,Heart Disease and Stroke Statistics—2013 Update | Circulation (ahajournals.org) , accessed 13/06/2023.
- Mediterranean diet for heart health, Mediterranean diet for heart health – Mayo Clinic , accessed 13/06/2023.
- Điều trị kháng tiểu cầu trong bệnh động mạch vành, Điều trị kháng tiểu cầu trong bệnh động mạch vành | Tim mạch học (timmachhoc.vn) , accessed 13/06/2023.
- Statin trong phòng ngừa biến cố động mạch vành – Phần I, Statin trong phòng ngừa biến cố động mạch vành – Phần I | Tim mạch học (timmachhoc.vn) , accessed 13/06/2023.
- Nhìn lại vai trò Nitrat trong bệnh tim thiếu máu cục bộ, Nhìn lại vai trò Nitrat trong bệnh tim thiếu máu cục bộ | Tim mạch học (timmachhoc.vn) , accessed 13/06/2023.
SERV-NDT-ANGI-23-06-2023