Mẹ bầu cần phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ là hiện tượng tăng glucose huyết trong thời gian mang thai, xảy ra ở phụ nữ chưa từng bị đái tháo đường trước đó. Theo ước tính của Hiệp hội Đái tháo đường Canada, tỷ lệ đái tháo đường thai kỳ dao động trong khoảng 3% – 20% số trường hợp mang thai.
Khi mang thai, một số hormone như cortisol, estrogen, lactogen… tăng lên, làm giảm hoạt động của insulin. Tình trạng này gọi là kháng insulin. Đôi khi, tuyến tụy phải sản sinh lượng insulin tăng gấp 3 lần so với trước khi mang thai để chống lại hiện tượng này.
Trong trường hợp tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, lượng glucose trong máu sẽ không thể chuyển hóa thành năng lượng cho tế bào. Đây chính là nguyên nhân gây bệnh đái tháo đường thai kỳ.
Ảnh hưởng của đái tháo đường thai kỳ lên mẹ và bé
>> 3 phương pháp xác định khẩu phần ăn cho người đái tháo đường
>> 7 loại thực phẩm giúp cân bằng glucose huyết và cải thiện giấc ngủ
Nguy cơ dị tật ở thai nhi rất thấp, do đái tháo đường thai kỳ hầu như chỉ xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Lúc này thai nhi đã phát triển hoàn chỉnh.
Khả năng dị tật chỉ tăng nếu người mẹ không biết mình bị đái tháo đường trước lúc mang thai, hoặc mức glucose huyết đột ngột tăng cao ở tuần thứ 6-8 của thai kỳ.
Tuy vậy, đái tháo đường thai kỳ có thể dẫn đến một số biến chứng cho trẻ sơ sinh. Lượng glucose trong máu của mẹ tăng lên, truyền sang con khiến cho tuyến tụy của trẻ hoạt động mạnh, sản sinh insulin nhằm chuyển hóa glucose thành năng lượng.
Kết quả là cơ thể trẻ hấp thụ nhiều năng lượng hơn mức cần thiết. Năng lượng dư thừa làm cho thai nhi phát triển quá lớn (macrosomia), quá trình sinh nở gặp khó khăn như tổn thương vai, cánh tay của trẻ. Trẻ cũng có nguy cơ bị hạ glucose huyết đột ngột sau sinh, bệnh vàng da, hoặc gặp các vấn đề về hô hấp.
Ở người mẹ, mức glucose huyết sẽ trở về ngưỡng an toàn sau khi sinh. Tuy nhiên, nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, bệnh đái tháo đường thai kỳ vẫn tiềm ẩn mối nguy hại trước, trong và sau khi sinh.
Người mẹ có thể đối diện với những nguy cơ như: tỷ lệ sinh non cao, phải sinh mổ thay vì sinh tự nhiên, dễ bị bệnh đái tháo đường typ 2 nếu không chủ động phòng ngừa. Thậm chí trong trường hợp nghiêm trọng, thai phụ có thể bị tăng huyết áp, tiền sản giật.
Điều trị hiệu quả đái tháo đường thai kỳ
Mức glucose huyết mục tiêu cho phụ nữ mang thai (theo ADA)
Trước bữa ăn | Thấp hơn 95 mg/dL |
01 giờ sau khi ăn | Thấp hơn 140mg/dL |
02 giờ sau khi ăn | Thấp hơn 120mg/dL |
Khi bị đái tháo đường thai kỳ, người mẹ cần chú ý đến thực phẩm và thời điểm ăn. Bạn nên thực hiện đúng lời khuyên của bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng. Ngoài ba bữa ăn chính trong ngày, bạn có thêm 2 – 3 bữa ăn vặt vào cùng thời điểm mỗi ngày.
Các loại ngũ cốc nguyên hạt, gạo lức, bột yến mạch, rau và trái cây sẽ giúp giảm chất béo, lượng carbohydrate và tăng chất xơ. Hạn chế hoặc không dùng thực phẩm chứa chất béo bão hòa như bơ, mỡ, nội tạng động vật.
Bạn không cần ăn kiêng, ngược lại cần đảm bảo nguồn thực phẩm đa dạng đủ dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất cho cả mẹ và con. Ngoài ra, bạn nhớ tập thể dục đều đặn để giúp cơ thể điều hòa glucose trong máu. Thường xuyên vận động, thể dục thể thao chống lại hiện tượng kháng insulin nên thai phụ có thể không cần tiêm thêm insulin.