Nguyên nhân và hướng điều trị Đái tháo đường thai kỳ

1. Nguyên nhân gây ra tình trạng Đái tháo đường thai kỳ?

Phụ nữ mang thai, bào thai và nhau thai sản xuất ra các hormon làm cơ thể mẹ có sự kháng lại insulin của cơ thể. Ở hầu hết các phụ nữ mang thai sẽ tăng cường sản xuất insulin để giữ mức đường máu bình thường.

Tuy nhiên ở một số trường hợp không thể sản xuất đủ lượng insulin cần thiết và như vậy lượng đường trong máu sẽ tăng, gọi là tình trạng đái tháo đường thai kỳ. Ước tính có khoảng 5% phụ nữ mang thai mắc Đái tháo đường thai kỳ, tình trạng này thường hết sau khi sinh.

>> Vì sao BN tim mạch cần quan tâm đến đái tháo đường?

>> Hiểu lầm về biến chứng mắt do đái tháo đường

Đái tháo đường thai kì và các kiến thức cần biết

Định nghĩa Đái tháo đường thai kỳ

Theo hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ: Đái tháo đường thai kỳ là các trường hợp được chẩn đoán đái tháo đường vào quý 2 và quý 3 của thai kì ở các sản phụ chưa phát hiện đái tháo đường trước đó.

3. ĐTĐ thai kỳ ảnh hưởng đến mẹ và thai nhi như thế nào?

Đái tháo đường thai kỳ mang đến nhiều nguy cơ cho mẹ và sự phát triển của bào thai.

  • Về phía mẹ: tăng nguy cơ sẩy thai, tiền sản giật và sinh non
  • Về phía con:
    • Thai to: làm tăng nguy cơ chấn thương cho bé và mẹ trong khi sinh và tăng nguy cơ phải mổ lấy thai.
    • Thai lưu: Đây là biến chứng năng nề nhất tuy nhiên hiện nay biến chứng này có giảm do các Trung tâm đã chủ động tầm soát  đường máu bằng nghiệm pháp tăng đường huyết và theo dõi đường huyết tốt hơn.
    • Hạ đường huyết sơ sinh (lượng đường trong máu thấp ở trẻ sơ sinh).
    • Các bất thường bẩm sinh.
    • Tử vong trong thời gian mang thai, nhất là 3 tháng cuối, khi sinh và sau sinh.

4. Sàng lọc ĐTĐ thai kỳ nên làm vào thời điểm nào?

Thông thường nên làm vào tuần thứ 24- 28 của thai kỳ. Tuy nhiên ở những phụ nữ có yếu tố nguy cơ như:

  • Tiền sử đái tháo đường thai kỳ trong những lần mang thai trước.
  • Tiền sử đẻ con to ≥ 4kg.
  • Thừa cân, béo phì.
  • Mang thai muộn > 35 tuổi
  • Hội chứng buồng trứng đa nang
  • Có đường niệu.
  • Tiền sử gia đình cùng huyết thống có nhiều người đái tháo đường.

Thì có thể sẽ phải làm tầm soát sớm hơn do quyết định của bác sỹ khám bệnh vì vậy các sản phụ phải khám bác sỹ chuyên khoa Sản định kì theo hẹn và kết hợp khám các bác sỹ chuyên khoa Nội tiết.

5. Chẩn đoán ĐTĐ thai kỳ bằng cách nào? Bệnh nhân cần chuẩn bị gì trước khi đến khám làm nghiệm pháp tăng đường huyết chẩn đoán?

Theo hiệp hội Đái tháo đường Hoa kỳ 2017: 

Thực hiện:  Bệnh nhân uống 75g đường hòa trong 150 – 200ml nước đun sôi để nguội trong vài phút, lấy máu tĩnh mạch hoặc ĐMMM trước khi uống đường, sau uống 1h, và sau uống 2h.

Chuẩn bị:  Nghiệm pháp nên thực hiện buổi sáng, sau nhịn đói ít nhất 8h-12h. Thường khuyên bệnh nhân là sau bữa ăn tối (sau 20h) thì Bệnh nhân không ăn gì thêm, 8h sáng hôm sau sẽ làm nghiệm pháp. Nghiệm pháp sẽ không làm quá muộn, sau 9h sáng thì sẽ không làm nghiệm pháp

Chẩn đoán: Đái tháo đường thai kỳ khi có ít nhất 1 trong 3 tiêu chuẩn sau:

  1. Đường huyết đói: ≥ 5.1 mmol/l
  2. Đường máu sau 1h: ≥ 10 mmol/l
  3. Đường máu sau 2h: ≥ 8.5 mmol/l

6. Các bệnh nhân ĐTĐ mang thai có tiến triển thành ĐTĐ thực sự hay không?

Đa số các bệnh nhân đái tháo đường mang thai, đường máu sẽ trở về bình thường sau khi sinh, khoảng 5% các bệnh nhân này sẽ tiến triển thành đái tháo đường typ 2 sau sinh.

