Lý do khiến đường huyết của bạn không được kiểm soát?
Đôi khi lượng đường trong máu có thể vượt quá mức cho phép bất kể bạn cố gắng kiểm soát nó thể nào. Đó là bởi vì có rất nhiều yếu tố có thể làm chệch hướng những nỗ lực của bạn trong việc kiểm soát đường huyết. Đường huyết tăng cao kéo dài có thể gây tăng nguy cơ tiến triển những biến chứng nghiêm trọng của bệnh Đái tháo đường như tai biến, suy thận, bệnh lý về mắt… Vì vậy, kiểm soát đường huyết là một vấn đề đáng được quan tâm. Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu một số thông tin về chỉ số đường huyết và cách kiểm soát chỉ số đường huyết ổn định nhé.
>> Ngoài chỉ số đường huyết, người bệnh Đái tháo đường cần chú ý thêm các chỉ số nào?
1. Chỉ số đường huyết nói gì về sức khỏe?
Kiểm soát đường huyết là vấn đề trọng tâm trong điều trị bệnh Đái tháo đường. Đường huyết cao là mối quan tâm hàng đầu và có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến bệnh nhân Đái tháo đường kể cả type 1 lẫn type 2. Hai chỉ số đường huyết chính thường được đề cập:
- Đường huyết lúc đói:
Tăng đường huyết lúc đói là lượng đường trong máu cao hơn 130 mg/dl sau khi nhịn đói ít nhất 8 giờ.
- Đường huyết sau ăn :
Tăng đường huyết sau ăn là lượng đường trong máu cao hơn 180mg/dl sau 2 giờ sau ăn.
Lượng đường trong máu cao thường xuyên có thể gây tổn thương đến dây thần kinh, mạch máu và các cơ quan của bạn.
Điều này cũng có thể dẫn đến các biến chứng sau (1):
- Nhiễm trùng da nặng và kéo dài. Nếu là nữ, bạn có thể tăng nguy cơ nhiễm khuẩn âm đạo.
- Chậm lành vết thương
- Suy giảm thị lực
- Tổn thương thần kinh thì thường gây ra cảm giác đau đớn hoặc giảm cảm giác bàn chân. Nếu là nam bạn có thể mắc chứng rối loạn cương dương.
- Rối loạn tiêu hóa như táo bón mạn tính hoặc tiêu chảy cũng có thể gặp phải.
- Tổn thương mắt, mạch máu và thận.
Thêm và đó, những người mắc bệnh Đái tháo đường type 1 dễ bị tích tụ axit trong máu , còn được gọi là nhiễm toan ceton. Đây là một biến chứng nặng, tỷ lệ tử vong cao nếu không điều trị kịp thời. Tình trạng này có thể xảy ra ở phụ nữ mang thai, có tiền căn Đái tháo đường hoặc bị Đái tháo đường thai kì. (1)
Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường type 2 hoặc có nguy cơ mắc bệnh này, lượng đường trong máu rất cao có thể dẫn đến tình trạng nguy hiểm. Khi cơ thể bạn không thể xử lý lượng lớn đường trong máu, nó gây ra hội chứng tăng áp lực thẩm thấu máu do tăng đường huyết (Hyperglycemic Hyperosmolar state, HHS). Bệnh không có triệu chứng rõ ràng và diễn tiến từ từ. Ban đầu bệnh nhân sẽ có biểu hiện tiểu nhiều, sụt cân và sau đó dần xuất hiện rối loạn ý thức, thậm chí tình trạng mất nước trầm trọng có thể dẫn đến nhiều biến chứng gây tử vong.
2. Những yếu tố có thể làm tăng đường huyết
- Không điều trị bệnh bằng thuốc hoặc quên uống thuốc hoặc liều thuốc không phù hợp
- Ăn quá nhiều thực phẩm chứa carbohydrate
- Đang có những bệnh nhiễm trùng hoặc mắc nhiều bệnh phối hợp
- Chịu nhiều căng thẳng, áp lực từ công việc và cuộc sống
- Vận động hoặc tập luyện thể dục không đủ
3. Cách kiểm soát đường huyết ổn định
Người bệnh Đái tháo đường cần tuân thủ chế độ dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ để giữ mức đường huyết ở mức an toàn. Bên cạnh đó, một số cách sau đây có thể giúp bạn kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn:
3.1 Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp bạn giảm cân mà còn gia tăng tính nhạy cảm insulin, giúp tế bào sử dụng đường trong máu một cách hiệu quả hơn, từ đó có thể giảm lượng đường trong máu. (2)
3.2 Kiểm soát lượng bột đường hấp thu
Các chất bột đường trong cơ thể được phân hủy thành đường (glucose), đây là nguyên nhân gây tăng nhanh glucose trong máu. Vì vậy, giảm lượng bột đường (carbohydrate) nạp vào có thể giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở mức ổn định.(2)
3.3 Tăng khẩu phần chất xơ trong chế độ ăn
Chất xơ làm chậm sự tiêu hóa chất bột đường và quá trình hấp thụ đường. Điều này giúp đường huyết tăng từ từ. Vì vậy ăn nhiều chất xơ có thể giúp kiểm soát đường huyết, và đặc biệt là các chất xơ hòa tan có trong ngũ cốc, yến mạch, các loại hạt, đậu.
3.4 Uống đủ nước
Nước giúp loại bỏ lượng đường dư trong máu qua nước tiểu và giúp bạn tránh bị mất nước. Một nghiên cứu cho thấy những người uống nhiều nước ít có nguy cơ tăng đường huyết. Do đó, việc uống đủ nước giúp giảm lượng đường huyết và giảm nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường. (2)
3.5 Kiểm soát khẩu phần ăn:
Việc kiểm soát khẩu phần ăn sẽ giúp kiểm soát lượng calo và giảm cân. Do đó, việc kiểm soát cân nặng sẽ giúp mức đường trong máu ổn định và làm giảm nguy cơ tiến triển bệnh Đái tháo đường type 2. (2)
Trên đây là những cách có thể giúp bạn kiểm soát được lượng đường huyết tại nhà trong trường hợp đường huyết tăng do lối sống hoặc chế độ ăn uống. Tuy nhiên, để ngăn ngừa bệnh chuyển nặng gây những biến chứng nguy hiểm, tốt nhất bạn nên kiểm tra sức khỏe định kì và điều trị theo chỉ định của bác sĩ.
Nguồn tham khảo:
- WebMD, Nayana Ambardekar, MD, “Hyperglycemia And Diabetes”
- Healthline, Arlene Semeco, MS, RD, “15 easy ways to lower blood sugar levels naturally”