Lựa chọn chế độ ăn cho bệnh nhân Đái tháo đường mắc bệnh Thận cần lưu ý gì?
Bệnh tiểu đường có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng suy thận. Để ngăn ngừa biến chứng suy thận ở người tiểu đường, bệnh nhân cần tuân thủ đúng phác đồ điều trị, có chế độ ăn uống, sinh hoạt hợp lý…
Chế độ ăn cho người tiểu đường (hay đái tháo đường) không có nghĩa là phải ăn uống, chọn thực phẩm quá khác biệt và khắt khe. Điều quan trọng nhất là người bệnh cần nắm vững nguyên tắc ăn uống để đường huyết luôn ở ngưỡng cho phép.
Đối với bệnh nhân đái tháo đường có mắc bệnh thận, việc chọn chế độ ăn hợp lý hết sức quan trọng, nhằm ngăn ngừa diễn tiến của bệnh. Tuy nhiên cũng phải cung cấp đầy đủ năng lượng cho cơ thể.
>> 4 cách ổn định đường huyết hiệu quả tức thì ở bệnh nhân Đái tháo đường
>> Ăn gạo lứt có làm giảm nguy cơ mắc bệnh Đái tháo đường hay không?
Trên thực tế, chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường và chế độ ăn cho người bệnh thận có khá nhiều điểm chung. Ưu tiên hàng đầu là nên ăn nhiều trái cây tươi, các loại rau củ, chất béo lành mạnh từ cá, dầu thực vật và protein trong đậu, thịt nạc.
Đặc biệt, nên chọn các thực phẩm ít muối, đường và các thực phẩm không chứa nhiều carbohydrate dạng tinh chế.
Vậy chúng ta cần lưu ý những điểm gì khi xây dựng bữa ăn hàng ngày ?
1. Giảm thực phẩm nhiều muối (natri)
Việc ăn ít thực phẩm có muối vừa tốt cho thận, vừa giúp quản lý bệnh đái tháo đường. Bởi theo thời gian, thận sẽ mất dần khả năng giữ cân bằng natri – nước. Do đó, hạn chế ăn nhiều muối sẽ giúp hạ huyết áp, giảm tình trạng tích tụ chất lỏng trong cơ thể.
Những người bệnh tiểu đường có biến chứng suy thận ở trong giai đoạn 1 đến 3 được khuyến cáo chỉ nên dùng khoảng 2000 – 3000mg muối/ngày. Người bệnh ở giai đoạn 4 chỉ được dùng khoảng 1000 – 1500 mg/ngày. Trường hợp diễn biến nặng cần phải ăn nhạt hoàn toàn, không muối.
2. Giảm lượng protein trong bữa ăn
Người mắc bệnh thận không thể cắt hoàn toàn lượng protein trong khẩu phần ăn nhưng cần hạn chế ở mức quy định. Vì khi chức năng thận suy giảm, thận không thể loại bỏ hết các sản phẩm thải từ protein, chẳng hạn như ure. Lượng ure tích tụ trong cơ thể khiến bạn mệt mỏi, chán ăn, suy giảm trí nhớ, thậm chí hôn mê .
Bạn có thể tham khảo lượng protein cần thiết theo mức độ suy thận như sau:
Độ suy thận | Mức lọc cầu thận (ml/phút) | Creatinin máu (µmol/l) | Protein (g/kg/ngày) |
I | 60 – 41 | 130 | 0,8 |
II | 40 – 21 | 130 – 299 | 0,6 |
III.a | 20 – 11 | 300 – 499 | 0,55 |
III.b | 10 – 5 | 500 – 900 | |
IV | Dưới 5 | Trên 900 | |
Bình thường | 120 | 40 – 106 | 1 – 1,2 |
3. Giảm thực phẩm giàu photpho
Người bệnh đái tháo đường với biến chứng thận sẽ không thể loại bỏ hết lượng phospho dư thừa trong máu. Nồng độ cao phospho trong máu có thể khiến xương khớp suy yếu, gây tổn thương mạch máu, mắt và trái tim.
Bạn nên hạn chế ăn thực phẩm nhiều photpho như: Bánh mì nguyên hạt, ngũ cốc nguyên hạt, bột yến mạch, hạt hướng dương… Thay vào đó nên ăn các thực phẩm có hàm lượng photpho thấp như bánh mì trắng, gạo…
4. Giảm thực phẩm giàu kali
Hoạt động của tim và cơ bắp sẽ bị rối loạn khi lượng kali trong cơ thể người suy thận thay đổi. Các thực phẩm chứa nhiều kali bạn không nên hạn chế ăn bao gồm xà lách, chuối, dưa, cam, actiso, rau mồng tơi, khoai lang, gạo nâu, sữa bò, bơ,…
Những thực phẩm có hàm lượng kali thấp bao gồm: Táo, việt quất, nho, dứa, dâu tây, súp lơ, hành, ớt, củ cải, xà lách mùa hè, rau diếp, bánh mì trắng, thịt gà…
5. Đảm bảo uống đủ nước
Người bệnh cần uống đủ nước và hạn chế đồ uống có ga, cồn (bia, rượu…).
Với những nguyên tắc như trên, người bệnh tiểu đường có kèm bệnh thận có thể chủ động xây dựng bữa ăn cho bản thân.
Hãy dựa vào sở thích, tình trạng cơ thể, điều kiện sinh hoạt… để lên thực đơn hàng ngày cho bữa ăn vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa giúp làm chậm diễn tiến của bệnh, lại còn ngon miệng !
Nguồn tham khảo:
- Viện dinh dưỡng Việt Nam, chế độ ăn cho bệnh nhân suy thận.
- American Kidney Fund – Eating Healthy with Diabetes and Kidney Disease.
- Theo Kidneyfun.
- National Kidney Foundation- Nutrition and chronic kidney disease (Stage 1-4 ) “ Are you getting what you need “ ebook.