Phòng tránh nhiễm trùng da để có một làn da khỏe mạnh
Nhiễm trùng da là một trong những bệnh lý khá thường gặp hiện nay. Nếu làn da không được bảo vệ đúng cách thì tất yếu tình trạng nhiễm trùng sẽ xảy ra. Da là một cơ quan bảo vệ cơ thể nên nếu da bị nhiễm trùng sẽ gây ra nhiều hậu quả phức tạp.

Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu về nhiễm trùng da, cũng như những cách để có một làn da khỏe mạnh qua bài viết sau đây.
1. Tổng quan về nhiễm trùng da
1.1. Định nghĩa
Da chính là cơ quan có diện tích lớn nhất của cơ thể người. Chức năng của da là bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi bị nhiễm trùng. Đôi khi, da cũng có thể bị nhiễm trùng. Nhiễm trùng da là tình trạng da bị viêm nhiễm do nhiều loại vi trùng gây ra. (1)
Các triệu chứng của da bị nhiễm trùng có thể thay đổi từ nhẹ đến nghiêm trọng. Nhiễm trùng nhẹ có thể điều trị được bằng các loại thuốc kháng sinh tại chỗ hay đường uống và có thể điều trị tại nhà. Trong khi các bệnh nhiễm trùng nặng hơn có thể cần phải nằm viện để các bác sĩ theo dõi. (1)

1.2. Phân loại
Nhiễm trùng da được chia thành 4 loại chính sau đây tùy thuộc vào nguyên nhân gây viêm nhiễm ở da:
Da bị nhiễm trùng do vi khuẩn. Bệnh lý này thường bắt đầu bằng những nốt mụn nhỏ, màu đỏ và tăng dần kích thước. Một số bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn nhẹ và dễ dàng điều trị bằng thuốc kháng sinh tại chỗ. Nhưng cũng có các bệnh nhiễm trùng khác cần dùng thuốc kháng sinh đường uống, thậm chí là đường tiêm tĩnh mạch. (1)
Da bị nhiễm trùng do virus. Tác nhân gây bệnh là virus. Các bệnh nhiễm trùng nhóm này có thể xuất hiện từ nhẹ đến nặng. Một số bệnh thường gặp như: Thủy đậu, mụn cóc, sởi, tay chân miệng,… (1)
Da bị nhiễm trùng do nấm. Còn gọi là nấm da. Bệnh thường phát triển ở những vùng ẩm ướt của cơ thể, chẳng hạn như bàn chân, nách, kẽ ngón tay, ngón chân,… Những bệnh nhiễm do nấm thường ít nguy hiểm đến tính mạng. (1)

Nhiễm ký sinh trùng trên da. Các loại viêm da này là do ký sinh trùng gây ra. Nhiễm trùng loại này có thể lan ra ngoài da, đến máu và các cơ quan. Nhiễm ký sinh trùng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng có thể gây khó chịu. Chẳng hạn như: Rận người, ghẻ, chí,… (1)
2. Triệu chứng của nhiễm trùng da
Những triệu chứng của da bị nhiễm trùng rất đa dạng và thay đổi tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Trong đó, các triệu chứng phổ biến nhất bao gồm:
- Da bị viêm, nổi đỏ, hơi nóng.
- Xuất hiện những sang thương như: dát, sẩn, mụn nước, bóng nước, mụn mủ.
- Có cảm giác ngứa tại sang thương, đôi khi là đau.
- Da xung quanh sang thương thường viêm đỏ.
- Một số trường hợp có thể xuất hiện: săng, vết loét, vết lở, tróc vẩy, sốt,… (2)
3. Nguyên nhân gây nhiễm trùng da
- Nhiễm trùngdo vi khuẩn: Điều này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể thông qua vết nứt trên da, chẳng hạn như vết cắt hoặc vết xước. Bị đứt tay hoặc trầy xước không nhất thiết có nghĩa là bạn sẽ bị nhiễm trùng da. Nhưng nó làm tăng nguy cơ nếu bạn bị suy giảm hệ miễn dịch.
- Nhiễm virus trên da: Các virus phổ biến nhất đến từ một trong ba nhóm vi-rút: Herpex simplex, HPV, Varicella.
- Nhiễm nấm: Hóa chất tiếp xúc với da và lối sống thiếu khoa học có thể làm tăng nguy cơ nhiễm nấm. Nấm thường phát triển trong môi trường ẩm ướt. Mặc quần áo ướt hoặc ướt đẫm mồ hôi là nguy cơ gây nhiễm trùng da. Ngoài ra, tình trạng suy giảm miễn dịch – chẳng hạn như Đái tháo đường – cũng làm tăng nguy cơ nhiễm nấm da.
- Nhiễm ký sinh trùng trên da: Những côn trùng hoặc sinh vật nhỏ bé chui xuống da và đẻ trứng có thể gây viêm da do ký sinh trùng. (1)
4. Những phương pháp chăm sóc làn da khỏe đẹp
Những phương pháp chăm sóc một làn da khỏe đẹp bao gồm:
4.1. Bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời
Để bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời, bạn có thể:
- Sử dụng kem chống nắng.
- Mặc áo khoác, mang khẩu trang, váy chống nắng khi đi ra đường.
- Mang kính râm.
Việc bảo vệ da khỏi ánh nắng mặt trời sẽ giúp cho da tránh được tác dụng có hại của tia cực tím. Nhờ vậy, da sẽ khỏe mạnh hơn và giảm thiểu nguy cơ ung thư da. (3)

4.2. Không hút thuốc lá
Hút thuốc làm cho làn da của bạn trông già hơn và góp phần tạo ra nếp nhăn. Hút thuốc lá làm hẹp các mạch máu nhỏ ở lớp ngoài cùng của da, làm giảm lưu lượng máu và khiến da nhợt nhạt hơn. Điều này cũng làm da cạn kiệt oxy và các chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe của da. Vì vậy, bạn nên từ bỏ việc hút thuốc lá để sở hữu một làn da khỏe mạnh. (3)
4.3. Chế độ ăn uống khoa học
Một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn có được một làn da khỏe đẹp. Ăn nhiều trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein. Một số nghiên cứu cho thấy rằng một chế độ ăn uống giàu chất xơ hoặc chất bổ sung dầu cá và ít chất béo động vật có thể giúp làn da trẻ trung hơn. Uống nhiều nước giúp giữ nước cho da, giúp da mịn màng hơn. (3)

4.4. Tránh căng thẳng
Căng thẳng không kiểm soát có thể làm cho da của bạn trở nên nhạy cảm hơn và gây ra mụn cũng như các vấn đề về da khác. Vì vậy, bạn nên thăng bằng tâm lý, ngủ đủ giấc, sống vui vẻ, lạc quan thì mới có được một làn da khỏe mạnh. (3)
Hy vọng với những thông tin mà bài viết đã cung cấp, bạn đọc sẽ hiểu rõ hơn về bệnh lý nhiễm trùng da. Cũng như biết được những cách để chăm sóc một làn da khỏe mạnh, góp phần gìn giữ vẻ đẹp bên ngoài và sức khỏe bên trong của chính mình.
Nguồn tham khảo:
1. Healthline “Skin Infection: Types, Causes, and Treatment”
2.WebMD, “Skin Infection”
3. Mayo Clinic, “Skin care: 5 tips for healthy skin”