Nguy cơ Đột quỵ ở bệnh nhân Đái tháo đường
Đột quỵ (hay còn được gọi là tai biến mạch máu não) là tình trạng não bộ bị tổn thương do quá trình cấp máu não bị gián đoạn, gây thiếu oxy cho các tế bào, có thể gây yếu liệt, mất ngôn ngữ, nhìn không rõ,…
Đột quỵ cũng là một trong những nguy cơ gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, đặc biệt đối với bệnh nhân Đái tháo đường. Vậy làm thế nào để phòng tránh đột quỵ? Hãy cùng Ngày Đầu Tiên giai đáp thắc mắc này thông qua bài viết dưới đây.
>> 4 điều bệnh nhân Đái tháo đường cần tránh

1. Nguyên nhân gây ra Đột quỵ
Đái tháo đường là bệnh lý mãn tính, không lậy, thường diễn tiến âm thầm. Mức đường huyết trong máu cao lâu dài có thể dẫn đến các bệnh nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, mạch máu, mắt, thận, thần kinh.
Đái tháo đường có nhiều yếu tố nguy cơ làm tăng đột quỵ: tăng tình trạng xơ vữa động mạch và các bệnh lý mạch máu nhỏ. Các động mạch trở nên cứng và kém đàn hồi hơn, tăng hình thành mảng bám cholesterol thành mạch.
Những người mắc bệnh Đái tháo đường có khả năng bị đột quỵ cao gấp 1.5- 3 lần và nguy cơ[1] tử vong cao hơn nhóm người không mắc Đái tháo đường.
Nguy cơ này sẽ tăng nhiều hơn ở người bệnh Đái tháo đường khi kèm theo các yếu tố lớn tuổi, thừa cân, béo phì, hút thuốc lá, tăng huyết áp, bệnh tim, rối loạn chuyển hóa mỡ máu hay có tiền sử đã từng bị đột quỵ, cơn thoáng thiếu máu não trước đó.

2. Cần làm gì để phòng tránh đột quỵ
Để phòng ngừa và làm giảm những nguy cơ đột quỵ cũng như các biến chứng của Đái tháo đường, người bệnh nên:
- Khám bệnh định kỳ để các bác sĩ điều trị tích cực đa yếu tố
- Kết hợp với việc nâng cao kiến thức để tự chăm sóc của mỗi bệnh nhân.
- Kiểm soát đường huyết của mình, thường xuyên theo dõi chỉ số đường huyết và các chỉ số mỡ máu, chỉ số huyết áp.
- Người bệnh cần có chế độ ăn hợp lý: ăn nhạt, giảm ngọt, ăn ít mỡ, giảm lượng tinh bột (các thức ăn từ gạo, nếp…), không ăn phủ tạng động vật, không hút thuốc lá, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia, cà phê. Nên ăn nhiều rau xanh với chế độ ăn đa dạng đầy đủ dinh dưỡng.
- Tập thể dục thể thao ít nhất 30 phút mỗi ngày, tăng cường các hoạt động thể chất, tránh lười vận động.

Tóm lại, những người mắc bệnh lý Đái tháo đường cần đi khám sức khỏe định kỳ để kiểm soát tình trạng bệnh, không để các chỉ số vượt quá mức nguy hiểm gây ra đột quỵ.
Khi thấy các trường hợp có biểu hiện của đột quỵ như đột ngột nói khó, méo miệng, yếu liệt, tê nửa người, lơ mơ, nhìn không rõ… Cần phải đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời để ngăn chặn nguy cơ tử vong và tàn phế cho người bệnh.
Nguồn tham khảo:
- Rong Chen, Bruce Ovbiaele, Wuwei Feng, Diabetes and Stroke: Epidemiology, Pathophysiology, Pharmaceuticals and Outcomes, 2016 Apr, 351(4):380-6. DOI: 10.1016/j.amjms.2016.01.011
- Aladeen Alloubani, Abdylmoneam Saleh, Ibrahim Abdelhafiz, Hypertension and diabetes mellitus as predictive risk factors for stroke, Epub 2018 Mar 19. DOI: 10.1016/j.dsx.2018.03.009
- Xin Nan Tan, David S Liebeskind, Amytis Towfighi, The role of diabetes, obesity, and metabolic syndrome in stroke, 2017 Jun, 37(3):267-273. DOI:10.1055/s-0037-1603753
- Gaillard, T., & Miller, E. (2018). Guidelines for Stroke Survivors With Diabetes Mellitus. Stroke, 49(6), e215-e217. DOI: 10.1161/strokeaha. 118.020745