Luôn khát nước – Dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo Đái tháo đường

Luôn khát nước hay muốn uống nước thường xuyên chính là một trong những dấu hiệu cảnh báo bệnh Đái tháo đường. Tuy nhiên, hầu hết mọi người thường không chú ý tới dấu hiệu này. Dấu hiệu này cảnh báo bệnh Đái tháo đường như thế nào? Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu về triệu chứng này để rõ hơn vì sao bệnh Đái tháo đường lại gây ra khát nước nhé!

>> 4 điều bệnh nhân Đái tháo đường cần tránh

>> Nhiễm trùng da – “Kẻ thù ẩn mình” của bệnh nhân Đái tháo đường

Khát nước thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo bệnh Đái tháo đường 4
Khát nước thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo bệnh Đái tháo đường

1. Vì sao Đái tháo đường gây khát nước?

Khát nước quá mức là một triệu chứng đặc trưng của bệnh Đái tháo đường. Dấu hiệu này có liên quan đến một triệu chứng Đái tháo đường phổ biến khác đó là đi tiểu nhiều hơn bình thường hay còn gọi là đa niệu. (2)

Cảm giác khát khi mất nước là điều bình thường. Dấu hiệu này có thể xảy ra bởi vì:

  • Không uống đủ nước
  • Đổ mồ hôi quá nhiều
  • Ăn thức ăn rất mặn hoặc quá cay nóng

Tuy nhiên, bệnh Đái tháo đường không được kiểm soát có thể khiến người bệnh luôn cảm thấy khô họng, luôn muốn uống nước mà không rõ lý do. (2)

Khi người bệnh Đái tháo đường, cơ thể của họ không thể sử dụng đường từ thức ăn một cách bình thường. Điều này làm cho đường tích tụ trong máu. Lượng đường trong máu cao khiến cho thận phải hoạt động nhiều hơn bình thường để loại bỏ lượng đường dư thừa. (2)

Khát nước thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo bệnh Đái tháo đường 3
Người bệnh Đái tháo đường thường xuyên có cảm giác khát

Khi ấy, thận cần phải tạo ra nhiều nước tiểu hơn để đào thải lượng đường dư thừa ra khỏi cơ thể. Người bệnh sẽ phải đi tiểu nhiều hơn. Tình trạng này làm cho cơ thể sử dụng nhiều nước hơn, thậm chí còn rút nước ra từ mô của cơ thể để giúp loại bỏ lượng đường thừa. (2)

Chính những điều này có thể khiến người bệnh cảm thấy khát vì mất nhiều nước. Bộ não sẽ yêu cầu người bệnh uống nhiều nước hơn. Song song với tình trạng ấy, người bệnh sẽ bị kích thích đi tiểu nhiều hơn. Chu kỳ đi tiểu và khát nước của người bệnh Đái tháo đường sẽ tiếp tục nếu lượng đường trong máu của người bệnh không được cân bằng. (2)

2. Cách xử lý khi bị khát nước do đái tháo đường

Nếu bệnh Đái tháo đường là nguyên nhân khiến người bệnh thường xuyên có cảm giác khát, hãy bắt đầu kế hoạch điều trị bệnh Đái tháo đường để kiểm soát tình trạng này. (1)

2.1 Sử dụng thuốc kiểm soát lượng đường huyết

Đối với Đái tháo đường tuýp 1, người bệnh sẽ bắt buộc sử dụng insulin dạng tiêm dưới da mỗi ngày. Liều dùng sẽ được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa. (1)

Khát nước thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo bệnh Đái tháo đường 2
Thuốc insulin được sử dụng để tiêm dưới da

Đối với Đái tháo đường tuýp 2, người bệnh sẽ sử dụng thuốc điều trị Đái tháo đường bằng đường uống. Một số nhóm thuốc điều trị Đái tháo đường tuýp 2 phổ biến như:

  • Sulfonylurea
  • Biguanid
  • Thuốc ức chế men Alpha-glucosidase
  • Thiazolidinedione
  • Meglitinides
  • Thuốc ức chế men DiPeptidyl Peptidase 4
  • Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1
  • Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose SGLT2

2.2 Giảm cân nặng

Nếu bạn đang thừa cân, béo phì thì bạn cần phải giảm cân bằng cách tập luyện thể dục và kiểm soát chế độ ăn uống. Chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index) của cơ thể nên dưới 23 kg/m2. (1)

2.3 Thay đổi lối sống và chế độ ăn uống

Đây là một trong những biện pháp hỗ trợ ổn định lượng đường trong máu ở những bệnh nhân Đái tháo đường. Những khuyến cáo trong thay đổi lối sống bao gồm:

