Nhiễm trùng da – “Kẻ thù ẩn mình” của bệnh nhân Đái tháo đường
Đái tháo đường là một bệnh lý mãn tính, người bệnh đái tháo đường gần như phải làm bạn với thuốc tiểu đường suốt đời. Chính vì vậy việc kiểm soát tốt các bệnh lý kèm theo, cũng như giữ lượng đường ở mức tốt luôn là sự ưu tiên hàng đầu trong việc điều trị đái tháo đường. Trong số các bệnh lý thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường thì nhiễm trùng da là một trong những kẻ thù đáng sợ mà đôi khi người bệnh lại ít để ý tới.

>> 4 Chỉ Số Xét Nghiệm Để Chẩn Đoán Theo Dõi Bệnh Đái Tháo Đường
>> Vì sao người tiểu đường thường mất cảm giác ở chân?
Nhiễm trùng da là gì?
Nhiễm trùng da là dạng tổn thương mà vi khuẩn xâm nhập qua da, gây nên nhiễm trùng khi trú tại vùng da đó, có thể dẫn tới nhiễm trùng toàn cơ thể.
Các dạng nhiễm trùng da thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường:
- Viêm mô tế bào: các mảng viêm đỏ, đau trên da, có khi kèm theo sưng các hạch lân cận.
- Loét chân: thường gặp ở các vị trí ngón chân, mặt trước cẳng chân, cổ chân và lòng bàn chân, thường có hoại tử ướt, chảy mủ thối kèm sưng nề, tấy đỏ tại chỗ.
- Mụn nhọt: xuất hiện trên da.
- Nhiễm nấm: thường gặp ở bộ phận sinh dục hay ở kẽ giữa các ngón chân.

Vì sao nhiễm trùng da lại nguy hiểm ở bệnh nhân Đái tháo đường?
Bệnh nhân Đái tháo đường dễ bị mắc các bệnh lý nhiễm khuẩn hơn vì:
- Nồng độ đường trong máu cao, trong khi vi khuẩn sống và phát triển được là nhờ có đường.
- Có các biến chứng gây tổn thương các mạch máu nhỏ ở các đầu ngón tay, ngón chân nên các vùng đó dễ bị tổn thương hơn. Điều này giúp vi khuẩn có cơ hội xâm nhập vào cơ thể thông qua đường máu.
- Có biến chứng tổn thương mạch máu và thần kinh ngoại vi, nên khi có vết thương hay va chạm, người bệnh sẽ ít có cảm giác và chú ý đến vết thương, chỉ khi tình trạng diễn biến nặng nề hoặc có hoại tử thì lúc đó vết thương đã trở nên nghiêm trọng.
Làm sao để phòng ngừa và đẩy lùi nhiễm trùng da?

- Đảm bảo luôn kiểm soát đường huyết ở mức tối ưu theo khuyến cáo của bác sĩ (có thể tự kiểm tra đường tại nhà hoặc đến cơ sở y tế để được kiểm tra)
- Vệ sinh cơ thể mỗi ngày bằng nước ấm
- Tránh ngâm cơ thể trong nước quá lâu, lau khô mỗi khi tiếp xúc với nước
- Vệ sinh móng tay, móng chân thường xuyên (nếu người bệnh mất cảm giác, hãy nhờ người thân hỗ trợ trong việc vệ sinh)
- Sử dụng tất, găng tay,.. để bảo vệ da, nhất là các vùng ngoại vi như chân, tay
- Tránh hoạt động gắng sức lên chân quá nhiều, nên tham khảo ý kiến bác sĩ khi hoạt động
- Nên đến ngay cơ sở y tế gần nhất khi phát hiện tình trạng nhiễm trùng để được thăm khám và điều trị kịp thời
Nguồn tham khảo:
1.Bệnh lý Đái Tháo Đường & Điều trị Đái Tháo Đường – ThS.BS. CKII Trương Quang Hoành.
2.Harrison’s Princi of Internal Medicine, 19th edition, 2015, McGraw-Hill.