Chăm sóc người thân bị Đái tháo đường hằng ngày
Đái tháo đường là căn bệnh phổ biến ở người trung niên và cao tuổi. Đây cũng chính là độ tuổi cần đến sự giúp đỡ và chăm sóc của các thành viên trong gia đình. Nếu kiểm soát tốt đường huyết nhờ vào tuân thủ dùng thuốc, có lối sống cũng như dinh dưỡng hợp lý, người bệnh hoàn toàn hưởng được một cuộc sống và tuổi thọ gần như người bình thường.
Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu những nguyên tắc này để nâng cao chất lượng sống và giúp người thân luôn khỏe mạnh nhé!
1. Một số lưu ý về chế độ ăn uống cho bệnh nhân Đái tháo đường
Một trong những điều cực kỳ quan trọng nhất cho người bệnh Đái tháo đường là làm sao để giữ được lượng đường trong máu của họ ổn định nhất có thể. Khi bạn là người chăm sóc bệnh nhân Đái tháo đường, cần lưu ý những điều sau đây:
- Lập ra kế hoạch ăn uống: khi chăm sóc bệnh nhân Đái tháo đường, đặc biệt chuẩn bị bữa ăn và lịch uống thuốc của người thân, bạn cần trao đổi với bác sĩ điều trị về kế hoạch dinh dưỡng của người thân mình, về giờ giấc ăn, số lượng khẩu phần cho mỗi nhóm dinh dưỡng, những món nên ăn và hạn chế ăn… (1)
- Người Đái tháo đường nên ăn các bữa ăn vào cùng một thời điểm mỗi ngày và chia nhỏ bữa ăn: Lưu ý rằng không nên bỏ bữa hoặc ăn trễ vì dễ có nguy cơ hạ đường huyết – một biến chứng thường gặp của Đái tháo đường (1).
- Uống đủ nước mỗi ngày: Giữ cho cơ thể và làn da của họ đủ nước là một điều cực kỳ tốt. Đồng thời, bạn cũng cần hạn chế uống các loại nước uống có chứa cafein hoặc có đường (1).
Cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu những lưu ý về các loại thực phẩm mà mình nên và không nên ăn thông qua video ngắn sau đây:
2. Một số lưu ý về vận động và tập thể dục
Đảm bảo rằng bệnh nhân Đái tháo đường vận động thường xuyên cũng là một phần quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân Đái tháo đường. Tập thể dục thường xuyên kết hợp tốt với chế độ ăn uống sẽ kiểm soát được các yếu tố nguy cơ tim mạch và đường huyết.
Người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2 nên tham gia ít nhất 150 phút các hoạt động có cường độ từ trung bình đến mạnh như đi bộ, chạy, bơi lội hoặc đạp xe mỗi tuần (4). Nếu người thân của bạn không thể tập thể dục, hãy cố gắng và khuyến khích họ hoạt động hoặc làm những gì họ có thể làm hoặc một số hoạt động thể chất nhẹ nhàng khác như dưỡng sinh…
Vài đặc điểm cần lưu ý:
- Chỉ nên tập thể dục sau bữa ăn 1 giờ hoặc lâu hơn vì khi đó lượng đường trong máu đã cao hơn.
- Luôn luôn nhắc nhở người thân mang theo vài viên kẹo đường, sữa có đường vì hạ đường huyết có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
- Uống nhiều nước và mang theo thẻ đeo ghi tên và thông tin về bệnh khi họ tập thể dục xa nhà.
- Nếu có thể, người bệnh nên được kiểm tra đường huyết trước và sau khi tập thể dục (3).
Cuối cùng, bạn và người thân phải ghi nhớ những dấu hiệu báo hiệu hạ đường huyết, bao gồm: run rẩy, chóng mặt, đau đầu, vã mồ hôi và cảm thấy đói; tim đập nhanh, thị lực giảm, cáu gắt và da tái nhợt (2). Xử trí bằng cách uống nước đường, sữa có đường… cho đến khi cảm giác khỏe hoặc ngậm 3 viên kẹo ngọt, đợi sau 5 phút; nếu vẫn chưa bớt, có thể uống nước đường lần nữa. Trong trường hợp đường huyết giảm đột ngột sẽ gây ngất xỉu, động kinh nặng hơn có thể dẫn đến hôn mê, cần cấp cứu tại các cơ sở y tế.
