Đi tiểu có kiến bu – Có phải bạn đã mắc bệnh Đái tháo đường?
Đái tháo đường là bệnh lý chuyển hóa có nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng ở tim mạch, mắt, thận và thần kinh. Chính vì vậy, việc nhận biết và chẩn đoán sớm bệnh Đái tháo đường là vô cùng quan trọng. Nước tiểu có kiến bu có phải là dấu hiệu cảnh báo bạn cần quan tâm? Nhận biết sớm Đái tháo đường như thế nào và phòng ngừa bệnh lý này ra sao? Tất cả sẽ được đề cập trong bài viết dưới đây.
>> Những điều cần biết về biến chứng thần kinh ngoại biên ở người bệnh Đái tháo đường
>> Những ai nên đi kiểm tra Đái tháo đường?
1. Nguyên nhân khiến nước tiểu có kiến bu
Rất nhiều người hốt hoảng cho rằng: “Nước tiểu của tôi có kiến bu nghĩa là tôi bị Đái tháo đường. Không nghi ngờ gì nữa tôi cần phải điều trị ngay”
Quan niệm này đúng sai như thế nào?
Thực chất, nước tiểu bị kiến bu có nhiều nguyên nhân:
a. Đái tháo đường
Đường trong nước tiểu chỉ xuất hiện khi đường trong máu lớn hơn hoặc bằng 180mg% (1). Nghĩa là, đối với bệnh nhân Đái tháo đường, đường huyết sẽ ở mức cao hơn khả năng tái hấp thu của thận. Khi đó, lượng đường vượt ngưỡng sẽ bị bài tiết cùng với nước tiểu. Đường trong nước tiểu chính là nguyên nhân thu hút kiến. Trường hợp này được chẩn đoán là mắc bệnh Đái tháo đường.
b. Chức năng thận bị tổn thương
Đường huyết không cao, tuy nhiên do thận bị tổn thương nên không đủ khả năng tái hấp thu hết toàn bộ lượng đường trong máu. Chính vì vậy, đường vẫn bị bài tiết qua nước tiểu. Điều này khiến kiến có thể bâu quanh nước tiểu nhưng nguyên nhân không phải là do Đái tháo đường. Một số trường hợp rối loạn chức năng ống thận có thể kể đến như bệnh toan hóa ống thận, có thai, trẻ đẻ non.
c. Các chất tiết khác trong nước tiểu
Không phải chỉ có mỗi đường làm kiến bị thu hút. Có rất nhiều chất tiết khác cũng là nguyên nhân khiến nước tiểu có kiến bu. Chẳng hạn như nhiễm khuẩn tiết niệu sinh dục hoặc các chất tiết đường sinh dục làm nước tiểu có bạch cầu, hồng cầu, chất đạm. Chính vì vậy, hiện nay, y học không sử dụng đường niệu làm tiêu chuẩn chẩn đoán Đái tháo đường.
2. Dấu hiệu cảnh báo Đái tháo đường
Đa số triệu chứng của Đái tháo đường đều xuất phát từ việc đường máu tăng cao. Trong đó, 4 dấu hiệu điển hình quan trọng nhất được tóm tắt bằng triệu chứng “4 nhiều” như sau:
a. Tiểu nhiều
Một người trung bình thường phải đi tiểu từ 4 đến 7 lần một ngày. Tuy vậy, bệnh nhân Đái tháo đường lại đi tiểu nhiều hơn hẳn. Thông thường, cơ thể bạn tái hấp thu glucose khi nó được vận chuyển qua thận. Nhưng khi mắc bệnh Đái tháo đường, lượng đường huyết của bạn bị đẩy lên quá cao, khi đó thận không thể tái hấp thu hoàn toàn. Hệ quả là bệnh nhân sẽ tiểu nhiều và nước tiểu dễ bị kiến bu.
b. Uống nhiều
Đôi khi bạn sẽ cảm thấy khát ngay sau khi mới uống nước xong. Điều này là do cơ thể bài tiết nước tiểu nhiều nên sẽ liên tục kích thích cảm giác khát nước. Đái tháo đường cũng sẽ dẫn đến tình trạng mất nước và khiến bạn uống nhiều nước hơn để bù lượng nước đã mất.
c. Ăn nhiều, mệt mỏi, suy nhược cơ thể
Một trong những dấu hiệu cảnh báo Đái tháo đường rõ ràng nhất chính là bạn luôn có cảm giác đói. Những cơn đói dữ dội và kéo dài khiến bạn thèm ăn liên tục. Mặc dù ăn nhiều nhưng bạn lại cảm giác thiếu sức sống, không đủ năng lượng để học tập, làm việc.
