Hiểu về chỉ số HbA1c
HbA1c là một trong những chỉ số xét nghiệm đường huyết rất quan trọng với bệnh nhân đái tháo đường. Việc xét nghiệm HbA1c tương đối đơn giản nhưng có thể giúp chúng ta giải quyết nhiều vấn đề trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý đái tháo đường.
Hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu thêm thông tin về chỉ số HbA1c để bạn có thể chủ động theo dõi tình trạng đường huyết của mình và có hướng điều trị hiệu quả nhé!
1. Chỉ số HbA1c là gì?
Chỉ số HbA1c thể hiện lượng hemoglobin liên kết với glucose. Khi đo HbA1c, bác sĩ có thể có được bức tranh tổng thể về mức đường huyết trung bình của bạn trong khoảng thời gian dài (2 -3 tháng vừa qua) [1][2]. Do đó, đây là một chỉ số vàng trong việc chẩn đoán và điều trị đái tháo đường.
Giá trị bình thường của HbA1c là dưới 5,7%. Nếu chỉ số HbA1c từ 5,7% đến dưới 6,5% thì được xác định ở giai đoạn tiền đái tháo đường. Trong trường hợp chỉ số HbA1c có giá trị từ 6.5% trở lên thì được chẩn đoán mắc bệnh dái tháo đường [3]. Xét nghiệm này phải được thực hiện bệnh viện, phòng thí nghiệm, nơi được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế [6].
Đối với bệnh nhân đái tháo đường typ 2, việc kiểm soát đường huyết với HbA1c <7% có vai trò quan trọng, giúp làm giảm đáng kể nguy cơ gặp các biến chứng mạch máu nhỏ và các biến chứng liên quan đến bệnh tim mạch như bệnh tim thiếu máu cục bộ, bệnh thận mạn do đái tháo đường, bệnh lý võng mạc ở mắt, bệnh thần kinh ngoại biên… [4].
2. Cách xác định đường huyết mục tiêu HbA1c
Mục tiêu điều trị chung ở người trưởng thành có bệnh lý Đái tháo đường là chỉ số HbA1c đạt dưới 7% [4]. Tuy nhiên một con số thì không bao giờ phù hợp cho tất cả mọi bệnh nhân và mục tiêu HbA1c của bạn có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với những bệnh nhân khác.
Có nhiều yếu tố được đưa ra để xác định mục tiêu HbA1c phù hợp đối với từng bệnh nhân, trong đó có:
- Nguy cơ hạ đường huyết và các tác dụng bất lợi của thuốc
- Thời gian mắc bệnh đái tháo đường
- Các biến chứng trên mạch máu
- Các bệnh lý khác đang mắc phải và mức độ nặng của bệnh như bệnh tim, bệnh thận…
Từ đó, mục tiêu HbA1c có thể được nới lỏng ở mức dưới 8% cho những bệnh nhân lớn tuổi, mắc bệnh đái tháo đường đã lâu, có nhiều bệnh lý đi kèm, có tiền sử hạ glucose máu nặng trước đó hoặc khắt khe hơn như dưới 6,5% ở bệnh nhân trẻ, mới chẩn đoán, không có các bệnh lý tim mạch, nguy cơ hạ glucose máu thấp [4][5].
Ngoài ra còn một yếu tố khác cũng rất quan trọng đó là mong muốn điều trị của từng bệnh nhân. Sự trao đổi, thảo luận giữa bệnh nhân và bác sĩ là rất cần thiết trong việc xác định mục tiêu điều trị, chiến lược điều trị lâu dài để mang lại nhiều lợi ích nhất cho bệnh nhân.
Tóm lại, HbA1c là một chỉ số quan trọng trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý Đái tháo đường. Tất cả các bệnh nhân đái tháo đường type 1 và type 2 tốt nhất nên xét nghiệm chỉ số HbA1c 3 tháng/1 lần.
Dựa vào kết quả đó ta có thể xây dựng kế hoạch điều trị tiếp theo cho bệnh nhân để phòng ngừa tối đa các biến chứng của bệnh gây ra như biến chứng mạch máu và thần kinh.
Nguồn tham khảo:
- Diabetes.co.uk, Managing Blood Glucose – Guide to HbA1c
- American Diabetes Association, Understanding A1C – Diagnosis
- Classification and Diagnosis of Diabetes:Standards of Medical Care in Diabetes—2023.” Diabetes Care 46, no. Supplement 1 (2023): S19-S40
- Glycemic Targets: Standards of Medical Care in Diabetes—2023.” Diabetes Care 46, no. Supplement 1 (2023): S97-S110
- Bộ Y tế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Đái tháo đường Typ 2 (2020)
SERV-DIAB-18-04-2023