Các bệnh nhân đái tháo đường thai kì cần được khám, làm xét nghiệm đường máu hoặc làm lại nghiệm pháp dung nạp glucose (nếu cần thiết) vào tuần thứ 4-12 sau sinh để chẩn đoán liệu có đái tháo đường thực sự [1], sử dụng các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh đái tháo đường, và nếu âm tính, cần làm lại chẩn đoán sau mỗi 3 năm.

7. Điều trị ĐTĐ thai kỳ như thế nào?

  • Sau khi được chẩn đoán có đái tháo đường thai kỳ, phương pháp điều trị đầu tiên là thay đổi chế độ ăn (liệu pháp dinh dưỡng), chế độ tập luyện và điều chỉnh cân nặng. Khoảng 70- 85% bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ có thể điều chỉnh được mức đường máu trở về bình thường bằng chế độ ăn và lối sống hợp lí mà không cần sử dụng thuốc ( Cần sự tư vấn hợp lí của các chuyên gia Dinh dưỡng lâm sàng).
  • Nếu sau khi áp dụng chế độ ăn, luyện tập đúng cách nhưng đường máu vẫn cao, cần sử dụng insulin, do các thuốc viên chưa đủ bằng chứng về tính an toàn khi sử dụng ở phụ nữ có thai [1].
  • Mục tiêu đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường thai kì theo ADA 2017:
    • ĐH đói ≤ 5.3 mmol/l
    • ĐH sau ăn 1h ≤ 7.8 mmol/l
    • ĐH sau ăn 2h ≤ 6.7 mmol/l

Chế độ ăn như thế nào là hợp lí cho ĐTĐ thai kì?

  • Điều chỉnh chế độ ăn là yếu tố rất quan trọng trong kiểm soát đường huyết ở Bệnh nhân đái tháo đường thai kì. Chế độ ăn cần đảm bảo giảm calo, tuy nhiên cần đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cho mẹ và thai và tăng cân hợp lí trong thai kì.
  • Tổng năng lượng trong ngày cung cấp qua các bữa ăn dựa trên cân nặng lí tưởng: 30kcal/kg cho phụ nữ có BMI từ 22-25; 24kcal/kg cho phụ nữ BMI 26-29; 12kcal/kg cho phụ nữ BMI > 30. Tổng lượng calo từ carbohydrat chiếm khoảng 30-40%, và chia các bữa ăn thành 3 bữa chính + 2-4 bữa phụ giữa các bữa chính để làm giảm đỉnh đường huyết sau ăn nhưng vẫn đảm bảo năng lượng cho mẹ và thai nhi, trong đó bữa phụ trước khi đi ngủ là cần thiết. Năng lượng từ các bữa ăn chính không quá lớn, và không nên bỏ ngay cả bữa phụ [2].
  • Tránh đồ ăn ngọt nhiều đường: kẹo, bánh, kem, bánh rán, mứt, thạch, nước sốt ngọt, đồ uống có ga. Tránh cho đường vào thực phẩm hoặc đồ uống: trà, nước trái cây. Ăn các loại thực phẩm giàu protein nhưng ít chất béo bão hòa: thịt đỏ, thịt heo, thịt gà, cá. Các loại thực phẩm giàu đạm khác như: phô mai, trứng, đậu phộng cũng tốt cho phụ nữ có thai và thai nhi [3], [4].
  • Đối với các loại thực phẩm tinh bột:
    • Chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt hơn là các loại đã tinh chế nếu có thể.
    • Trái cây: nên ăn mỗi lần 1 miếng nhỏ thay vì ăn trái cây nguyên quả. Tránh uông nước hoa quả, nếu uống thì thay vì pha 100% nước hoa quả thì nên giảm xuống ½ cốc là nước hoa quả và pha thêm nước.
    •  Sữa và sữa chua: nên chọn các loại ít chất béo, ít đường.
    •  Các loại rau ít đường và carbohydrat thấp: xà lách, rau cải, cà rốt, cà chua, nấm, rau ngót. Một nửa khẩu phần ăn của bạn trong bữa ăn nên là rau.
    •  Sử dụng dầu ăn: như dầu oliu [3]
    • Mức độ tăng cân trong thai kì cũng cần kiểm soát, không nên tăng cân quá nhanh và nhiều: tăng từ 12,5- 18 kg trong thai kì với phụ nữ có BMI trước mang thai < 18.5kg/m²; 11,5- 16 kg với BMI trước mang thai 18,5- 24,9; 7- 11,5kg với BMI trước mang thai từ 25- 29,9; 5-9kg với người BMI > 30 [2]

Luyện tập: 

Tập thể dục mức độ trung bình được chứng minh làm cải thiện điều chỉnh đường huyết ở đái tháo đường thai kỳ. Bệnh nhân nếu không có chống chỉ định nên tập bằng cách đi bộ nhanh hoặc vận động cánh tay khi ngồi ít nhất 10 phút sau mỗi bữa ăn, giúp làm giảm đường máu sau ăn và đạt mục tiêu đường huyết [3], [2].

