Mẹ bầu nên ăn gì để tránh Đái tháo đường thai kì?
Đái tháo đường thai kì là một rối loạn chuyển hóa đường khi mang thai. Tỉ lệ mắc Đái tháo đường thai kì đang ngày càng tăng. Hơn nữa, Đái tháo đường thai kì mang đến nhiều nguy cơ cho mẹ bầu và sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, việc phòng ngừa Đái tháo đường thai kì là vô cùng quan trọng, và chế độ dinh dưỡng là khía cạnh không thể thiếu. Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu mẹ bầu nên ăn gì để tránh Đái tháo đường thai kì ngay sau đây nhé!
1. Thực phẩm chứa nhiều chất đạm
Chất đạm (protein) là thành phần không thể thiếu để cấu tạo nên tế bào. Chất đạm tham gia vào nhiều hoạt động trao đổi chất, cung cấp năng lượng cho cơ thể. Khi mang thai, nhu cầu chất đạm của người mẹ tăng lên để đảm bảo việc xây dựng và phát triển cơ thể của trẻ. (1)
Đối với bữa ăn của mẹ bầu, cần phối hợp giữa chất đạm có nguồn gốc từ động vật và protein thực vật.
Nên chọn các thực phẩm cung cấp chất đạm có nguồn gốc động vật bao gồm: thịt nạc, cá, trứng, tôm, cua, thủy hải sản, sữa chua, sữa, phô mai (ít béo, không đường)… Không nên ăn thịt mỡ, nên ăn cá và thịt gia cầm thay cho thịt đỏ. (1)
Các thực phẩm cung cấp chất đạm thực vật bao gồm: đậu tương, đậu xanh, các loại đậu khác và vừng lạc. (1)
2. Thực phẩm có ít đường
Trong thực đơn hàng ngày, mẹ bầu nên hạn chế tối đa các thực phẩm có chỉ số đường huyết cao. Đây là những loại đường hấp thu nhanh làm tăng cao đường huyết sau ăn. Bao gồm: bánh, kẹo, kem, chè, mứt, trái cây sấy, các loại nước ngọt…Không nên dùng đường trắng.(2)
Việc tăng cường trái cây tươi mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Tuy nhiên mẹ bầu nên hạn chế những loại trái cây nhiều đường như mít, sầu riêng, xoài, nhãn… Nên chọn các loại trái cây ít đường, nhiều nước như bưởi, thanh long, táo, cam, dâu tây…(3)
Trái cây nên ăn mỗi lần 1 miếng nhỏ thay vì ăn trái cây nguyên quả. Tránh uống nước hoa quả. Nếu uống thì thay vì pha 100% nước hoa quả thì nên giảm xuống ½ cốc là nước hoa quả và pha thêm nước. (3)
3. Thực phẩm có chất béo không bão hòa
Chất béo (lipid) đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc màng tế bào và dự trữ nguồn năng lượng dồi dào cho cơ thể. Chất béo đặc biệt quan trọng trong thời gian mang thai và cho con bú. Chất béo tham gia vào quá trình hình thành và phát triển não trong quá trình mang thai và bảo đảm chất lượng của sữa mẹ. (1)
Nguồn cung cấp chất béo là dầu, mỡ và các loại hạt có dầu như đậu phộng, vừng, hạt điều… Nhu cầu chất béo được khuyến nghị từ 25 đến 30% tổng số năng lượng, và cần đạt sự cân đối về tỉ lệ giữa chất béo có nguồn gốc động vật và tổng số năng lượng từ chất béo. Khuyến nghị về tỷ lệ chất béo có nguồn gốc động vật/tổng số chất béo hiện nay là không nên vượt quá 60%. (1)
Mẹ bầu cần ưu tiên dùng các loại thực phẩm có chất béo không bão hòa như: Dầu ô liu, dầu lạc, các loại hạt, cá hồi, cá mòi, cá ngừ… Nên ăn cá, tối thiểu 2 – 3 bữa/tuần, ưu tiên những thực phẩm giàu omega 3 (mỡ cá, cá hồi). (2)
4. Các loại ngũ cốc nguyên hạt
Chất bột đường (carbohydrate) là nguồn cung cấp năng lượng chính cho cơ thể. Chất bột đường là nguyên nhân khiến lượng đường trong máu tăng cao. Tuy nhiên, mẹ bầu vẫn cần cung cấp đủ chất bột đường để bổ sung năng lượng, tham gia vào quá trình cấu tạo tế bào.
Vì vậy, chế độ dinh dưỡng vẫn phải đảm bảo thành phần chất bột đường chiếm 55-65% khẩu phần ăn. Chất bột đường nên được chia suốt cả ngày trong 3 bữa ăn chính và 2 – 3 bữa ăn phụ.(2)
Mẹ bầu nên sử dụng ngũ cốc nguyên hạt, gạo lức, gạo lật nảy mầm thay thế cho gạo trắng có chỉ số glucose huyết tương cao. (2)
Nên hạn chế các loại chất bột đường đã tinh chế hoặc xay xát kĩ như bún, phở, miến, bánh mì, các loại bột…. (2)
5. Tăng cường chất xơ
Chất xơ cũng đóng vai trò quan trọng đặc biệt trong điều hòa và kiểm soát đường huyết tương. Mẹ bầu cần ăn ít nhất 400g rau củ quả một ngày. Nên chọn rau củ quả có nhiều chất xơ như rau muống, rau ngót, rau bắp cải… (1)
Hi vọng những thông tin trên sẽ phần nào giúp bạn hình dung được một chế độ dinh dưỡng hàng ngày giúp mẹ bầu ngăn ngừa Đái tháo đường thai kì. Nhìn chung, chế độ ăn cần đảm bảo đủ năng lượng, cân đối dinh dưỡng, lựa chọn các loại chất bột đường chuyển hóa chậm, lựa chọn thực phẩm giàu chất xơ, chất đạm, nhiều chất béo không bão hòa. Bên cạnh đó, mẹ bầu cần thường xuyên tập luyện thể dục để giúp kiểm soát tốt đường huyết và mang lại hiệu quả tối ưu cho sức khỏe nhé!
Nguồn tham khảo:
- Vụ sức khỏe bà mẹ – trẻ em, “Hướng dẫn quốc gia dự phòng và kiểm soát Đái tháo đường thai kỳ”
- Bộ Y tế, “Hướng dẫn quốc gia dinh dưỡng cho phụ nữ có thai và bà mẹ cho con bú”
- ThS Hoàng Tiến Hưng, “Nguyên nhân và hướng điều trị Đái tháo đường thai kỳ”