Biến chứng thường gặp của bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường, đặc biệt là đái tháo đường tuýp 2, thường không biểu hiện triệu chứng rõ ràng cho đến khi chuyển biến nặng. Nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời, người bệnh đái tháo đường sẽ dễ mắc những biến chứng vô cùng nguy hiểm.
>> Từ bỏ thói quen hút thuốc lá ở người bệnh đái tháo đường
>> Rèn luyện thể lực an toàn ở người bệnh đái tháo đường
Tổn thương hệ tim mạch
Lượng glucose dư thừa trong máu khiến các mạch máu bị tổn thương, gây xơ vữa động mạch, làm cho mạch máu dần thu hẹp lại. Về lâu dài, hiện tượng này có thể dẫn đến một căn bệnh mãn tính khác là tăng huyết áp.
Ngoài ra, dòng máu lưu thông trong cơ thể cũng bị gián đoạn, tiềm ẩn nguy cơ đột quỵ (máu không lên não), nhồi máu cơ tim (máu không về tim) và vết thương lâu lành (máu không đến những nơi cần phục hồi).
Hướng điều trị: giữ mức glucose máu trong ngưỡng an toàn sẽ giúp bạn ngăn ngừa hoặc làm giảm đáng kể nguy cơ, hoặc kiểm soát được biến chứng nếu chẳng may mắc phải.
Suy giảm chức năng thận
Thận chứa vô số các mạch máu li ti, có tác dụng lọc chất thải ra khỏi máu. Ở người bệnh đái tháo đường, hệ thống mạch máu này bị tổn thương theo thời gian, gây rối loạn chức năng thận. Nếu không được điều trị, sẽ đến lúc người bệnh phải đối diện nguy cơ bệnh thận mạn, suy thận, cần hoặc phải lọc máu hay cấy ghép thận.
Hướng điều trị: tham vấn ý kiến bác sĩ. Tùy theo tình trạng bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn thuốc phù hợp.
Bệnh về mắt
Bệnh mắt do đái tháo đường, hay nói đúng hơn là bệnh võng mạc do đái tháo đường, là nguyên nhân hàng đầu gây mù lòa tạm thời hoặc vĩnh viễn. Sở dĩ như vậy là do khi bị đái tháo đường, mạng lưới mạch máu ở võng mạc dễ bị nghẽn, vỡ, khiến thị lực giảm sút dần. Tỷ lệ người bị đái tháo đường mắc các bệnh lý về mắt cũng cao hơn người bình thường, ví dụ như bệnh cườm nước, đục thủy tinh thể…
Hướng điều trị: khám mắt theo định kì, kết hợp điều trị đái tháo đường sẽ giúp người bệnh giảm nguy cơ bị bệnh lý võng mạc.
Tổn thương dây thần kinh
Có thể nói tổn thương dây thần kinh là biến chứng thường gặp nhất ở người bệnh tiểu đường. Lượng glucose tích tụ trong máu vừa tổn hại trực tiếp đến dây thần kinh, vừa gián tiếp thông qua việc ngăn cản dòng máu lưu thông.
Theo thời gian, người bệnh bị mất cảm giác ở nhiều bộ phận. Mất cảm giác ở chân khiến người bệnh dễ bị tổn thương, loét ở bàn chân, nặng hơn có thể bị hoại tử bàn chân buộc phải phẫu thuật cắt bỏ.
Hướng điều trị: Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo người bệnh đái tháo đường cần thường xuyên kiểm tra, chăm sóc bàn chân để nhanh chóng phát hiện dấu thiệu bất thường. Chẩn đoán sớm và kiên trì điều trị là chìa khóa hạn chế tổn thương dây thần kinh.
Biến chứng ở phụ nữ mang thai
Tuy không nguy hiểm bằng đái tháo đường typ 1 và typ 2 nhưng đái tháo đường trong thai kỳ vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho cả mẹ và bé. Nếu không được chẩn đoán, theo dõi và điều trị đúng cách, phụ nữ mang thai và cả trẻ sơ sinh dễ bị mắc đái tháo đường typ 2 trong tương lai.
Riêng người mẹ có tỷ lệ cao bị:
– sinh non
– tăng huyết áp và tiền sản giật
Hướng điều trị: Phụ nữ mang thai nên đi khám thai đúng theo định kỳ để được bác sĩ kiểm tra glucose máu. Trong trường hợp đã từng bị đái tháo đường, bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi quyết định mang thai.
Nguồn tham khảo:
- Can Diabetes Cause High Blood Pressure?, Diabetes and High Blood Pressure: How These Conditions Are Linked (verywellhealth.com) , accessed 20/06/2023.
- Diabetic Kidney Disease, Diabetic Kidney Disease – NIDDK (nih.gov) , accessed 20/06/2023.
- Diabetic retinopathy, Diabetic Retinopathy | National Eye Institute (nih.gov) , accessed 20/06/2023.
- Diabetes and Nerve Damage, Diabetes and Nerve Damage | CDC , accessed 20/06/2023.
- Steps to Prevent or Delay Nerve Damage, Steps to Prevent or Delay Nerve Damage | ADA (diabetes.org) , accessed 20/06/2023.
- Gestational diabetes, Gestational diabetes – Symptoms and causes – Mayo Clinic , accessed 20/06/2023
SERV-NDT-DIAB-29-06-2023