Biến chứng bàn chân Đái tháo đường
Biến chứng bàn chân đái tháo đường là gì?
Bàn chân đái tháo đường là biến chứng phức tạp của bệnh đái tháo đường. Biến chứng này được mô tả ban đầu với các vết loét đơn giản, nhiễm trùng, lâu lành và gây hệ quả lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt, chất lượng cuộc sống cũng như sinh mạng của người bệnh.
Biến chứng bàn chân đái tháo đường thường do tình trạng tổn thương mạch máu bao gồm: xơ vữa hẹp mạch máu, giảm tưới máu, tổn thương thần kinh với những rối loạn dinh dưỡng, rối loạn dẫn truyền thần kinh, tổn thương biến dạng xương, viêm xương của bàn chân đái tháo đường cùng với các yếu tố như: vết trầy xước, mất da nhiễm trùng…
Biến chứng bàn chân đái tháo đường có thể xảy ra với người mới bị hay bệnh lâu năm. Yếu tố nhiễm trùng được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy tình trạng xấu của bàn chân đái tháo đường.
Các yếu tố như: biến chứng mạch máu, tình trạng giảm tưới máu, tổn thương thần kinh với các rối loạn cảm giác cũng là yếu tố làm người bệnh khó chịu, đôi khi không chịu đựng được giảm chất lượng cuộc sống. Các yếu tố này cũng làm cho người bệnh có những can thiệp không đúng như: bôi thuốc, ngâm nước nóng, ngâm thuốc hay các can thiệp khác dẫn đến kết quả xấu của bàn chân.
Nguyên nhân gây loét bàn chân đái tháo đường
Có nhiều nguyên nhân gây loét bàn chân đái tháo đường nên sẽ có phương pháp điều trị khác nhau. Loét bàn chân đái tháo đường thường xuất hiện trên nhóm người đái tháo đường có các biến chứng mạch máu, thần kinh, có thể có tổn thương biến dạng xương bàn chân charcot trên người đái tháo đường. Các biến chứng này thường liên quan đến tình trạng kiểm soát đường huyết, kiểm soát các yếu tố xơ vữa mạch máu lâu dài.
Các yếu tố thuận lợi có thể gây tổn thương trên bàn chân đái tháo đường như:
- Không chăm sóc vệ sinh bàn chân
- Thói quen đi chân trần dễ giẫm đạp dị vật
- Cắt móng chân, cắt da không đúng cách gây tổn thương ngón chân tạo điều kiện thuận lợi cho nhiễm trùng
- Mang giày dép chật, cứng dễ cọ sát, gây tổn thương chân
- Các can thiệp không đúng cách trên bàn chân như: bôi dầu nóng, ngâm nước nóng, sử dụng các thiết bị tạo nhiệt làm giảm đau trên bàn chân đái tháo đường.
Các yếu tố cũng ảnh hưởng trên vết thương, tình trạng vết loét, nhiễm trùng bệnh nhân đái tháo đường như:
- Thói quen hút thuốc lá
- Tình trạng kiểm soát đường huyết kém
- Thừa cân béo phì
- Tình trạng suy giảm sức đề kháng, miễn dịch
Triệu chứng loét bàn chân bệnh đái tháo đường
Người bệnh đái tháo đường kiểm soát kém có các biến chứng, triệu chứng có thể biểu hiện sớm như: cảm giác tê buốt bàn chân, mất cảm giác bàn chân, cảm giác đi khô ráp như đi trên cát, hay đi chân mang bao nylon, hoặc cảm giác bàn chân lạnh buốt do giảm tưới máu, đôi khi cảm giác nóng do viêm xương hay nhiễm trùng.
Quan sát da bàn chân khô, nứt nẻ, rụng lông, teo cơ, vùng cẳng chân và mô bàn chân. Người có tổn thương bàn chân đái tháo đường có thể xuất hiện các vết bóng nước tự nhiên, hoại tử ở một số vị trí trên vùng da bàn chân, các vị trí đầu ngón, các vết nứt da.
Các vết loét dưới dạng trầy xước do tác động bệnh ngoài như: đạp dị vật, cọ sát… Từ các vết thương ban đầu sau đó kèm theo với tình trạng nhiễm trùng phối hợp do nhiều nguyên nhân như: chăm sóc vệ sinh kém, suy giảm miễn dịch, kiểm soát đường huyết kém.
Các vết thương dễ lan rộng tại chỗ, gây nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết nguy hiểm.
Các triệu chứng của vết thương có thể thấy như: sự tiết dịch của vết thương, hoặc có mùi hôi, dịch mủ, có thể lan hoại tử sang mô lân cận và lan xa tùy theo nhiều loại vi trùng hay tình trạng sức khỏe của người bệnh.
Triệu chứng toàn thân của tình trạng vết thương bàn chân đái tháo đường như: các biểu hiện mệt mỏi, chán ăn, sốt cao, nặng hơn có thể dẫn đến các bệnh cấp tính của nhiễm trùng toàn thân, kèm với các triệu chứng của tăng đường huyết.
SERV-NDT-CP1-13-06-2024
Tài liệu tham khảo
1.Singh, N., Armstrong, D. G., & Lipsky, B. A. (2005). Preventing foot ulcers in patients with diabetes. JAMA, 293(2), 217-228. doi:10.1001/jama.293.2.217
2.Zhang, P., Lu, J., Jing, Y., Tang, S., Zhu, D., & Bi, Y. (2017). Global epidemiology of diabetic foot ulceration: a systematic review and meta-analysis. Annals of Medicine, 49(2), 106-116. doi:10.1080/07853890.2016.1231932
3. https://diabetes.org/sites/default/files/2024-04/12-steps-to-happier-feet.pdf. Accessed: 11:58 AM, 30 May 2024