Insulin và tác động của insulin
Insulin là một nhân tố không thể thiếu trong quá trình kiểm soát và điều trị bệnh đái tháo đường. Tìm hiểu rõ về loại hormone này không chỉ giúp người bệnh sử dụng insulin chính xác, mà còn nhanh chóng phát hiện các thay đổi để kịp thời tham vấn ý kiến bác sĩ.
>> Cải thiện giấc ngủ cho người bệnh đái tháo đường
>> Mẹ bầu cần phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ
Vậy insulin là gì?
Sau mỗi bữa ăn, cơ thể chúng ta dung nạp và chuyển hóa thức ăn thành đường (glucose) – nguồn năng lượng chính cho mọi hoạt động trong ngày. Tuy nhiên, các tế bào không thể tự động hấp thu lượng glucose này.
Tế bào beta của tuyến tụy (pancreas) sản sinh ra insulin, một hormone đặc biệt giúp chuyển hóa glucose thành năng lượng để tế bào sử dụng.
Chính bởi chức năng như trên, nhiều người còn ví von insulin như chiếc chìa khóa vàng, mở cánh cổng và đưa glucose vào bên trong tế bào để cung cấp năng lượng cho cả cơ thể.
Insulin và bệnh đái tháo đường
Insulin có mối quan hệ mật thiết với bệnh đái tháo đường. Trường hợp đái tháo đường typ 1, tuyến tụy mất khả năng sản sinh insulin hoặc sản sinh rất ít, không đáng kể.
Không có sự trợ giúp của insulin, tế bào cũng ngừng hấp thụ glucose và lượng glucose trong máu cứ thế tăng lên không ngừng, dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm.
Ở chiều hướng ngược lại, người đái tháo đường typ 2 vẫn sản sinh insulin như bình thường. Tuy nhiên, cơ thể người bệnh mất khả năng sử dụng insulin để chuyển hóa glucose thành năng lượng cho tế bào.
Để ứng phó, tuyến tụy lại càng sản sinh ra nhiều insulin hơn nhưng vẫn không thể điều hòa lượng glucose trong máu. Về lâu về dài, sự mất cân bằng này sẽ gây hại cho nhiều cơ quan trong cơ thể.
Nhằm cải thiện tình hình, bác sĩ có thể yêu cầu bạn tiêm bổ sung các dạng insulin khác nhau và đưa mức glucose trong máu về ngưỡng an toàn. Bạn tuyệt đối không được tự ý tiêm insulin khi chưa có chỉ định, hướng dẫn của bác sĩ điều trị trực tiếp cho mình.
Kết hợp thói quen sống lành mạnh để tăng hiệu quả của việc tiêm insulin.
Điều trị đái tháo đường với insulin
Tiêm insulin là phương pháp điều trị bắt buộc với người đái tháo đường typ 1. Khi được bổ sung lượng insulin cần thiết, người bệnh hoàn toàn có thể sống khỏe mạnh, lạc quan.
Riêng với người đái tháo đường típ 2 và đái tháo đường trong thai kỳ, việc có tiêm insulin hay không, chọn tiêm loại insulin nào phụ thuộc hoàn toàn vào chẩn đoán của bác sĩ. Chính vì vậy, bạn nên thận trọng và luôn hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tiêm insulin cho bản thân hoặc người thân.
Khi đã có sự chỉ định từ bác sĩ, bạn có thể đến cơ sở y tế hoặc tự tiêm insulin ngay tại nhà. Hiện trên thị trường có rất nhiều loại insulin khác nhau, được phân thành 4 nhóm chính như bảng sau:
Bảng phân loại insulin cho người đái tháo đường (thời gian tính từ lúc tiêm)
Loại insulin | Bắt đầu tác dụng | Tác dụng tối đa | Thời gian hiệu lực |
Tác dụng nhanh | 15 phút | 1 tiếng | 2-4 tiếng |
Tác dụng ngắn | 30 phút | 2-3 tiếng | 3-6 tiếng |
Tác dụng trung bình | 2-4 tiếng | 4-12 tiếng | 12-18 tiếng |
Tác dụng lâu dài | vài tiếng | 24 tiếng |
Bạn cần tuyệt đối tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ để tiêm đúng loại, đúng liều lượng và đúng kỹ thuật. Khi được kết hợp với thói quen sống lành mạnh, hiệu quả từ liệu pháp tiêm insulin càng rõ rệt hơn, giúp bạn sống vui khỏe, lạc quan cùng bệnh đái tháo đường.
Mời bạn tiếp tục tham khảo bài viết này để biết rõ hơn về cách tiêm insulin tại nhà cho mình, hoặc người thân mắc bệnh đái tháo đường.