Sai lầm thường mắc của BN đái tháo đường ngày Tết
Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam nằm trong tốp 10 nước có tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường (Tiểu đường) tăng nhanh nhất thế giới. Số liệu của Bộ Y tế công bố tháng 07/2017 cho biết 4,1% dân số trưởng thành toàn quốc mắc ĐTĐ, trong đó hơn 60% chưa được chẩn đoán.
>> Dinh dưỡng cho BN đái tháo đường ngày Tết
>> Nguy cơ hôn mê do đái tháo đường ngày Tết
Người mắc ĐTĐ nhiều nhất thuộc nhóm trung niên và cao tuổi, những người thừa cân, béo phì, ít hoạt động thể lực và ăn uống không lành mạnh. Nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, bệnh ĐTĐ sẽ gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm về tim mạch, thần kinh, thận, mắt, và tổn thương hệ thống miễn dịch…
Để điều trị bệnh ĐTĐ có hiệu quả, người bệnh cần chú ý phối hợp 3 yếu tố: ăn uống hợp lý, uống thuốc đều đặn và tập thể dục hàng ngày.
Sai lầm của bệnh nhân tiểu đường thường mắc trong ngày tết
Mùa xuân là mùa của sum họp và hạnh phúc. Với ý nghĩa đó, người Việt trên khắp mọi miền đất nước, ai cũng muốn tìm về với những người thân yêu để tận hưởng những khoảnh khắc bình yên nhất.
Thế nhưng với những bệnh nhân bị ĐTĐ, nỗi lo lắng đường huyết tăng cao khiến cho những khoảng thời gian thiêng liêng ấy không được trọn vẹn. Bởi năm nào trong và sau Tết, tỷ lệ bệnh nhân ĐTĐ nhập viện cũng tăng đột biến.
Nguyên nhân chính của tình trạng này là do những sai lầm người ĐTĐ mắc phải trong dịp Tết. Vậy những sai lầm đó là gì?
Trong những ngày Tết, thói quen luyện tập và vận động không được duy trì, giờ giấc sinh hoạt bị xáo trộn, lượng rượu bia tăng đột biến, chế độ dinh dưỡng mất cân bằng, dẫn đến tình trạng sức khỏe bị giảm sút.
Nhiều bệnh nhân ĐTĐ ở ngày thường kiểm soát đường huyết rất tốt nhờ lối sống hợp lý, tuy nhiên trong những ngày Tết lại có xu hướng buông lỏng hơn, ăn nhiều hơn, và đáng lo ngại là các món ăn trong những ngày Tết lại có quá nhiều chất bột đường và chất béo, dễ làm tăng đường và mỡ máu nhanh chóng.
Ngược lại, rất nhiều người lo sợ đường huyết tăng cao nên kiêng khem triệt để, không dám ăn uống gì liên quan đến tinh bột và đường, điều này là hết sức sai lầm và khiến người bệnh phải đối mặt với nguy cơ hạ đường huyết và suy dinh dưỡng.
Tập luyện đóng vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh ĐTĐ. Tuy nhiên, do quá bận rộn, luyện tập ngày Tết thường bị lãng quên. Một số khác lại vận động nhiều hơn thường ngày như đi lễ hội xa, tham gia nhiều trò chơi,…
Cả hai trường hợp này đều gây biến động đường máu, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người bệnh. Để đối phó với quỹ thời gian bận rộn ngày Tết, người bệnh có thể duy trì luyện tập bằng cách tăng cường đi bộ như thăm hỏi bạn bè, tổ chức cùng gia đình đi dạo, lễ chùa đầu năm.
Không nên tham gia các hoạt động thể thao, vui chơi ngày Tết có cường độ cao mà không có sự chuẩn bị trước vì có nguy cơ hạ đường huyết.
Tết là thời điểm rất nhiều người ĐTĐ có tâm lý chủ quan. Do quá bận rộn với các hoạt động vệ sinh nhà cửa, ăn uống, vui chơi, nhiều bệnh nhân quên uống thuốc, quên tiêm insulin, hoặc không dự trữ đủ thuốc qua kỳ nghỉ Tết.
Đây thực sự là sai lầm nghiêm trọng, là nguyên nhân chính đưa đến tình trạng bệnh nhân ĐTĐ tăng đột biến dịp đầu năm. Việc không tuân thủ chế độ sử dụng thuốc có nguy cơ tăng đường máu, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm. Để tránh tình trạng đó, người ĐTĐ nên dùng thuốc đúng liều và đầy đủ theo toa của bác sĩ.
Tết là ngày khởi đầu một năm với những điều mới mẻ và an lành. Chính vì vậy, để tránh ảnh hưởng đến không khí gia đình, người đái tháo đường nên hạn chế tối đa những sai lầm trong điều trị bệnh bằng cách kiểm soát đường huyết an toàn với chế độ dinh dưỡng và luyện tập phù hợp để chào đón một năm mới trọn vẹn niềm vui, nhiều sức khỏe và may mắn.

Tác giả: BS CK1 Lê Hoàng Bảo
Khoa Nội tiết – Bệnh viện Đại Học Y Dược TP. HCM
215 Hồng Bàng, Phường 11, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh