Nguy cơ hôn mê do đái tháo đường ngày Tết

Trong ngày Tết, sinh hoạt của người bệnh đái tháo đường thường bị thay đổi. Thay vì thói quen kiêng cữ hàng ngày thì người bệnh thường dùng nhiều hơn các thực phẩm làm tăng đường máu, thói quen luyện tập hàng ngày cũng có thể giảm đi.

Bệnh nhân thường quên sử dụng thuốc hay hết thuốc, ngại thử đường máu, con cái có thể ít quan tâm hơn đối với bố mẹ bị bệnh trong những ngày Tết là những yếu tố dễ làm người bệnh đái tháo đường nặng hơn và rơi vào tình trạng hôn mê do đái tháo đường, tình trạng cấp cứu nặng, dễ tử vong.

Nguy cơ đái tháo đường ngày tết

>> Sai lầm thường mắc của BN đái tháo đường ngày Tết

>> Dinh dưỡng cho BN đái tháo đường ngày Tết

Hôn mê do đái tháo đường có hai thể là hôn mê nhiễm toan ceton và hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Đây là những biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất của bệnh đái tháo đường.

Điểm đặc trưng của bệnh là thiếu hụt insuline nặngđường máu tăng quá cao làm cơ thể rơi vào tình trạng mất nước, rối loạn điện giải, nhiễm toan, và hôn mê. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời bệnh nhân sẽ bị tử vong.

Những yếu tố nào tác động làm xuất hiện tình trạng này?

Yếu tố phổ biến nhất làm tình trạng này dễ xuất hiện là nhiễm trùng (thường là nhiễm trùng đường hô hấp và nhiễm trùng đường tiết niệu) và người bệnh ngừng điều trị hay điều trị insulin không đy đủ hoặc ngừng các thuốc điều trị đái tháo đường được kê đơn.

Các yếu tố khác như bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, đột quỵ, viêm tụy, đái tháo đường typ 1 khởi phát, stress nặng, mất nước, dùng các thuốc tác động đến chuyển hóa đường như glucocorticoid, thuốc lợi tiểu liều cao, thuốc kích thích thần kinh giao cảm, cocain,…cũng là các yếu thuận lợi để tình trạng này xuất hiện và nặng thêm.

Bệnh có biểu hiện như thế nào?

Hôn mê nhiễm toan ceton (thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường typ 1) thường diễn biến rất nhanh, trong vòng 24 giờ. Ngược lại, hôn mê tăng áp lực thẩm thấu (thường xảy ra ở bệnh nhân đái tháo đường typ 2) lại diễn biến thầm lặng với các biểu hiện đái nhiều, khát nước, và sụt cân từ vài ngày trước khi nhập viện.

Biểu hiện sớm nhất của tình trạng này là đường máu của bệnh nhân tăng dần dẫn đến đái nhiều (nước tiểu màu vàng hoặc vàng sậm), khát nước, và sụt cân, các triệu chứng thần kinh ban đầu như thờ ơ, yếu/liệt nhẹ nửa người, giảm/mất thị lực một bên, tinh thần chậm chạp rồi dần dần đi vào hôn mê.

Triệu chứng thần kinh thường phổ biến trong hôn mê tăng áp lực thẩm thấu. Ngược lại, trong hôn mê nhiễm toan ceton thì biểu hiện sớm thường là buồn nôn, nôn, đau bụng, thở sâu và nặng nề. Hơi thở có mùi acetone (giống mùi chất tẩy móng tay).

Khi người bệnh đái tháo đường có các biểu hiện trên lại kèm theo bỏ thuốc điều trị, có các bệnh đi kèm, thử đường máu nhanh thấy tăng cao (trên 19,4 mmol/L) thì người nhà cần nhanh chóng đưa bệnh nhân vào viện cấp cứu.

Làm thế nào để tránh tình trạng hôn mê do đái tháo đường?

Điều quan trọng nhất là người bệnh cần phải tuân thủ phác đồ điều trị mà bác sỹ đã kê đơn. Không được tự ý bớt thuốc, hoặc bỏ thuốc.

Một số bệnh nhân khi hết một loại thuốc này thì tự ý tăng liều các thuốc khác vẫn còn để bù là rất nguy hiểm, có thể làm đường máu tăng cao thêm hoặc gây hạ đường máu vì các thuốc điều trị đái tháo đường, kể cả các loại insulin đều có cơ chế tác dụng hạ đường huyết khác nhau.

Bệnh nhân cần kiểm tra lại các thuốc đái tháo đường mình đang sử dụng nếu thiếu phải bổ sung ngay, tránh hết thuốc trong dịp Tết.

Người bệnh đái tháo đường cần kiểm tra đường máu hàng ngày, đặc biệt trong những ngày Tết. Ngày Tết thường ăn nhiều thực phẩm làm tăng đường máu như kẹo, bánh, mứt, bánh chưng, xôi, chè, rượu bia,… và quên sử dụng thuốc.

Về lâu dài bệnh nhân cần học chỉnh thuốc điều trị như thế nào khi bị mắc các bệnh khác kèm theo.

Người nhà và bệnh nhân cần nhanh chóng phát hiện sự thay đổi so với bình thường để kịp thời phát hiện tình trạng nguy hiểm như: đường máu theo dõi tăng dần; đái nhiều, khát nước, sụt cân.

Biểu hiện thờ ơ, chậm chạp, yếu/liệt hay giảm/mất thị lực một bên; buồn nôn, nôn, đau bụng, thở nặng nề, sâu, mùi acetone; bệnh khác kèm theo; bỏ thuốc;…để đưa bệnh nhân vào viện kịp thời.

Tác giả: TS.BS Hoàng Kim Ước -  Trưởng khoa Nội tiết sinh sản – BV Nội tiết TƯ
Tác giả: TS.BS Hoàng Kim Ước
Trưởng khoa Nội Tiết Sinh Sản – BV Nội tiết TƯ
Ngõ 215 Đường Ngọc Hồi, Tứ Hiệp, Thanh Trì, HN
Các bài viết liên quan
Các kiến thức đọc nhiều
Các kiến thức nổi bật

Có thể bạn quan tâm

Các loại rau và trái cây người bệnh đái tháo đường nên hạn chế
Nguyên tắc cơ bản trong chế độ dinh dưỡng cho người bị đái tháo đường: hạn chế tinh bột (cơm, bún, phở,…), thực phẩm chứa đường đơn (bánh, kẹo, nước ngọt); tăng cường nguồn acid béo không bão hòa (cá hồi, cá ngừ, cá thu, dầu nành, dầu phộng,…), rau xanh nhiều chất xơ (rauorange
Xem thêm
Đái tháo đường nên ăn rau gì?
“Người bệnh đái tháo đường nên ăn rau gì?” là câu hỏi mà hầu hết người bệnh đều thắc mắc, với gần 7 triệu người Việt Nam đang bị bệnh đái tháo đường (số liệu điều tra năm 2020). Ngoài việc dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần thay đổiorange
Xem thêm
Tiền đái tháo đường bao lâu sẽ thành đái tháo đường?
     Tiền đái tháo đường và đái tháo đường là gì? Tiền đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng bệnh lý khi nồng độ glucose máu cao hơn bình thường nhưng chưa đạt tiêu chí chẩn đoán ĐTĐ, bao gồm những người rối loạn glucose máu lúc đói, hoặc rối loạn dung nạp glucoseorange
Xem thêm