7 nguyên nhân khiến bạn luôn cảm thấy đói và cách kiểm soát
Có khi nào mà bạn vừa ăn xong một bữa thật no nê nhưng chẳng lâu sau đó cái bụng đói lại sôi lên cồn cào? Trong bài viết đề cập đến 7 nguyên nhân khiến bạn thường xuyên bị Đói. Hãy theo dõi bài viết bên dưới nhé, sẽ có nhiều điều khá thú vị mà chắc chắn bạn chưa biết đấy!
>> Chế độ ăn cho bệnh nhân Đái tháo đường mắc bệnh tim mạch
>> Gợi ý thực đơn cho người suy thận Đái tháo đường (Tiểu đường)
1. Chế độ ăn uống không đủ chất
Khi bạn ăn uống không đủ các nhóm chất chính, bạn sẽ nhanh chóng có cảm giác đói. 3 nhóm chất chính bao gồm đạm (protein), lipid (chất béo) và đường (tinh bột).
1.1 Thiếu protein
Tiêu thụ đủ protein là điều quan trọng để kiểm soát sự thèm ăn. Protein có đặc tính giảm đói có thể giúp bạn tự động tiêu thụ ít calo hơn trong ngày.
Protein hoạt động bằng cách tăng sản xuất hormone báo hiệu no và giảm mức độ hormone kích thích cảm giác đói. Do những tác động này, bạn có thể cảm thấy đói thường xuyên nếu không ăn đủ protein. Những người có lượng protein cao hơn sẽ no lâu hơn và ít suy nghĩ về thức ăn hơn.
Có nhiều loại thực phẩm khác nhau có hàm lượng protein cao, vì vậy không khó để bạn đảm bảo đủ protein trong chế độ ăn uống của mình. Các sản phẩm động vật, chẳng hạn như thịt, gia cầm, cá và trứng chứa một lượng lớn protein. Protein cũng được tìm thấy trong một số sản phẩm từ sữa, sữa chua, một số thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, quả hạch, hạt và ngũ cốc nguyên hạt. [1]
1.2 Ít chất béo
Chất béo đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho bạn no lâu. Điều này một phần là do thời gian tiêu hoá đường chậm, có nghĩa là bạn sẽ mất nhiều thời gian hơn để tiêu hóa và đường sẽ lưu lại trong dạ dày trong thời gian dài.
Ngoài ra, việc tiêu thụ chất béo có thể dẫn đến việc giải phóng các hormone thúc đẩy cảm giác no khác nhau. Vì những lý do này, bạn có thể cảm thấy đói thường xuyên nếu chế độ ăn ít chất béo.
Có nhiều nhóm chất béo có lợi cho sức khỏe như nhóm triglyceride chuỗi trung bình và axit béo omega-3. Nguồn thực phẩm giàu nhóm triglyceride chuỗi trung bình gồm dầu dừa, trong khi axit béo omega-3 được tìm thấy trong các loại cá béo như cá hồi, cá ngừ và cá thu, đặc biệt nhiều ở da và gan cá.
Bạn cũng có thể được bổ sung omega-3 từ thực phẩm có nguồn gốc thực vật, như quả óc chó và hạt lanh. Các nguồn thực phẩm giàu chất béo lành mạnh khác bao gồm bơ, dầu ô liu, trứng và sữa nguyên kem.
2. Ngủ không đủ giấc
Ngủ đủ giấc đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe. Việc ngủ đủ giấc có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc một số bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim và ung thư.
Ngủ đủ giấc là một yếu tố giúp kiểm soát sự thèm ăn, nhờ việc giúp điều chỉnh ghrelin, hormone kích thích sự thèm ăn. Thiếu ngủ dẫn đến mức ghrelin cao hơn, đó là lý do tại sao bạn có thể cảm thấy đói nhiều hơn khi thiếu ngủ.
Ngoài ra, ngủ đủ giấc cũng giúp đảm bảo đủ lượng leptin, một loại hormone thúc đẩy cảm giác no. Để kiểm soát mức độ đói của bạn, thông thường bạn nên ngủ ít nhất 8 giờ liên tục mỗi đêm. [1]
3. Uống không đủ nước
Thông thường, con người không uống đủ nước và chỉ uống nước khi cảm thấy khát. Điều này khiến cơ thể gặp tình trạng thiếu nước. Vì vậy cần tập thói quen uống nước thường xuyên, kể cả khi bạn không khát.
Việc uống đủ nước mang lại nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm thúc đẩy sức khỏe của não, tim và tối ưu hóa hiệu suất tập thể dục. Ngoài ra, nước giữ cho làn da và hệ tiêu hóa của bạn khỏe mạnh. Uống nước cũng giúp dạ dày bạn căng và đầy, góp phần làm giảm cảm giác thèm ăn, đặc biệt uống trước bữa ăn.
