Trẻ em liệu có bị Đái tháo đường hay không?
Đái tháo đường ở trẻ em thường là đái tháo đường tuýp 1 (ĐTĐ T1) xảy ra khi cơ thể của trẻ không sản xuất được hoặc sản xuất rất ít insulin – là một nội tiết tố giúp điều chỉnh lượng đường trong cơ thể . Đái tháo đường tuýp 1 còn gọi là đái tháo đường phụ thuộc Insulin. Trẻ em mắc tình trạng này cần theo dõi và kiểm soát lượng đường huyết chặt chẽ, để đảm bảo an toàn cho sức khỏe và sự phát triển thể chất.
Bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu thông tin, các dấu hiệu nhận biết trẻ bị Đái tháo đường túy1 n ở trẻ em!
1. Đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em
Cơ thể hoạt động cần cung cấp nguồn năng lượng từ glucose. Glucose được hấp thu sẽ theo dòng máu đến các cơ quan để vận chuyển vào tế bào. Insulin là nội tiết tố do tuyến tụy sản xuất đóng vai trò vận chuyển đường vào trong tế bào để tạo năng lượng. Insulin hoạt động giống như “chiếc chìa khóa” mở ra các cánh cửa dẫn đến các tế bào và đưa glucose vào. Nếu không có insulin, glucose sẽ không thể đi vào các tế bào và ở lại trong máu. Kết quả là lượng đường trong máu cao hơn bình thường.
Đái tháo đường tuýp 1 xảy ra khi tuyến tụy không sản xuất hoặc tạo ra quá ít lượng insulin, dẫn đến tình trạng lượng đường “mắc kẹt” lại trong máu cao. Đường huyết cao gây hại cho cơ thể và gây ra nhiều triệu chứng, biến chứng. Tình trạng này có thể gây tổn hại cho mạch máu và dây thần kinh. Ngoài ra còn có thể gây tổn thương cho mắt, thận và tim.
Nguyên nhân gây ra Đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ em có thể do:
- Rối loạn tự miễn: có nghĩa là khi hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công và phá hủy các tế bào tạo ra insulin (tế bào beta tuyến tụy). Quá trình này có thể diễn ra trong nhiều tháng hoặc nhiều năm trước khi bất kỳ triệu chứng nào xuất hiện.
- Di truyền: Một số người có một số gen nhất định (đặc điểm di truyền từ cha mẹ sang con cái) khiến trẻ có nhiều khả năng mắc tình trạng Đái tháo đường tuýp 1. Tuy nhiên không phải bất cứ ai mang gen gây bệnh đều mắc phải tình trạng này.
- Tác nhân môi trường: Việc tiếp xúc với tác nhân gây bệnh trong môi trường, chẳng hạn như virus, cũng được cho là một phần trong việc gây ra tình trạng này. Chế độ ăn uống và thói quen lối sống không gây ra tình trạng Đái tháo đường tuýp 1.
Trẻ bị Đái tháo đường tuýp 1 thường chiếm 5 – 10% trường hợp mắc bệnh. Độ tuổi xuất hiện triệu chứng có thể ngay khi mới sanh hoặc giai đoạn 4 – 6 tuổi, 10 – 14 tuổi hoặc thanh thiếu niên dưới 20 tuổi.
2. Dấu hiệu nhận biết Đái tháo đường ở trẻ em
Có thể mất vài tháng hoặc vài năm trước khi các triệu chứng của bệnh Đái tháo đường ở trẻ xuất hiện. Nhưng tốc độ phát triển các triệu chứng chỉ trong vài tuần hoặc vài tháng. Một khi các triệu chứng xuất hiện, có nghĩa rằng tình trạng có thể bắt đầu trở nên nghiêm trọng.
Các triệu chứng Đái tháo đường tuýp 1 ở trẻ có thể bao gồm:
- Mất nước, khát nước bất thường
- Đi tiểu thường xuyên
- Đói thường xuyên nhưng cân nặng giảm
- Chán ăn
- Giảm thị lực
- Đau bụng, buồn nôn và ói mửa
- Suy nhược và mệt mỏi
- Khó chịu và thay đổi tâm trạng
- Phát ban nghiêm trọng (có thuyên giảm khi điều trị)
- Hơi thở có mùi trái cây và thở nhanh
- Nhiễm nấm ở bé gái
Bạn có thể hỗ trợ trẻ và ngăn ngừa các biến chứng ở trẻ em bị Đái tháo đường tuýp 1 bằng các biện pháp như:
- Theo dõi và kiểm soát lượng đường trong máu thường xuyên bằng các biện pháp tại nhà và tại phòng khám.
- Theo dõi các dấu hiệu biến chứng và các vấn đề sức khỏe khác liên quan đến bệnh Đái tháo đường
- Giúp trẻ dùng thuốc theo đúng toa của bác sĩ và tái khám thường xuyên. Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh, đặc biệt chú ý đến lượng đường, tinh bột trong thực phẩm và thời gian của các bữa ăn.
- Tập thể dục thường xuyên (giúp kiểm soát lượng đường huyết và tránh một số vấn đề sức khỏe lâu dài mà Đái tháo đường có thể gây ra như bệnh tim)
Việc chung sống cùng với bệnh Đái tháo đường trong thời gian dài đôi khi vô hình chung sẽ gây áp lực về tâm lý và thể chất cho trẻ. Do đó, cha mẹ cần có sự hiểu biết đầy đủ và quan tâm chăm sóc cho trẻ hợp lý. Đồng thời lưu ý những dấu hiệu, triệu chứng bệnh của trẻ và liên hệ ngay cho bác sĩ khi gặp bất thường.
SERV-NDT-DIAB-02-06-2023
Nguồn tham khảo:
1. Type 1 Diabetes: What Is It? (for Kids) – Nicklaus Children’s Hospital (SX/BC off) (kidshealth.org)
2. Type 1 Diabetes Mellitus in Children (stanfordchildrens.org)