CHUYÊN GIA CHIA SẺ THÔNG ĐIỆP NHÂN NGÀY ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THẾ GIỚI 14/11
NGÀY ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THẾ GIỚI – 14/11
Ngày Đái tháo đường Thế giới – World Diabetes Day (WDD) được thiết lập bởi Hiệp hội Đái tháo đường Thế giới và tổ chức Y tế Thế giới là chiến dịch lớn nhất thế giới nhằm nâng cao nhận thức về bệnh Đái tháo đường. Chiến dịch đã tiếp cận được hơn 1 tỉ người tại hơn 160 quốc gia [1].
Chủ đề của Ngày Đái tháo đường thế giới trong năm 2022 là “Giáo dục để bảo vệ ngày mai” với mục tiêu nhấn mạnh về việc nâng cao nhận thức cho nhân viên y tế và bệnh nhân về bệnh Đái tháo đường [1].
PHIÊN CHÀO MỪNG NGÀY ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THẾ GIỚI TẠI HỘI NGHỊ LÃO KHOA TOÀN QUỐC (13/11/2022)
Để mở rộng chiến dịch nâng cao nhận thức về Đái tháo đường năm nay, Hội nghị Lão khoa toàn quốc vừa diễn ra phiên hội thảo kỷ niệm ngày Đái tháo đường thế giới với những thông điệp của các chuyên gia Việt Nam về căn bệnh này.
TS.BS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc bệnh viện Lão khoa Trung ương đã mở đầu bằng bài phát biểu về tình hình thực tế về Đái tháo đường Việt Nam nói chung và đối tượng người cao tuổi nói riêng. Trong đó, tỷ lệ mắc ĐTĐ cao nhất gặp ở nhóm tuổi 60-69 (chiếm 26,6%). Việc điều trị Đái tháo đường ở người cao tuổi còn gặp nhiều thách thức do đặc điểm sinh lý bệnh của bệnh nhân. Để giảm gánh nặng y tế do Đái tháo đường, chuyên gia nhấn mạnh 2 trong 5 mục tiêu hàng đầu của WHO về Đái tháo đường: đến 2030 phải đạt 80% số người ĐTĐ được chẩn đoán và trong đó 80% số người chẩn đoán phải được kiểm soát tốt đường huyết.[2]
Sau lời phát biểu mở đầu của TS.BS Nguyễn Trung Anh, các chuyên gia trong ngành cũng đã có các báo cáo liên quan đến cập nhật nghiên cứu mới nhất của ADA, WHO và BYT về vai trò kiểm soát đường huyết, việc giảm thiểu nguy cơ hạ đường huyết và vai trò quan trọng của người điều dưỡng với quản lý Đái tháo đường. PGS.TS.BS Vũ Thị Thanh Huyền (Trưởng khoa Nội tiết, Cơ xương khớp bệnh viện Lão khoa Trung ương) nhấn mạnh việc cá thể hóa điều trị theo bệnh mắc kèm nhưng vẫn ưu tiên hàng đầu về việc kiểm soát đường huyết, trong đó thuốc điều trị đầu tay vẫn là Metformin và SU thế hệ mới (Gliclazide). [3]
Tiếp nối sau đó cũng là sự bổ sung của TS.BS Nguyễn Ngọc Tâm (Phó trưởng khoa Nội tiết, Cơ xương khớp, Bệnh viện Lão khoa Trung ương) về sự ưu tiên các nhóm thuốc ít nguy cơ hạ đường huyết cho bệnh nhân với các bằng chứng về độ an toàn.[3] Cuối cùng, ThS.ĐD Nguyễn Thị Hoài Thu (Bệnh viện Lão khoa Trung ương) khẳng định lại vai trò quan trọng của điều dưỡng song hành với bác sĩ trong việc quản lý bệnh Đái tháo đường.
Cũng nhân dịp này, Ngày đầu tiên xin gửi đến bệnh nhân Đái tháo đường lời khuyên đến từ chuyên gia GS. TS. BS. Trần Hữu Dàng – Chủ tịch Hội Nội tiết & Đái tháo đường Việt Nam: “Hãy giữ mức HbA1c <7% để đạt được yêu cầu điều trị, giúp chúng ta có thể phòng ngừa được những biến chứng rất nặng nề của bệnh Đái tháo đường. HbA1c là một biểu thị của đường huyết trung bình trong 3 tháng vì vậy khoảng 3 tháng chúng ta nên xét nghiệm HbA1c 1 lần để có được đánh giá đầy đủ, toàn diện và chính xác.”
Thấu hiểu được sự quan trọng của chỉ số HbA1c trong kiếm soát Đái tháo đường, dự án Ngày đầu tiên đã và đang triển khai các “Chiến dịch kiểm soát đường huyết tốt với HbA1c <7%” với nhiều hoạt động online và offline ý nghĩa như: chương trình sinh hoạt câu lạc bộ bệnh nhân, các hoạt động tầm soát, kiểm tra đường huyết, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng – Các kênh truyền thông của dự án Ngày Đầu Tiên bao gồm: Website Ngày Đầu Tiên; Fanpage “Ngày Đầu Tiên – Đái Tháo Đường”, Youtube “Ngay Dau Tien TV”.
Hãy theo dõi và đồng hành cùng dự án Ngày đầu tiên – chiến dịch “Kiểm soát đường huyết tốt với HbA1c <7” để biết thêm nhiều thông tin hữu ích bạn nhé!
SERV-DIA-10-11-2022
Tài liệu tham khảo:
- http://worlddiabetesday.org/about/
- Infographics | World Diabetes Day
- American Diabetes Association (2022) Standards of medical care in Diabetes-2022 abridged for Primary Care Providers, American Diabetes Association. American Diabetes Association. Available at: https://diabetesjournals.org/clinical/article/40/1/10/139035/Standards-of-Medical-Care-in-Diabetes-2022
- IDF Guidelines International Diabetes Federation – Home. Available at: https://idf.org/e-library/guidelines.html.