  • Luyện tập thể dục thể thao đều đặn, từ bỏ lối sống tĩnh tại, ít vận động
  • Từ bỏ thói quen hút thuốc lá
  • Hạn chế tối đa rượu bia và các thức uống có cồn
  • Hạn chế thức ăn chứa nhiều đường và tinh bột như: bánh ngọt, bánh mì, kẹo ngọt, nước ngọt có gas…
  • Tăng cường trái cây ít ngọt, rau xanh và những thực phẩm giàu chất xơ (1)
Khát nước thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo bệnh Đái tháo đường 1
Người bệnh Đái tháo đường nên tăng cường ăn trái cây ít ngọt

3. Dấu hiệu cảnh báo Đái tháo đường

Bên cạnh dấu hiệu khát nước, những dấu hiệu sau đây cũng cảnh báo bạn có nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường:

3.1 Dấu hiệu sớm

  • Thường xuyên có cảm giác đói bụng và mệt mỏi
  • Đi tiểu thường xuyên hơn bình thường
  • Khô miệng và ngứa da
  • Nhìn mờ

Đối với bệnh Đái tháo đường tuýp 2, dấu hiệu sớm có thể bao gồm triệu chứng đặc trưng như: Nhiễm nấm, vết loét chậm lành, đau hoặc tê ở các đầu ngón tay, ngón chân. Đối với bệnh Đái tháo đường tuýp 1, dấu hiệu sớm đặc trưng bao gồm: Sụt cân nhanh chóng ngoài kế hoạch, buồn nôn và ói mửa. (3)

Khát nước thường xuyên là dấu hiệu cảnh báo bệnh Đái tháo đường
Nhìn mờ là một trong những dấu hiệu sớm của bệnh Đái tháo đường

3.2 Dấu hiệu muộn

Giai đoạn này khi đã xuất hiện những biến chứng bao gồm:

  • Vết loét hoặc vết thương chậm lành, ăn sâu vào cơ và xương
  • Ngứa da (thường quanh vùng âm đạo hoặc bẹn)
  • Thường xuyên bị nhiễm nấm do sức đề kháng suy giảm
  • Gặp những thay đổi về da (Da sẫm màu ở cổ, nách và bẹn, được gọi là dấu gai đen)
  • Tê, ngứa ran bàn tay và bàn chân
  • Giảm thị lực
  • Bất lực hoặc rối loạn cương dương (3)

Hy vọng qua bài viết này, bạn đọc sẽ hiểu được vì sao luôn khát nước là dấu hiệu nguy hiểm cảnh báo bệnh Đái tháo đường, cũng như cách hạn chế triệu chứng này. Ngày Đầu Tiên đã cung cấp thêm thông tin những dấu hiệu khác cảnh báo bệnh Đái tháo đường để đi khám và được điều trị kịp thời.

Liệu bạn có đang mắc bệnh Đái tháo đường? Mời bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu các dấu hiệu nhận biết qua video ngắn nhé:

Bạn có mắc đái tháo đường? Những dấu hiệu nhận biết

Nguồn tham khảo:

  1. Healthline, “Diabetes Thirst: The Reason You Feel so Parched”
  2. WebMD, “Early Signs and Symptoms of Diabetes”
  3. WebMD, “Diabetic Thirst: What Is It and How Can You Fix It?”
Các bài viết liên quan
Các kiến thức đọc nhiều
Các kiến thức nổi bật

Có thể bạn quan tâm

HƯỞNG ỨNG NGÀY ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THẾ GIỚI 14/11
“Diabetes and well – being”, tạm dịch ”Sống khỏe cùng bệnh Đái tháo đường” là chủ đề của ngày Đái tháo đường Thế giới năm 2024.   Đái tháo đường là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa có đặc điểm tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động củaorange
Xem thêm
Các típ giúp bạn chuẩn bị cho tái khám
Nâng cao tiếng nói của Bệnh nhân” không còn là một khái niệm xa lạ trên thế giới. Thông qua thông điệp  “Nâng cao tiếng nói của bệnh nhân”, WHO kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện hành động cần thiết để đảm bảo rằng bệnh nhân được tham gia vào việcorange
Xem thêm
Chế độ ăn uống tránh biến chứng do đường huyết cao
0:00 / 0:00 Các biến chứng của bệnh đái tháo đường  Biến chứng mạch máu do đái tháo đường (ĐTĐ) được chia ra 2 loại: biến chứng mạch máu lớn như: bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại vi và đột quỵ; biến chứng mạch máu nhỏ như: bệnh cầu thận, bệnh thần kinh,orange
Xem thêm