7 lí do khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi
Mệt mỏi là một trong các triệu chứng thường gặp nhất, với nhiều biểu hiện đa dạng và mơ hồ, nhưng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng cuộc sống. Có bao giờ bạn bị mệt mỏi thường xuyên mà không rõ lý do vì sao? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin cho bạn 7 lí do khiến bạn luôn cảm thấy mệt mỏi. (1)
>> Lựa chọn chế độ ăn cho bệnh nhân Đái tháo đường mắc bệnh Thận cần lưu ý gì?
>> 5 cách chăm sóc sức khỏe răng miệng ở bệnh nhân Đái tháo đường
1. Ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn thiếu cân bằng các chất dinh dưỡng sẽ khiến cơ thể đối mặt với nhiều nguy cơ về sức khỏe. Thiếu cân, gầy còm là yếu tố khiến cơ thể không đủ sức lực để làm việc và hệ miễn dịch không hoạt động tối ưu. Ngược lại, thừa cân, béo phì gây nên nguy cơ về các bệnh lý tim mạch, Đái tháo đường, Tăng huyết áp gia tăng.
Một số thức ăn nhanh nhiều dầu mỡ, chiên xào, ít rau, kẹo bánh nhiều đường, thức uống có ga được ưa chuộng hiện nay vì tính nhanh gọn, tiện lợi, rẻ. Những thực phẩm này cung cấp chất béo và đường và chuyển hóa rất nhanh, dễ khiến khẩu phần ăn mất cân bằng nghiêm trọng, đặc biệt là thiếu vi chất: vitamin, chất khoáng. Điều này có thể khiến cơ thể mệt mỏi, luôn trong trạng thái uể oải và tăng nguy cơ béo phì.
2. Uống không đủ nước
Nước là một trong những thành phần thiết yếu nhất cho sự sống. Nước trong cơ thể đóng vai trò là môi trường để các phản ứng sinh hóa xảy ra. Cơ thể thiếu nước hay thừa nước đều gây hại đến các tế bào trong từng cơ quan. Việc uống ít nước dễ gây ra táo bón và cơ thể thường xuyên cảm thấy nóng nảy, bực bội, khó suy nghĩ rõ ràng.
3. Thiếu máu
Thiếu máu là một trong các nguyên nhân bệnh lý thường gặp gây ra tình trạng mệt mỏi. Vì một bất thường nào đó mà số lượng hay chất lượng hồng cầu bị biến đổi. Kết quả là lượng oxy mà hồng cầu mang đến các cơ quan giảm sút, gây ra cảm giác mệt mỏi dù không hoạt động gắng sức.
Nếu bạn thường xuyên cảm thấy mệt mỏi mà không rõ lý do, kèm thêm các triệu chứng khác như làn da tái nhợt xanh xao, bạn hãy liên hệ cơ sở y tế vì có thể bạn đang nguy cơ bị thiếu máu.
4. Lười vận động
Thói quen lười vận động có thể là một trong những yếu tố khi gây mệt mỏi. Bạn nên đứng dậy và di chuyển để tái tạo năng lượng và xóa tan mệt mỏi. Nghiên cứu của Đại học Georgia (UGA) ở Athens phát hiện ra rằng so với việc ngồi yên lặng, một đợt tập thể dục cường độ vừa phải kéo dài ít nhất 20 phút sẽ giúp tăng cường năng lượng.
Nếu bạn đã không tập thể dục trong một thời gian, hãy bắt đầu từ từ bằng cách đi bộ nhanh 10 phút mỗi ngày và tăng dần lên 30 phút vào 5 ngày mỗi tuần. Đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu dưới nước, đạp xe, chơi quần vợt… đều có thể được tính vào thời gian tập thể dục.
5. Mất ngủ, thiếu ngủ
Nhịp sống hối hả, quay cuồng với công việc khiến nhiều người phải cắt giảm thời lượng ngủ. Tuy nhiên, giấc ngủ không đạt chất lượng khiến những ngày hôm sau dễ rơi vào trạng thái uể oải, mất tập trung.
Giấc ngủ là thời gian mà cơ thể điều tiết lại các nội tiết tố, điều chỉnh hoạt động của các cơ quan. Vậy nên thiếu ngủ sẽ khiến cơ thể mất đi nhịp sinh học vốn có, rối loạn nội tiết và giảm sút sức khỏe.
6. Áp lực, căng thẳng
Căng thẳng quá mức có thể dẫn đến kiệt sức về thể chất và tinh thần, dẫn đến bệnh tật. Nếu những áp lực mà bạn phải đối mặt khiến bạn cảm thấy mệt mỏi hoặc khiến bạn đau đầu, đau nửa đầu hoặc căng cơ, đừng bỏ qua những tín hiệu này.
7. Bệnh Đái tháo đường
Hội chứng mệt mỏi do Đái tháo đường được định nghĩa là hội chứng đa yếu tố gây mệt mỏi xảy ra ở những người mắc bệnh Đái tháo đường. Hội chứng này có thể do nhiều yếu tố tác động như lối sống, dinh dưỡng, y tế, tâm lý, đường huyết… Bản thân bệnh Đái tháo đường với các triệu chứng cũng là những yếu tố gây mệt mỏi cho người bệnh.
Tình trạng tiểu nhiều khiến cơ thể mất nước, bất tiện trong sinh hoạt. Thường xuyên cảm thấy đói và khát cũng là những triệu chứng gây mệt mỏi. Tuy nhiên, khi kiểm soát được mức đường huyết và cải thiện được các triệu chứng trên, giảm bớt gánh nặng về cơ thể cũng như tinh thần của người bệnh.
Bên cạnh dấu hiệu mệt mỏi, bệnh Đái tháo đường còn có thể được nhận biết thông qua một vài sấu hiệu phổ biến. Mời bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết qua video ngắn nhé:
Có rất nhiều nguyên nhân gây nên tình trạng mệt mỏi lặp đi lặp lại. Đa phần chúng ta có thể cải thiện sức khỏe và tinh thần với lối sống lành mạnh hơn. Tuy nhiên, đừng quên những nguyên nhân bệnh lí cần điều trị đặc hiệu như thiếu máu và Đái tháo đường nhé.
Nguồn tham khảo:
- NCBI, “Diabetes Fatigue Syndrome”
- Medicalnewstoday, “Why you feel tired all the time”