Điểm danh các nguyên nhân gây khó thở. Trường hợp nào cần đi khám ngay?
Khó thở, cùng với đau ngực là hai trong số những nguyên nhân thường gặp nhất khiến bệnh nhân đến khám bác sĩ, thậm chí nhập viện cấp cứu. Nhiều bệnh lý có thể dẫn đến tình trạng trên, bao gồm từ lành tính cho đến nguy hiểm, đe doạ tính mạng người bệnh; có thể liên quan đến hệ hô hấp, hệ tiêu hoá hay bệnh lý tim mạch. Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu một số nguyên nhân gây nên tình trạng khó thở và nhận biết trường hợp nào cần đến bác sĩ ngay nhé!
1. Các nguyên nhân gây khó thở
1.1. Bệnh lý tim mạch
- Suy tim: khó thở là triệu chứng trầm trọng trong suy tim do lúc này tim đã yếu và không đủ mang máu giàu oxi để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.
- Bệnh van tim: hẹp van 2 lá, hở van 2 lá, hẹp và hở van động mạch chủ.
- Bệnh của màng ngoài tim: tràn dịch màng ngoài tim, viêm màng ngoài tim co thắt (màng ngoài tim bị xơ cứng, vôi hóa khiến quả tim không thể thư giãn để đón nhận máu).
- Hội chứng mạch vành: Khó thở được xem là chỉ điểm quan trọng trên lâm sàng và được khuyến cáo bên cạnh triệu chứng đau thắt ngực trong hội chứng mạch vành.
- Rối loạn nhịp tim: Rối loạn nhịp tim có thể không gây ra bất kì dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Tuy nhiên trong một vài trường hợp bạn có thể gặp tình trạng khó thở, tức ngực, choáng váng và gần như ngất xỉu. Một rối loạn nhịp được gọi là rung tâm thất có thể gây tụt huyết áp nghiêm trọng, dẫn đến ngừng nhịp tim.
1.2. Bệnh lý hô hấp
- Viêm thanh quản
- Viêm phổi
- Lao phổi
- Ung thư phổi
- Tràn dịch màng phổi
- Tràn khí màng phổi
- Giãn phế quản
- Hen phế quản
- Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính
- Dị vật đường thở
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ
- COVID-19
1.3. Bệnh lý tiêu hóa
Khó thở có thể gặp trong trào ngược dạ dày thực quản (GERD). Trường hợp này xảy ra do lương acid dư thừa ở dạ dày trào ngược lên thực quản có thể đi vào phổi, đặc biệt trong lúc ngủ, gây tổn thương đường thở.
1.4. Bệnh lý huyết học
Các dấu hiệu và triệu chứng thiếu máu khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân và mức độ của thiếu máu. Các dấu hiệu có thể bao gồm mệt mỏi, khó thở, tức ngực, da nhợt nhạt, tay chân lạnh. Ban đầu chúng ta có thể không nhận ra khi thiếu máu ở mức độ nhẹ, nhưng các triệu chứng sẽ xuất hiện rõ hơn khi tình trạng thiếu máu trầm trọng hơn.
1.5. Bệnh lý thần kinh
- Nhược cơ. Nhược cơ đặc trưng bởi sự yếu và mỏi cơ nhanh chóng của bất kì cơ nào mà bạn không thể kiểm soát được. Triệu chứng có thể là yếu cơ chân tay, nhìn đôi, sụp mí mắt, khó nói, khó thở. Tình trạng này trầm trọng hơn khi cơ bị ảnh hưởng đang hoạt động và cải thiện khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng có xu hướng tiến triển theo thời gian, trầm trọng sau vài năm phát bệnh. Bệnh có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn ở phụ nữ dưới 40 tuổi và nam giới trên 60 tuổi.
- Rối loạn lo âu. Người bệnh cảm giác hít không đủ sâu, phải hít một hơi thật dài và thở ra mạnh mới giảm khó thở, kèm theo cảm giác hồi hộp, bồn chồn, khó ngủ, ngủ không sâu giấc.
2. Trường hợp khó thở nào là do bệnh lý và cần đi khám ngay?
Bạn cần đi khám bác sĩ nếu tình trạng khó thở xảy ra trong những trường hợp sau:
- Khó thở khi gắng sức: xuất hiện khi đi bộ 1 quãng đường dài, leo 2 – 3 tầng lầu, làm việc nặng mà trước đó hoàn toàn không có.
- Khó thở khi nằm: phải tăng, kê thêm gối ở đầu để ngủ thì mới dễ chịu và giảm khó thở.
- Khó thở kịch phát về đêm: sau khi ngủ được khoảng 1 -3 giờ thì cơn khó thở ập đến khiến người bệnh phải ngồi bật dậy để thở, cảm giác “chết đuối trên cạn”, nói không thành câu, vã mồ hôi.
- Khó thở nặng dần, ảnh hưởng đến hoạt động thể lực hoặc công việc hàng ngày
- Khó thở kèm theo đau ngực, sốt, sụt cân, ho kéo dài, khàn tiếng, ngất…
Tóm lại, khó thở và mệt mỏi do nhiều nguyên nhân, bệnh lý khác nhau gây ra. Một khi xuất hiện triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đặc biệt nếu khó thở kèm theo các dấu hiệu cảnh bảo nguy hiểm hoặc có các tính chất nghiêm trọng như trên, người bệnh cần đi khám ngay. Không nên tự ý điều trị theo các phương pháp truyền miệng thiếu khoa học, hoặc “để từ từ xem như thế nào”. Khó thở có thể là dấu hiệu cảnh báo của một “bệnh lý sát thủ thầm lặng” đang hiện diện trong cơ thể bạn!
SERV-ĐTN-16-11-2022
Nguồn tham khảo: