Bệnh lý béo phì ở trẻ em do Đái tháo đường thai kỳ
Đái tháo đường thai kỳ và béo phì ở trẻ em có mối liên quan với nhau, dẫn tới nguy cơ cho cả mẹ và bé trong ngắn hạn và dài hạn. Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu về bệnh lý béo phì ở trẻ em do Đái tháo đường thai kì thông qua bài viết sau đây.
>>> Béo phì có phải là nguyên nhân gây Đái tháo đường hay không?
>>> Tiểu đường thai kỳ: Triệu chứng và cách phòng ngừa các mẹ bầu cần biết
1. Đái tháo đường thai kỳ là gì?
Bệnh Đái tháo đường thai kì là tình trạng liên quan đến tăng glucose huyết tương của mẹ, làm tăng nguy cơ xuất hiện các bất thường trong thai kì.
Theo Tổ chức Y tế thế giới, tăng glucose huyết tương được phát hiện lần đầu khi có thai được phân loại thành 2 nhóm là Đái tháo đường mang thai (Diabetes in pregnancy) và đái tháo đường thai kì (Gestational Diabetes Mellitus). Đái tháo đường mang thai hay còn gọi là đái tháo đường rõ có mức đường máu đạt mức chuẩn đoán ĐTĐ tiêu chuẩn, trong khi ĐTĐ thai kì có mức glucose huyết tương thấp hơn.
2. Nguy cơ về béo phì ở trẻ em do Đái tháo đường thai kì
Việc tầm soát Đái tháo đường hiện tại đang được khuyến cáo ở tuần 24 – 28 của thai kì. Một nghiên cứu của Đại học Cambridge được đăng tải trên tạp chí Diabetes Care phát hiện ra rằng bào thai của những người sau đó được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ đã phát triển quá mức trước khi chẩn đoán, từ khoảng 20 đến 28 tuần.
Do đó, tại thời điểm chẩn đoán, các em bé đều đã phát triển quá mức. Những phát hiện của nhóm nghiên cứu cho thấy rằng sự khởi đầu của rối loạn tăng trưởng thai nhi do Đái tháo đường ở mẹ xảy ra trước thời gian sàng lọc thông thường.
Bên cạnh đó, béo phì hay thừa cân ở người mẹ là một yếu tố nguy cơ dẫn tới béo phì ở trẻ nhỏ, ngay cả khi người mẹ không có hay có ĐTĐ thai kỳ. Khi mới sinh ra, con của người mẹ bị rối loạn đường huyết cuối thai kỳ có chỉ số BMI (Chỉ số khối cơ thể) cao hơn 0.18 và tới khi được 4 tuổi thì chỉ số này cao hơn 0.58 so với con của những người mẹ không bị rối loạn đường huyết cuối thai kỳ.
Tuy nhiên, sự tăng cân của trẻ mới sinh không ảnh hưởng trực tiếp đến béo phì (tới lúc 11 tuổi) sau khi đã loại trừ các yếu tố liên quan: giới tính, chủng tộc, trình trạng xã hội và tình trạng tăng cân quá mức của mẹ thời kỳ mang thai.
3. Kết luận và khuyến cáo
Cho đến hiện tại vẫn chưa có sự rõ ràng trong kết luận về sự liên quan giữa béo phì ở trẻ em và tình trạng ĐTĐ thai kỳ ở người mẹ. Tuy nhiên đã có những nghiên cứu cho thấy tỉ lệ trẻ em mắc béo phì/ thừa cân cao hơn ở mẹ mắc ĐTĐ thai kỳ. Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn chuyển hóa đã được chứng minh ở con của những sản phụ này, và nguy cơ sẽ cao hơn nếu trẻ sinh ra có kích thước lớn hơn kích thước bình thường.
Có nhiều nghiên cứu tích cực hơn trong việc chứng minh chế độ sinh hoạt, hoạt động thể chất, dinh dưỡng, thời gian ngủ nghỉ và thời gian nghỉ ngơi của trẻ sẽ tác động lớn đến cân nặng/tình trạng béo phì/ thừa cân của trẻ dù có mẹ bị ĐTĐ thai kỳ hay không. Chính vì vậy việc chăm sóc trẻ cũng là một yếu tố rất quan trọng các gia đình cần phải chú ý.
Việc tầm soát Đái tháo đường thai kỳ sớm là điều cần thiết giúp kiểm soát các nguy cơ cho mẹ và bé sau này. Vì thế, mẹ bầu hãy thăm khám sức khỏe định kỳ để đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé nhé!
Nguồn tham khảo:
1. Maternal obesity and diabetes in pregnancy result in early overgrowth of baby in the womb
2. Children Exposed to Maternal Obesity or Gestational Diabetes Mellitus During Early Fetal Development Have Hypothalamic Alterations That Predict Future Weight Gain
3. An interim analysis from a longitudinal mother-child cohort study
4. Maternal obesity, gestational diabetes, breastfeeding and childhood overweight at age 2 years
5. Postnatal Prevention of Childhood Obesity in Offspring Prenatally Exposed to Gestational Diabetes mellitus: Where Are We Now?
6. Metabolic syndrome in childhood: association with birth weight, maternal obesity, and gestational diabetes mellitus
7. Association of Gestational Diabetes With Maternal Disorders of Glucose Metabolism and Childhood Adiposity
8. Guideline ADA 2020
9. Hướng dẫn quốc gia về dự phòng và kiểm soát đái tháo đường thai kỳ.