3. Một số lưu ý về vệ sinh cá nhân hằng ngày cho bệnh nhân Đái tháo đường:
3.1 Chăm sóc răng miệng
Những người mắc đái tháo đường (tiểu đường) có nhiều nguy cơ gặp các vấn đề về miệng – như bệnh nướu răng, nấm và khô miệng. Đó là lý do tại sao việc chăm sóc răng miệng rất quan trọng. Vì thế, khi chăm sóc bệnh nhân Đái tháo đường, bạn cần nhắc họ nên đánh răng bằng bàn chải với lông mềm sau mỗi bữa ăn chính và dùng chỉ nha khoa ít nhất một lần một ngày (1).
3.2 Chăm sóc bàn chân
Bệnh nhân Đái tháo đường rất dễ bị mất cảm giác ở bàn chân, do đó họ không nhận biết được tình trạng đau hay viêm sưng của mình. Móng chân nếu không được cắt bỏ thường xuyên dễ dẫn đến tình trạng viêm nhiễm và các vấn đề khác.
Người chăm sóc hoặc thành viên gia đình có thể giúp người bệnh:
- Cắt móng cẩn thận, tránh lấy khoé, cắt thịt dư vì dễ làm nhiễm trùng.
- Kiểm tra móng chân mỗi ngày một lần để xem có bị sưng tấy hoặc có dấu hiệu nhiễm trùng hay không. Ngoài ra, bạn cũng nên lưu ý các vết chai hoặc vết cắt trên bàn chân vì cũng dễ gây nên tình trạng viêm nhiễm tương tự.
- Nếu có vết thương ở chân, hãy nhẹ nhàng rửa sạch hằng ngày bằng xà phòng nhẹ và kiểm tra mỗi ngày để đảm bảo vết thương đang lành lại.
- Nếu vết thương diễn tiến xấu hơn, cần dẫn người thân đến cơ sở y tế để kiểm tra và chăm sóc vết thương hợp lý (4).
Ngoài ra, bệnh nhân Đái tháo đường không nên đi chân trần ngay cả khi ở trong nhà. Hãy sắm cho họ một đôi giày/dép vải mềm với đế đệm hỗ trợ tốt. Giày/dép phải là loại bít hết các ngón chân. Nếu mang vớ, nên mang vớ không quá chật để không làm hạn chế tưới máu đến chân (4).
Việc chăm sóc bệnh nhân Đái tháo đường hằng ngày cần một sự kiên nhẫn và thường xuyên quan sát nhắc nhở cũng như một sự tinh tế để nhận ra được khi nào họ cần giúp đỡ. Tuy nhiên, tuân thủ các nguyên tắc thường xuyên đủ để hình thành thói quen, bạn và người thân sẽ không cảm thấy việc này là nhọc nhằn nữa. Hãy cùng hướng đến mục tiêu giúp người thân kiểm soát tốt đường huyết với HbA1c < 7% và hưởng được chất lượng sống tốt như người bình thường.
SERV-NDT-12-12-2022
Nguồn tham khảo:
1. Diabetes caregiver’s daily care checklist (no date) WebMD. WebMD. Available at: https://www.webmd.com/diabetes/diabetes (Accessed: November 22, 2022).
2. Vân, B.S.N.T. (2018) Nhận Biết và xử Trí Dấu Hiệu HẠ đường Huyết, Báo Sức khỏe & Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. suckhoedoisong. Available at: https://suckhoedoisong.vn/nhan-biet-va-xu-tri-dau-hieu-ha-duong-huyet-169145888.htm (Accessed: November 22, 2022).
3. Lương, L.T. (2022) 4 Bài Tập thể dục tốt nhất cho Người Bệnh Tiểu đường tuýp 2, Báo Sức khỏe & Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. suckhoedoisong. Available at: https://suckhoedoisong.vn/4-bai-tap-the-duc-tot-cho-nguoi-benh-tieu-duong-type-2-169221103161814696.htm (Accessed: November 22, 2022).
4. Chi, K. (2022) Chăm Sóc Bàn Chân Cho Bệnh Nhân đái tháo đường, Báo Sức khỏe & Đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế. suckhoedoisong. Available at: https://suckhoedoisong.vn/cham-soc-ban-chan-cho-benh-nhan-dai-thao-duong-169220309153413697.htm (Accessed: November 22, 2022).