Suy tim – Biến chứng nguy hiểm của Đau thắt ngực
Cơn đau thắt ngực là triệu chứng điển hình của bệnh động mạch vành ,có thể xảy ra ở hội chứng vành cấp hoặc hội chứng vành mạn tính. Có thể chia ra làm 3 nguyên nhân chính:
- Hẹp, tắc nghẽn động mạch vành thượng tâm mạc: do mảng xơ vữa (90%), do huyết khối.
- Co thắt mạch vành: stress cảm xúc, hút thuốc hoặc sử dụng chất kích thích như cocain.
- Đau ngực do vi mạch: Hệ vi mạch nằm sâu, len lỏi vào trong cơ tim, chiếm tới 90% hệ mạch vành bị rối loạn về mặt cơ học hay chức năng.
Tất cả các nguyên nhân trên đều dẫn đến mất cân bằng cung cầu oxy, khiến tế bào cơ tim bị thiếu máu cục bộ từ đó gây ra đau thắt ngực.
Triệu chứng của cơn đau thắt ngực
- Cơn đau thắt ngực ổn định trong hội chứng vành mạn tính: thường xảy ra ở ngưỡng gắng sức nhất định. Vị trí trước xương ức và lan ra cánh tay-cằm. Triệu chứng giảm khi nghỉ ngơi hoặc dùng nitrat ngậm dưới lưỡi. Thời gian đau 5 – 20 phút.
- Cơn đau thắt ngực không ổn định trong hội chứng vành cấp: Xuất hiện ngay cả lúc nghỉ. Việc nghỉ ngơi hoặc dùng nitrat ngậm dưới lưỡi không giúp giảm đau. Cơn đau có thể kéo dài hơn 15 – 20 phút.
Bệnh mạch vành là một quá trình tiến triển lâu dài có thể lên tới 10 – 20 năm hoặc lâu hơn, đi kèm với đó là ảnh hưởng tới tiên lượng và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Nếu không được quan tâm và điều trị một cách hiệu quả, tần số các cơn đau thắt ngực ngày một tăng và bệnh sẽ gây nhiều biến chứng nặng nề hơn và bước sang một giai đoạn tồi tệ đó là suy tim.
Suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng tim không đủ khả năng bơm để cung cấp máu đảm bảo cho các nhu cầu hoạt động của cơ thể. Suy tim là con đường chung cuối cùng của hầu hết các bệnh lí tim mạch. Người bệnh bị suy tim sẽ suy giảm khả năng hoạt động, suy giảm chất lượng sống. Ngoài ra, người bệnh suy tim nặng sẽ đứng trước nguy cơ tử vong cao do các rối loạn nhịp tim và các đợt suy tim mất bù. Suy tim được chia làm hai loại là suy tim cấp tính và mạn tính.
+ Thời gian sống của người bệnh suy tim
Theo nghiên cứu của Framingham được công bố năm 2002 trên Tạp chí Y học New England sử dụng dữ liệu từ 15 đến 20 năm trước, có tới 59% nam giới và 45% phụ nữ tử vong sau 5 năm kể từ khi được chẩn đoán. Tuy nhiên nghiên cứu này lại chưa xác định nguyên nhân gây tử vong là do suy tim hay vì lý do nào khác.
Một nghiên cứu khác được công bố năm 2017 thực hiện trên 54.313 người bệnh suy tim cho thấy có tới 81,3% sống được thêm 1 năm, 51,5% sau 5 năm và chỉ có 29,5% sống được đến 10 năm sau chẩn đoán.
Thực tế, tuổi thọ của người bệnh suy tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố như độ tuổi, các bệnh mắc kèm, mức độ bệnh, khả năng tuân thủ điều trị, cơ địa người bệnh… Do đó, rất khó để có thể đưa ra con số chính xác về tuổi thọ của người bệnh suy tim.
Suy tim là một bệnh lý tiến triển. Bệnh nhân nhập viện thường trong tình trạng bị các đợt mất bù cấp. Mỗi lần nhập viện tình trạng bệnh nhân sẽ nặng hơn so với lần nhập viện trước, tiên lượng tử vong cao hơn đi kèm với đó là chi phí về kinh tế cũng như thời gian của người nhà bệnh nhân.
Triệu chứng của bệnh nhân suy tim
- Suy tim cấp: bệnh nhân thường nhập viện với tình trạng tồi tệ, khó thở (khi nghỉ, phải ngồi, khò khè), ran ở phổi,tràn dịch màng phổi, phù ngoại biên, gan to hoặc lách to, tĩnh mạch cổ nổi hay các triệu chứng như mệt mỏi, thay đổi tri giác, choáng váng gần ngất hoặc ngất, chân tay lạnh, da tái nhợt, tụt huyết áp mạch luân chuyển…
- Suy tim mạn tính: bệnh nhân thường có các triệu chứng khó thở khi gắng sức, kịch phát về đêm, hụt hơi, mệt mỏi, nặng ngực, ho khan, nhịp tim nhanh, phù chân và tăng cân…
Suy tim có thể là biến chứng của bệnh mạch vành với triệu chứng điển hình là cơn đau thắt ngực. Khi bạn có những dấu hiệu đau ngực trái cần phải đi khám để tìm hiểu nguyên nhân. Nếu bạn đau ngực do bệnh mạch vành cần được bác sĩ tư vấn và điều trị.
Nguồn tham khảo:
- VNHA
- kcb.vn