Tiểu đường thai kỳ: Triệu chứng và phòng ngừa các mẹ bầu cần biết
Tiểu đường (Đái tháo đường) thai kỳ là tình trạng Đái tháo đường xuất hiện trong thời gian mang thai và thường biến mất trong thời kỳ hậu sản. Vậy nguyên nhân gây ra Tiểu đường thai kỳ là gì? Sự ảnh hưởng của Tiểu đường thai kỳ? Cách nhận biết, phòng tránh và điều trị như thế nào? (1) Bạn hãy cùng Ngày đầu tiên tìm hiểu nhé!
>>> Cẩm nang cần biết và cần tránh cho mẹ bầu khi mang thai 3 tháng đầu
>>> Tiểu đường thai kỳ: Triệu chứng và cách phòng ngừa các mẹ bầu cần biết
1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Đái tháo đường thai kỳ là một loại Đái tháo đường đặc biệt, được chẩn đoán lần đầu tiên khi bệnh nhân đang mang thai.
Chỉ số chẩn đoán đường huyết thai kỳ thường thấp hơn so với khi chẩn đoán ở những đối tượng không mang thai. Điều này giúp bác sĩ quan tâm và kiểm soát đường huyết của thai phụ kỹ lưỡng hơn, giúp đảm bảo an toàn sức khỏe.
2. Sự ảnh hưởng của bệnh Đái tháo đường lên thai kỳ
Bệnh Đái tháo đường thai kỳ có thể ảnh hưởng đến trẻ được sinh ra và người mẹ.
2.1. Ảnh hưởng đến trẻ được sinh ra
Nếu bạn bị tiểu đường thai kỳ, trẻ được sinh ra có thể tăng nguy cơ:
- Trọng lượng của trẻ nặng > 4kg
Lượng đường trong máu cao hơn bình thường ở người mẹ có thể khiến thai nhi phát triển quá lớn. Trẻ sơ sinh lớn dẫn đến có nhiều khả năng bị chèn ép trong đường sinh, trẻ có thể bị chấn thương khi đang sinh hoặc cần sinh mổ.
- Sinh non (thiếu tháng)
Lượng đường trong máu cao có thể làm tăng nguy cơ chuyển dạ sớm và sinh con trước ngày dự sinh. Hoặc bác sĩ có thể khuyến nghị sinh sớm vì kích thước em bé quá lớn.
- Suy hô hấp (trẻ khó thở hoặc không thở được)
Trẻ sinh non từ những người mẹ bị tiểu đường thai kỳ có thể gặp phải hội chứng suy hô hấp – một tình trạng gây khó thở.
- Lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết)
Đôi khi trẻ sinh ra khi có người mẹ bị tiểu đường thai kỳ có lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết) ngay sau khi sinh. Những đợt hạ đường huyết nặng có thể gây co giật cho bé. Trường hợp này cần được cho bú nhanh chóng và đôi khi truyền dung dịch đường vào máu để đưa lượng đường huyết của trẻ trở lại bình thường.
- Nguy cơ béo phì và mắc bệnh Đái tháo đường tuýp 2
Trẻ được sinh ra có nguy cơ cao mắc bệnh béo phì và tiểu đường tuýp 2 sau này.
- Thai chết lưu
Tiểu đường thai kỳ không được điều trị có thể dẫn đến cái chết của em bé trước hoặc ngay sau khi sinh.
2.2. Ảnh hưởng đến người mẹ
- Tăng huyết áp và tiền sản giật
Thai phụ bị tiểu đường thai kỳ tăng nguy cơ bị Tăng huyết áp và tiền sản giật (bệnh lý do bánh nhau gây ra) trong thời gian mang thai.
- Cần sinh mổ
Các thai phụ bị Đái tháo đường thai kỳ có thể cần mổ lấy thai vì bé quá to, không thể sinh thường.
- Nguy cơ cao bị Đái tháo đường tuýp 2 sau này (2)
3. Cách chẩn đoán và điều trị Đái tháo đường thai kỳ
Thai phụ thường không có một biểu hiện triệu chứng nào bất thường. Do đó, hầu hết mọi trường hợp Đái tháo đường thai kỳ được chẩn đoán nhờ việc đo chỉ số đường huyết.
4. Điều trị khi bị Đái tháo đường thai kỳ
Mục đích của điều trị đái tháo đường thai kỳ (ĐTĐTK) là phòng tránh các tác động bất lợi của tăng đường huyết đối với mẹ và con trong thai kỳ cũng như về lâu dài sau khi mẹ sinh con, đồng thời vẫn đảm bảo được sự tăng trưởng và sự phát triển bình thường của thai.
