Những thực phẩm người đái tháo đường nên tránh
Một chế độ dinh dưỡng cho người đái tháo đường không chỉ gồm việc tăng cường thực phẩm có ích, mà còn phải hạn chế các loại thức ăn làm tăng mức glucose máu (đường huyết). Đây đa phần là các món ăn chứa nhiều chất béo, muối, đường và calories không tốt cho sức khỏe.
>> Hỏi – đáp về tiêm insulin tại nhà
>> Biến chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường
Bánh, kẹo, nước ngọt
Hầu như tất cả loại bánh ngọt, kẹo và nước có ga trên thị trường đều có hại cho người đái tháo đường. Những thực phẩm này không có dưỡng chất, và cung cấp quá nhiều đường bột vào cơ thể. Khi ăn thường xuyên, bánh kẹo khiến bạn tăng cân, cũng như làm tăng mức glucose trong máu, từ đó làm trầm trọng thêm biến chứng của bệnh đái tháo đường.
Trái cây khô
Trái cây có nhiều chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, quá trình xử lý và sấy khô khiến lượng đường tự nhiên trong trái cây bị cô đặc lại. Những túi nho khô, mít và chuối sấy khô là lý do khiến mức glucose máu của bạn đột ngột tăng mạnh. Giải pháp tốt là bạn nên chọn ăn trái cây tươi, vừa hạn chế đường, vừa bổ sung chất xơ và vitamin.
Thực phẩm đóng hộp, chế biến sẵn
Tuy tiện lợi và giá cả phải chăng, các thực phẩm đóng hộp trong siêu thị lại tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ sức khỏe. Bạn không thể kiểm soát lượng gia vị, chất bảo quản có trong những thức ăn này và thường là chúng đều có nhiều muối, đường. Thường xuyên sử dụng thực phẩm đóng hộp thay cho nguyên liệu tươi là bạn đang đối diện với nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường và nhiều bệnh mãn tính khác.
Cơm, gạo và tinh bột
Cơm là món không thể thiếu trong bữa ăn truyền thống của người Việt Nam. Bị đái tháo đường không có nghĩa là bạn phải ngừng ăn cơm, nhưng cần hạn chế lượng vừa phải cho mỗi bữa. Theo nghiên cứu vào năm 2012, ăn nhiều cơm và tinh bột có thể làm tăng 11% nguy cơ bị đái tháo đường typ 2. Tốt nhất, bạn nên chọn các loại ngũ cốc nguyên hạt (có chữ whole-grain trên bao bì), đang ngày càng thịnh hành trên thị trường.
Một số sản phẩm từ sữa
Sản phẩm từ sữa bao hàm những loại chứa đường và chất béo như sữa đậu nành, kem, phô mai béo, sữa chua có đường…Không chỉ làm tăng lượng cholesterol có hại, những sản phẩm này còn làm nặng thêm tình trạng kháng insulin ở người đái tháo đường. Bạn nên cân nhắc các sản phẩm thay thế như sữa ít béo, sữa không đường, sản phẩm đã được xử lý để loại bỏ chất béo hoàn toàn.
Thịt chứa nhiều mỡ
Tương tự với sữa có đường, thịt mỡ là nguồn cung cấp giàu chất béo bão hòa. Khi vào trong cơ thể, chất béo bão hòa làm tăng cholesterol, gây xơ vữa thành động mạch. Do đó, người bệnh tiểu đường ăn thịt chứa nhiều mỡ sẽ đối diện với nguy cơ cao bị bệnh tim mạch như suy tim, tăng huyết áp… Nếu muốn bổ sung protein, bạn nên ăn cá, thịt ức gà bỏ da, thịt nạc heo và thịt thăn bò.