Rèn luyện thể lực an toàn ở người bệnh đái tháo đường
Tập luyện thể lực là 1 trong 3 trụ cột điều trị bệnh đái tháo đường (cùng với chế độ ăn và thuốc). Bên cạnh việc tập sao cho có hiệu quả thì bạn cũng phải chú ý phải tập an toàn, đúng kỹ thuật để tránh chấn thương. Khi cảm thấy đau trong quá trình tập, bạn nên ngừng tập và hỏi ý kiến bác sĩ để nhận lời khuyên chính xác nhất.
>> Hỏi – đáp về tiêm insulin tại nhà
>> Những thực phẩm người đái tháo đường nên tránh
1. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu
Mỗi một cơ thể sẽ thích nghi và phù hợp với từng dạng bài tâp khác nhau, đặc biệt với người bệnh đái tháo đường sẽ có nhiều kiểu bài tập phù hợp với từng mức độ bệnh. Bạn cần có sự tư vấn từ bác sĩ để chọn cho mình bài tập phù hợp với tình trạng sức khỏe, các biến chứng (nếu có), các thuốc hạ đường huyết đang dùng, và điều kiện thời tiết tại địa phương.
2. Khởi động và thư giãn
Cho dù bạn là người bình thường, hay mắc bệnh đái tháo đường, việc thực hiện ngay các động tác tập mạnh dễ khiến bạn bị chấn thương, và làm thay đổi đột ngột mức glucose máu. Vì vậy cần dành ra 5-10 phút để khởi động làm nóng cơ thể, giúp cơ thể dần làm quen với cường độ tập luyện, điều chỉnh nhịp thở, nhịp tim và huyết áp… trước khi bắt đầu bài tập chính
3. Không để bị mất nước
Với đặc điểm khí hậu nhiệt đới ở Việt Nam, việc cơ thể bị mất nước khi đang tập là rất phổ biến, với các biểu hiện như choáng váng, chuột rút hay nghiêm trọng là sốc nhiệt. Trung bình, mỗi tiếng rèn luyện thể lực sẽ khiến cơ thể bạn mất 1.5 lít nước, vậy nên hãy tuân thủ những khuyến cáo sau đây:
– Trước khi tập: uống ít nhất 500 ml nước trong vòng 1 tiếng.
– Trong khi tập: uống 150 ml nước mỗi 15-20 phút
– Sau khi tập: tiếp tục uống khoảng 500 ml nước.
4. Cẩn thận với thời tiết nóng bức
Việt Nam là nước nhiệt đới với nhiệt độ trung bình khoảng 27 độ C, và có rất nhiều ngày nắng nóng trong năm. Để tập an toàn, người bệnh đái tháo đường cần tuân thủ những lời khuyên:
– Chọn thời điểm mát mẻ trong ngày để tập luyện (sáng sớm hoặc chiều)
– Mặc quần áo thoáng mát, màu sáng, phù hợp cho việc vận động
– Tránh vận động cường độ cao khi thời tiết nóng bức
– Uống đủ nước, nhưng tránh các loại thức uống có cồn
5. Lắng nghe cơ thể
Cơ thể mỗi người sẽ có cách thích ứng riêng với cường độ tập luyện. Trong quá trình tập, nếu bạn cảm thấy quá sức thì hãy dừng lại một chút và lắng nghe cơ thể mình. Đôi khi có một chút nhầm lẫn khiến cường độ luyện tập của bạn quá cao, hãy kịp thời điều chỉnh cho phù hợp.
Thông thường, cơ thể sẽ đau nhức trong vòng 12-24 giờ sau khi tập. Nếu cảm giác đau nhức kéo dài cả tuần hoặc diễn biến trầm trọng, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ để được khám. Ngoài ra, dừng tập luyện và hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn có các triệu chứng như: đau thắt ngực, choáng váng và nhức đầu, kiệt sức, khó thở, nhịp tim đập loạn xạ và thất thường.
Hi vọng với 5 lưu ý trên, bạn sẽ an tâm rèn luyện thể lực một cách an toàn nhất. Kết hợp thêm chế độ dinh dưỡng lành mạnh, bạn đã sẵn sàng để bắt đầu kiểm soát bệnh đái tháo đường.