Chỉ số | Mục tiêu |
HbA1c | < 6% |
Đường huyết đói | < 95 mg/dL (5,3 mmol/L), VÀ |
Đường huyết sau ăn | |
Đường huyết sau ăn 01 giờ | < 140 mg/dL (7,8 mmol/L), HOẶC |
Đường huyết sau ăn 02 giờ | < 120 mg/dL (6,7 mmol/L) |
- HbA1c được đo mỗi lần một tháng. Lý tưởng nhất, mục tiêu A1C trong thai kỳ là, 6% (42 mmol / mol) mà không cần bị hạ đường huyết đáng kể, nhưng mục tiêu có thể được nới lỏng khoảng 7% (53mmol / mol) nếu cần để ngăn ngừa hạ đường huyết
- Đường huyết cần được đo vào lúc đói trước ăn sáng và sau 3 bữa ăn. Có thể chọn glucose huyết sau ăn 1 hoặc 2 giờ tùy theo sự thuận tiện của bạn. Glucose huyết trước bữa ăn kế tiếp có thể cần theo dõi thêm ở BN có tiêm insulin nhanh trước bữa ăn. Nếu glucose đạt mục tiêu ổn định, có thể giảm bớt số lần đo glucose máu.
4.1. Chế độ ăn và luyện tập khi mắc đái tháo đường thai kỳ
80-90% thai phụ bị ĐTĐTK có thể kiểm soát đường huyết bằng chế độ ăn và luyện tập.
Cần tránh tăng cân quá mức trong thời kỳ mang thai đối với phụ nữ ĐTĐ thai kỳ. Sự tăng cân khi mang thai phụ thuộc vào chỉ số BMI trước khi mang thai:
• Tăng 12,5–18 kg đối với phụ nữ nhẹ cân (BMI <18,5 kg / m2)
• Tăng 11,5–16 kg đối với cân nặng bình thường (BMI 18,5–24,9 kg / m2)
• Tăng 7–11,5 kg đối với người thừa cân (BMI 25–29,9 kg / m2)
• Tăng 5–9 kg đối với người béo phì (BMI ≥30,0 kg / m2)
Hoạt động thể lực giúp cải thiện kiểm soát đường huyết ở phụ nữ có đái tháo đường thai kỳ. Thường được chấp nhận với khuyến nghị là tập thể dục đều đặn hàng ngày cường độ vừa phải (đi bộ 30 phút / ngày hoặc hơn — nếu không có chống chỉ định sản khoa)
4.2. Thuốc điều trị khi đái tháo đường thai kỳ
Ở Việt Nam cũng như hầu hết các nơi khác trên thế giới insulin là duy nhất được chính thức chấp thuận cho điều trị tăng đường huyết ở phụ nữ mang thai mắc ĐTĐ.
Các chế phẩm insulin được chấp thuận gồm tất cả các insulin người (insulin tác dụng ngắn, insulin tác dụng trung gian – NPH và insulin trộn), các insulin analog tác dụng nhanh aspart và lispro (và các insulin trộn tương ứng aspart + aspart protamin, lispro + lispro protamin), insulin tác dụng kéo dài levemir.
Khi đường huyết không đạt mục tiêu điều trị sau khi áp dụng điều trị dinh dưỡng và luyện tập trong 1 – 2 tuần bác sỹ sẽ thảo luận với bạn để bắt đầu điều trị thêm insulin.
Chế độ và liều insulin sẽ được căn cứ vào đặc điểm (thời điểm tăng) và mức tăng đường huyết, tình trạng kháng insulin của bạn để có phác đồ tiêm phù hợp nhất. Bạn cần tuân thủ chế độ tiêm theo đúng hướng dẫn của bác sỹ (1)
5. Phòng ngừa Đái tháo đường thai kỳ
Các cách phòng ngừa Đái tháo đường thai kỳ bao gồm:
– Ăn uống thực phẩm ít ảnh hưởng đến đường huyết: nhưng vẫn cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể như ngũ cốc nguyên hạt, trái cây và các loại hạt.
– Hoạt động thể lực thường xuyên với mức độ phù hợp: Mỗi một giai đoạn mang thai sẽ có những bài tập luyện phù hợp với mục tiêu hoạt động tối thiểu 30 phút mỗi ngày
– Giảm cân trước khi mang thai: Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ của Đái tháo đường thai kỳ.
– Tăng cân ở mức độ cho phép của bác sĩ: Ở từng nhóm đối tượng sẽ có một mục tiêu tăng cân khác nhau, hãy hỏi bác sĩ của bạn để nhận lời khuyên chi tiết.
Hoạt động thể lực rất cần thiết cho mẹ bầu mắc bệnh Đái tháo đường thai kì. Nhưng bạn có biết những lưu ý khi tập thể dục là gì không? Hãy cùng tìm hiểu qua video ngắn sau đây nhé:
Mong rằng bài viết ngắn gọn này mang cho bạn nhiều kiến thức căn bản về Đái tháo đường thai kỳ. Bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên kiểm soát chế độ ăn, hoạt động thể lực và cân nặng để phòng ngừa căn bệnh này nhé!
Nguồn tham khảo:
1. NATURE REVIEWS, Disease Primers,Article citation ID: (2019) 5:47: Gestational diabetes mellitus.
2. Mayoclinic, “Gestational diabetes”
3. BỘ Y TẾ VỤ SỨC KHỎE BÀ MẸ – TRẺ EM, HƯỚNG DẪN QUỐC GIA DỰ PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT ĐÁI THÁO ĐƯỜNG THAI KỲ (Ban hành kèm theo Quyết định số 6173 /QĐ-BYT ngày 12 /10/2018 của Bộ trưởng Bộ Y tế)