4 cách hỗ trợ điều trị bệnh Đái tháo đường tại nhà mà người bệnh nào cũng phải biết
Hiện nay trên toàn thế giới có hơn 425 triệu người đang sống chung với bệnh Đái tháo đường. Biến chứng bệnh đái tháo đường rất đa dạng và nguy hiểm, gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và tính mạng người bệnh.
Tuy nhiên, chỉ khoảng 40 – 50 % người bệnh Đái tháo đường kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu. Một trong những nguyên nhân đó là sự thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai về bệnh và thuốc điều trị.
Để điều trị bệnh tốt, người bệnh Đái tháo đường cần được biết 4 cách hỗ trợ điều trị bệnh đái tháo đường tại nhà cũng nắm được gồm:
>> Vì sao cần sử dụng thuốc khi đường huyết đã được kiểm soát tốt?
>> Sử dụng đường dành cho người Đái tháo đường để ngày Tết trọn vẹn

1. Thay đổi lối sống lành mạnh
Các bước thay đổi lối sống lành mạnh bao gồm:
+ Chế độ ăn
Chế độ ăn đóng vai trò quan trọng đối với việc kiểm soát đường huyết, cân nặng. Bạn hãy tìm những công thức nấu ăn phù hợp và chế độ dinh dưỡng cần đảm bảo cho bệnh nhân Đái tháo đường:
- Cung cấp đủ nhu cầu dinh dưỡng.
- Không làm tăng/hạ đường máu nhiều sau bữa ăn
- Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận
- Không nên thay đổi quá nhanh chế độ và khối lượng các bữa ăn
- Duy trì cân nặng hợp lý
+ Thành phần các chất dinh dưỡng
a. Chất bột đường
Đây là nguồn cung cấp năng lượng chính chiếm 50-60 % nhu cầu năng lượng của cơ thể và ảnh hưởng nhiều nhất đến đường huyết, bao gồm: gạo miến, bột mỳ, bánh quy, phở, bún, bánh mì, khoai củ, các loại, trái cây, sữa, đường bao gồm cả bánh kẹo ngọt…
Khuyến cáo về chất bột đường:
• Nên chọn: Gạo lứt, bánh mỳ đen hoặc ngũ cốc, các loại khoai củ, các loại quả có hàm lượng đường ít, trung bình
• Hạn chế chọn: Miến dong, bánh mỳ trắng, khoai củ chế biến dưới dạng nướng
• Không nên chọn: Các loại bánh kẹo ngọt chứa nhiều đường, quả sấy khô, nước ngọt có đường…
b. Protein (chất đạm)
Chiếm 20 – 25 % lượng protein trong khẩu phần ăn đối với người lớn. Khẩu phần ăn có quá nhiều đạm sẽ không tốt cho thận, tuy nhiên lượng đạm trong khẩu phần cần cao hơn so với người bình thường.

Bạn nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa) với protein thực vật (vừng lạc, đậu, đỗ) do giá tiền hợp lý và các chỉ số đường huyết thấp.
c. Lipid (chất béo)
Chiếm 15- 20% khẩu phần, không nên vượt quá 30%. Bạn nên ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo bão hòa (mỡ động vật) vì dễ gây xơ vữa động mạch. Đồng thời nên ăn các acid béo bão hòa có trong các loại dầu hạt (dầu đậu nành, dầu mè, dầu hướng dương…).
d. Vitamin và các yếu tố vi lượng
Bạn cần đảm bảo đủ các vitamin và yếu tố vi lượng (sắt, iốt…). Các thành phần này thường có trong rau quả tươi.
e. Chất xơ
Bạn nên ăn những thức ăn có nhiều chất xơ (xenluloza), nhất là chất xơ hòa tan. Chất xơ có nhiều trong gạo giã chưa kỹ, rau, củ, quả, khoai củ có tác dụng chống táo bón, giảm tăng đường huyết và cholesterol sau bữa ăn.
f. Rượu bia
Là người bệnh Đái tháo đường, bạn nên hạn chế tối đa uống rượu bia.
g. Số bữa ăn
Để đảm bảo không bị tăng đường huyết sau bữa ăn và hạ đường huyết xa bữa ăn, bạn nên chia nhỏ các bữa ăn trong ngày dựa trên tổng số năng lượng của cả ngày.
+ Tăng cường tập luyện thể dục
Bạn nên sắp xếp thời gian tham gia nhóm hoặc các thành viên trong gia đình. Các môn tập thể dục phù hợp với tình hình bệnh và sức khỏe của bạn như đi bộ, chạy bộ, đạp xe đạp, cầu lông, Yoga… Bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi chọn môn tập phù hợp.
Mỗi ngày bạn nên tập tối thiểu 30 – 45 phút, và mỗi tuần tối thiểu 5 buổi.

2. Dùng thuốc đúng chỉ định
Một số lưu ý trong quá trình dùng thuốc bao gồm:
- Dùng đúng thuốc, đúng liều lượng và đúng giờ
- Khi có dấu hiệu bất thường trong quá trình dùng thuốc nên báo ngay với bác sĩ điều trị của bạn
3. Chú ý vệ sinh toàn thân
Vệ sinh sạch đóng vai trò quan trọng trong đề phòng tránh nhiễm trùng. Bạn nên duy trì thói quen dưới đây:
- Mang giày dép đúng cách
- Vệ sinh răng miệng thường xuyên, khám răng định kỳ
- Chăm sóc bàn chân đúng cách, kiểm tra bàn chân thường xuyên để phát hiện các dấu hiệu bất thường
- Vệ sinh da đúng cách, hãy lưu ý những dấu hiệu bất thường trên da như đốm đỏ, mụn nước hay vết loét trên cơ thể bệnh nhân kịp thời điều trị

4. Theo dõi đường huyết tại nhà
Bạn nên trao đổi với bác sĩ về kế hoạch kiểm tra đường huyết thường xuyên tại nhà bằng máy thử đường huyết cá nhân.
- Các thời điểm thử đường máu lúc đói, đường sau ăn 2h, khi có dấu hiệu bất thường.
- Mục tiêu kiểm soát đường huyết tùy thuộc vào từng cá thể bệnh nhân hãy hỏi ý kiến bác sĩ về mục tiêu kiểm soát đường của mình.
Với 4 cách hỗ trợ điều trị Đái tháo đường mà Ngày Đầu Tiên cung cấp trên, hy vọng có thể giúp bạn trang bị những thông tin bổ ích trên hành trình chống lại bệnh tiểu đường.
Nguồn tham khảo
- Hướng dẫn chẩn đoán điều trị đái tháo đường típ 2 bộ y tế.
- Theo Diabetes care.
- Care.diabetesjournals.org/content/38/7/1372.