Mối liên hệ giữa bệnh Đái tháo đường và bệnh Alzheimer
Các nghiên cứu đã chứng minh người bệnh đái tháo đường có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer tăng gấp 2 – 4 lần so với người không mắc bệnh. Khi đường huyết không được kiểm soát, đường trong máu tăng cao theo thời gian sẽ gây tổn thương các cơ quan trong cơ thể, trong đó có tổn thương tế bào não góp phần phát triển bệnh Alzheimer.
Ngược lại, sự hiện diện của bệnh Alzheimer sẽ khiến cho việc quản lý bệnh đái tháo đường trở nên khó khăn và phức tạp hơn. Hãy cùng Ngày đầu tiên tìm hiểu thêm về mối liên hệ này thông qua bài viết dưới đây.

>> Vì sao người tiểu đường thường mất cảm giác ở chân?
>> Glucose Huyết và các chỉ số xét nghiệm cần chú ý ở người Đái Tháo Đường
Tổng quan về bệnh Alzheimer
Alzheimer là bệnh não tiến triển, rối loạn, làm phá hủy dần dần trí nhớ, khả năng học hỏi, suy luận, phán đoán, giao tiếp và khả năng thực hiện các hoạt động hàng ngày của một người. Sự tiến triển của bệnh Alzheimer gây thay đổi tính cách và hành vi, chẳng hạn như lo lắng, nghi ngờ, kích động hoặc ảo tưởng.

Những dấu hiệu nhận biết sớm bệnh Alzheimer:
- Mất trí nhớ làm gián đoạn cuộc sống hàng ngày, ví dụ: quên các ngày, quên các sự kiện quan trọng, hỏi đi hỏi lại những câu hỏi giống nhau, đôi khi quên tên hoặc cuộc hẹn rồi sau đó nhớ lại…
- Khó khăn trong việc lập kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề, khó tập trung và mất nhiều thời gian hơn để làm công việc so với trước đây.
- Khó hoàn thành các công việc quen thuộc.
- Lú lẫn thời gian hoặc địa điểm, ví dụ: quên đang ở đâu hoặc làm thế nào đến được nơi đây…
- Khó khăn trong việc hiểu các hình ảnh và mối quan hệ trong không gian, như khó khăn khi đọc, phán đoán khoảng cách, xác định màu sắc…
- Phát sinh những khó khăn mới về từ ngữ khi nói hoặc viết, khó khăn trong việc dùng từ, gọi sai tên vật dụng…
- Đặt đồ vật nhầm chỗ và mất khả năng hồi tưởng lại các bước, hay làm mất đồ vật nhưng không thể nhớ lại các bước để tìm lại.
- Suy giảm hoặc phán đoán kém, ví dụ: giảm khả năng phán đoán khi giao dịch tiền bạc, ít chú ý về ăn mặc, ít chú ý vệ sinh thân thể sạch sẽ…
- Rút lui khỏi công việc hoặc các hoạt động xã hội, cảm thấy chán nản, không quan tâm đến công việc, gia đình hoặc nghĩa vụ xã hội…
- Thay đổi tâm trạng và tính cách, ví dụ: thường bối rối, nghi ngờ, chán nản, sợ hãi hoặc lo lắng, dễ dàng bực tức ở bất cứ nơi mà cảm thấy không thoải mái.

Nếu bệnh nhân đái tháo đường có bất kỳ một trong những dấu hiệu trên hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để có lời khuyên hợp lý và biện pháp can thiệp kịp thời.
Phương pháp làm giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer ở người đái tháo đường

Điều quan trọng nhất là bạn cần kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường. Để giữ mức đường huyết ổn định nhằm giảm nguy cơ dẫn đến bệnh Alzheimer bạn nên:
- Thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh: Lưu ý ăn nhiều rau xanh, hạn chế sử dụng thực phẩm đã qua chế biến hoặc tinh chế.
- Giữ mức cân nặng lý tưởng: BMI = 18.5 – 22.9 kg/m2 [BMI = Cân nặng (kg) / chiều cao x chiều cao (m)]
- Tập thể dục: nên tập 150 phút mỗi tuần hoặc hơn, ít nhất 3 ngày trong tuần, không quá 2 ngày liên tiếp không tập.
- Thư giãn tinh thần: bằng cách đọc sách, sáng tạo nghệ thuật, giải ô chữ và các hoạt động trí não khác. Bạn cũng có thể tập các bài tập như yoga và thiền.

- Nâng cao sức khỏe tâm lý bằng cách giao tiếp với những người khác.
- Bỏ thuốc lá.
- Ngủ đủ giấc.
- Tuân thủ điều trị thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám định kỳ đúng hẹn.
Nếu bạn mắc bệnh đái tháo đường và lo lắng về nguy cơ phát triển bệnh Alzheimer. Bạn hãy trao đổi với bác sĩ về những lo lắng hiện tại, những dấu hiệu nghi ngờ của bệnh mà bạn hoặc người thân quen nhận thấy. Bác sĩ có thể điều chỉnh phác đồ điều trị và giúp bạn phòng ngừa hoặc làm giảm khả năng phát triển bệnh Alzheimer.
Nguồn tham khảo
- Theo alz.org
- American Diabetes Association, Standards of Medical Care in Diabetes -2020