Sử dụng thuốc viên điều trị Đái tháo đường type 2 đúng và an toàn
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhận định thế kỷ 21 là thế kỷ của bệnh nội tiết và chuyển hóa. Trong đó bệnh Đái tháo đường thực sự là một đại dịch và là thách thức lớn đối với nhân loại, chủ yếu là đái tháo đường type 2 với tỷ lệ chiếm từ 85% đến 95% trong tổng số bệnh nhân mắc bệnh.
>> 7 gợi ý nhắc bạn không quên sử dụng thuốc Đái tháo đường
>> Chế độ ăn cho bệnh nhân Đái tháo đường mắc bệnh tim mạch
Bệnh Đái tháo đường đã và đang là vấn nạn của xã hội bởi những hệ lụy. Đây là chứng bệnh nguy hiểm, đe dọa đến tình trạng sức khỏe, tính mạng mọi người do nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, Đái tháo đường cần được chẩn đoán sớm, tầm soát toàn diện các biến chứng và điều trị tích cực bệnh đái tháo đường ngay từ khi phát hiện bệnh để đem lại hiệu quả cao, mang lại cuộc sống chất lượng cho người bệnh.
1. Vai trò của thuốc viên trong điều trị Đái tháo đường type 2
Nền tảng của điều trị đái tháo đường là sự kết hợp giữa các yếu tố: chế độ sinh hoạt (bao gồm chế độ ăn, hoạt động thể lực) và sử dụng thuốc của người bệnh. Trong đó người bệnh đóng vai trò là vị trí trung tâm của điều trị, cần được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng và có thái độ đúng đắn về bệnh. Một trong số đó là về việc sử dụng đúng và an toàn các thuốc viên hạ đường huyết.
Các loại thuốc viên điều trị đái tháo đường thường dùng tại Việt Nam lần lượt là:
- Metformin
- Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri-glucose (SGLT2i)
- Sulfonylurea (Diamicron)
- Glinides
- Pioglitazone
- Thuốc ức chế enzym alpha glucosidase
- Thuốc ức chế enzym DPP- 4
- Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1
Khi lựa chọn các thuốc viên để điều trị đái tháo đường, bác sĩ sẽ xem xét kỹ các yếu tố như: hiệu quả giảm glucose máu, nguy cơ hạ glucose huyết, thay đổi cân nặng, các tác dụng phụ của thuốc, hiệu quả phòng chống biến chứng, giá thành của thuốc.
2. Lưu ý khi sử dụng thuốc viên điều trị Đái tháo đường type 2
Một số điều cần chú ý khi khởi trị, theo dõi sử dụng các thuốc viên hạ đường huyết bao gồm:
- Nên chuyển bước điều trị mỗi 3 tháng theo bậc thang điều trị nếu không đạt được mục tiêu HbA1c (cần theo dõi đường huyết đói, đường huyết sau ăn 2 giờ để điều chỉnh liều thuốc)
- Có thể kết hợp thay đổi lối sống và metformin ngay từ đầu (Thay đổi lối sống đơn thuần chỉ thực hiện ở những bệnh nhân mới chẩn đoán, chưa có biến chứng mạn và mức đường huyết gần bình thường)
- Khi phối hợp thuốc, chỉ phối hợp 2, 3 hoặc 4 loại thuốc và các loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau
- Trường hợp bệnh nhân không dung nạp metformin, có thể dùng sulfonylurea trong chọn lựa khởi đầu
- Thận trọng tránh nguy cơ hạ glucose huyết khi khởi đầu điều trị bằng thuốc viên hạ đường huyết, đặc biệt khi glucose huyết ban đầu không cao và bệnh nhân lớn tuổi
- Cần tuyệt đối tuân thủ và thường xuyên tham khảo ý kiến của bác sĩ trong quá trình sử dụng thuốc
Do bản chất đa dạng của cơ chế bệnh sinh Đái tháo đường type 2, các chuyên gia khuyến cáo việc phối hợp thuốc trong điều trị sẽ mang lại hiệu quả giảm glucose huyết tốt hơn, đồng thời giảm tác dụng phụ khi tăng liều một loại thuốc đến tối đa.
Nguyên tắc phối hợp là không phối hợp 2 loại thuốc trong cùng 1 nhóm, thí dụ không phối hợp gliclazide với glimepiride. Ngoài ra viên thuốc phối hợp 2 nhóm thuốc sẽ giúp cho số viên thuốc cần sử dụng ít hơn, làm tăng tính tuân thủ dùng thuốc của bệnh nhân. Bất lợi của viên thuốc phối hợp là không thể chỉnh liều 1 loại thuốc.
Việc sử dụng thuốc an toàn và hợp lý là một yếu tố quan trọng, quyết định chất lượng điều trị người bệnh Đái tháo đường. Người bệnh cần được trang bị kiến thức đầy đủ để có thể thực hành đúng, an toàn việc sử dụng các thuốc viên trong điều trị Đái tháo đường.
Nguồn tham khảo:
- Tạ Văn Bình (2007), Người bệnh đái tháo đường cần biết, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
- American Diabetes Association. Standards of medical care in diabetes – 2020.
- Guidelines điều trị ĐTĐ của Anh quốc, Canada, các nước khối ASEAN, Ấn độ.
- 20th WHO Model List of Essential Medicines (March 2017).
- Atlas IDF 2015