Thực tế, cơ thể của bạn sẽ chuyển hóa thực phẩm mà bạn ăn thành glucose và các tế bào trong cơ thể sẽ sử dụng lượng glucose này để tạo ra năng lượng. Để làm được việc đó, cơ thể cần insulin. Đối với ngườimắc bệnh Đái tháo đường, insulin trong cơ thể bị thiếu hụt hoặc hoạt động không hiệu quả. Điều này làm glucose không thể đi vào tế bào, tế bào bị đói còn bạn thì không đủ năng lượng để duy trì hoạt động. Hệ quả là bạn sẽ cảm thấy đói và mệt mỏi hơn nhiều so với bình thường.
d. Gầy nhiều, sụt cân nhanh
Người mắc bệnh Đái tháo đường ăn nhiều nhưng vẫn sụt cân nhanh là do các mô trong cơ thể không nhận được năng lượng từ nguồn thức ăn mà lấy năng lượng dự trữ từ mô mỡ, mô cơ.
Các dấu hiệu điển hình này khá thường gặp ở bệnh nhân Đái tháo đường type I. Đối với Đái tháo đường type II, những dấu hiệu cảnh báo có thể rất nhẹ nên bạn có thể chủ quan và không để ý tới. Một số người thậm chí không nhận ra mình mắc bệnh cho đến khi họ bị những tổn thương do Đái tháo đường lâu ngày gây ra, biểu hiện bằng các triệu chứng của biến chứng: (2)
- Hay nổi mụn nhọt
- Tê chân tay
- Viêm lợi
- Viêm âm đạo dai dẳng
- Mờ mắt sớm trước 50 tuổi
3. Cách phòng ngừa Đái tháo đường
- Nếu bạn bị béo phì, hãy giảm cân bằng chế độ ăn giảm calo
- Nên ăn nhiều rau, quả và ngũ cốc nguyên hạt, giảm bớt tinh bột, các thức ăn có nguồn gốc động vật và thay thế bằng các thức ăn có nguồn gốc thực vật như các loại đậu, lạc…
- Hạn chế thức uống có đường (3)
- Tăng cường tập luyện thể lực (đi bộ, chạy, bơi). Tăng cường vận động trong sinh hoạt hàng ngày như đi bộ, tránh dùng xe máy khi không thật cần thiết…
- Hạn chế uống rượu
- Bỏ hút thuốc lá
- Tầm soát Đái tháo đường mỗi 1 – 3 năm với đối tượng từ 45 tuổi không có dấu hiệu cảnh báo (4)
Bên cạnh những thắc mắc về việc đi tiểu kiến bu, bệnh nhân Đái tháo đường vẫn còn rất nhiều những thắc mắc khác cần được giải đáp. Cùng xem những thắc mắc trong video dưới đây, biết đâu bạn lại tìm được câu trả lời cho những câu hỏi của mình.
Nếu có những triệu chứng nghi ngờ, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và chẩn đoán chính xác Đái tháo đường bạn nhé. Bên cạnh đó, việc thực hiện lối sống lành mạnh sẽ giúp bạn phòng ngừa căn bệnh mang lại nhiều biến chứng nguy hiểm này.
Nguồn tham khảo:
- Harrison’s Principles of Internal Medicine, Braunward, Fauci, et al, 15th ed, 2007.
- Bộ Y tế – Cục Y tế dự phòng, “Quản lý bệnh đái tháo đường”
- Bộ Y tế – Cục Y tế dự phòng, “Ăn giảm muối và giảm đường để phòng bệnh không lây nhiễm”
- Cục Y Tế Dự Phòng, “Giảm muối và giảm đường để phòng bệnh không lây nhiễm”