Ngoài nguồn nước uống, bạn cũng có thể bổ sung nước bằng cách ăn nhiều thực phẩm giàu nước, bao gồm cả trái cây và rau quả, các món được chế biến như sinh tố, nước ép, sữa. [1]
4. Tập thể dục, vận động quá mức
Những người tập thể dục thường xuyên và cao độ sẽ đốt cháy nhiều calo. Đặc tính công việc và ngành nghề cũng đòi hỏi phải tiêu tốn một nguồn năng lượng lớn. Ví dụ như nghề nông dân, thợ mỏ hoặc những người làm việc trong các môi trường nóng bức như luyện kim, nhiệt điện…
Những người tập thể dục cường độ cao, yếu tố công việc nặng nhọc thường xuyên có xu hướng trao đổi chất nhanh hơn, đồng nghĩa với đốt cháy nhiều calo hơn.
Bạn có thể ngăn cơn đói quá mức do tập luyện hoặc công việc đơn giản bằng cách ăn nhiều hơn để cung cấp nhu cầu năng lượng của cơ thể. Tốt nhất bạn nên tăng cường ăn các loại thực phẩm giàu chất xơ, protein và chất béo lành mạnh. Một giải pháp khác là cắt giảm thời gian tập thể dục hoặc giảm cường độ tập luyện. [1] [2]
5. Căng thẳng tinh thần
Nếu đang bận rộn và căng thẳng, bạn có xu hướng dễ bị đói và có thể thường xuyên ăn vặt khi đang phân tâm. Điều này chủ yếu do cảm giác căng thẳng làm tăng mức độ cortisol – loại hormone đã được chứng minh là thúc đẩy cảm giác đói và thèm ăn.
Đặc biệt khi stress, bạn có xu hướng tìm đến những món ăn nhiều đường và những đồ ăn không lành mạnh (như khoai tây chiên, bánh quy, các đồ ăn nhanh nhiều dầu mỡ, các đồ ăn vặt…). Có nhiều cách có thể giúp bạn giảm mức độ căng thẳng của mình. Một số lựa chọn bao gồm tập thể dục, tham gia hoạt động thể chất, tập yoga và hít thở sâu. [1][2]
6. Ăn uống thiếu khoa học
Việc tiêu thụ quá nhiều chất đường bột đã tinh luyện, trong khi đó lại ăn ít các loại chất xơ, vitamin và khoáng chất làm bạn nhanh đói. Sử dụng bia rượu và đồ uống có cồn thường xuyên, cũng như dùng những thức ăn đơn giản như cháo và thức ăn nhuyễn thay vì thức ăn đặc cũng gây ra cảm giác đói cồn cào.
Mì ống, bánh mì, kẹo, nước ngọt, bánh nướng… là những thực phẩm rất giàu đường bột đã tinh luyện lại dễ dàng tìm thấy. Cơ thể dễ hấp thụ chất này nhất nên bạn sẽ nhanh chóng trở về cảm giác đói.
Chất xơ đóng vai trò như chất đệm, làm căng đầy các khoang trong ruột, làm thức ăn tiêu hóa chậm rãi và từ từ, giúp bạn no lâu hơn. Khi ăn thiếu chất xơ, thức ăn sẽ được tiêu hóa nhanh hơn và bạn nhanh đói hơn. [1][2]
7. Bệnh Đái tháo đường không được kiểm soát
Đói thường xuyên là một dấu hiệu của bệnh Đái tháo đường, xảy ra do lượng đường trong máu quá cao và thường đi kèm với các triệu chứng khác, bao gồm khát nước quá mức, giảm cân và mệt mỏi. Khi bạn thường xuyên có cảm giác đói, bạn nên kiểm tra đường huyết. Việc phát hiện sớm và kiểm soát tốt Đái tháo đường sẽ giúp bạn kiểm soát cảm giác đói.
Hạ đường huyết hoặc lượng đường trong máu thấp cũng có thể làm tăng mức độ đói. Hạ đường huyết cũng có liên quan đến bệnh đái tháo đường type 2, đặc biệt khi bạn kiểm soát đường huyết không tốt hoặc liên quan các bệnh khác như cường giáp và suy thận.[1][2]
Liệu bạn có đang mắc bệnh Đái tháo đường? Mời bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết qua video ngắn nhé:
Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc đã hiểu được vì sao bạn mau chóng đói và thèm ăn. Điều quan trọng, việc thường xuyên đói và mệt mỏi là dấu hiệu của bệnh Đái tháo đường, một bệnh lý nguy hiểm. Việc kiểm tra đường huyết sẽ giúp bạn phát hiện sớm và kiểm soát được bệnh Đái tháo đường.
Nguồn tham khảo:
- Healthline, “14 Reasons Why You’re Always Hungry”=
- Tehmina Amin và Julian G. Mercer, “Hunger and Satiety Mechanisms and Their Potential Exploitation in the Regulation of Food Intake”