Điều trị bằng thuốc: 

Chỉ định điều trị thuốc  khi bệnh nhân không thể ổn định đường máu bằng chế độ ăn và luyện tập đơn thuần. Loại thuốc hạ đường máu duy nhất được chứng minh hiệu quả giảm đường máu và an toàn cho thai nhi là insulin, trong đó insulin người và một số insulin analog có thể được sử dụng.

Tại Hoa Kỳ một số loại thuốc viên có thể được sử dụng, tuy nhiên tính an toàn của thuốc viên chưa được chứng minh đầy đủ và có thể qua nhau thai vào cơ thể thai nhi [5].

Khi điều trị bằng insulin các sản phụ cần học cách tự thử đường máu mao mạch tại nhà 4-6 lần một ngày, trước các lần tiêm, sau ăn 2h và trước khi đi ngủ. Thông báo cho bác sĩ của bạn nếu đường máu cao kéo dài [1].

Trong khi chuyển dạ

Thời gian chuyển dạ: nếu đường máu kiểm soát tốt và không có biến chứng gì của mẹ và thai, thì thời gian đẻ lí tưởng là 39-40 tuần để phòng ngừa các biến chứng do đẻ sớm, đặc biệt là suy hô hấp do phổi thai nhi chưa trưởng thành. Không khuyến cáo đẻ mổ ở những thai phụ có thai nhi cân nặng trong giới hạn bình thường.

8. Cần chú ý gì sau khi sinh?

Sau khi sinh đa số các bệnh nhân có đường máu trở về bình thường và không cần sử dụng insulin tiếp tục, tuy nhiên một ti lệ nhỏ tiến triển đái tháo đường typ 2 thực sự, cần chẩn đoán và điều trị kịp thời.

Phụ nữ được chẩn đoán đái tháo đường thai kì cần làm lại xét nghiệm chẩn đoán đái tháo đường vào tuần thứ 4-12 sau sinh để xem có đái tháo đường thực sự hay không. Nếu nghiệm pháp tăng đường huyết thời điểm này bình thường cần kiểm tra lại sau mỗi 1-3 năm [1].

Khoảng 1/3 đến 1 nửa các sản phụ có đái tháo đường thai kì sẽ lặp lại tình trạng này trong lần mang thai sau, nên cần chú ý phát hiện sớm đái tháo đường thai kì ở các sản phụ đã có tiền sử đái tháo đường thai kì.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Association, A.D., Executive summary: standards of medical care in diabetes—2014. 2014, Am Diabetes Assoc.
2. Alfadhli, E.M., Gestational diabetes mellitus. Saudi medical journal, 2015. 36(4): p. 399.
3. Crowther, C.A., et al., Effect of treatment of gestational diabetes mellitus on pregnancy outcomes. New England Journal of Medicine, 2005. 352(24): p. 2477-2486.
4. Mellitus, G.D., ACOG Practice Bulletin. Obstetrics & Gynaecology, 2013: p. 406.
5. Walker, J., NICE guidance on diabetes in pregnancy: management of diabetes and its complications from preconception to the postnatal period. NICE clinical guideline 63. London, March 2008. Diabetic Medicine, 2008. 25(9): p. 1025-1027.

Các bài viết liên quan
Các kiến thức đọc nhiều
Các kiến thức nổi bật

Có thể bạn quan tâm

HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THẾ GIỚI 14/11
“Diabetes and well – being”, tạm dịch ”Sống khỏe cùng bệnh Đái tháo đường” là chủ đề của ngày Đái tháo đường Thế giới năm 2024.   Đái tháo đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động củaorange
Xem thêm
Các típ giúp bạn chuẩn bị cho tái khám
Nâng cao tiếng nói của Bệnh nhân” không còn là một khái niệm xa lạ trên thế giới. Thông qua thông điệp  “Nâng cao tiếng nói của bệnh nhân”, WHO kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện hành động cần thiết để đảm bảo rằng bệnh nhân được tham gia vào việcorange
Xem thêm
Chế độ ăn uống tránh biến chứng do đường huyết cao
0:00 / 0:00 Các biến chứng của bệnh đái tháo đường  Biến chứng mạch máu do đái tháo đường (ĐTĐ) được chia ra 2 loại: biến chứng mạch máu lớn như: bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại vi và đột quỵ; biến chứng mạch máu nhỏ như: bệnh cầu thận, bệnh thần kinh,orange
Xem thêm