Thắc mắc thường gặp về sự lây lan của Đái tháo đường
Đái tháo đường (ĐTĐ) là tình trạng tăng đường máu mạn tính do khiếm khuyết về sự tiết ra hay tác động của insulin. Insulin là hormon được tiết ra bởi tuyến tụy, đây là hormon duy nhất của cơ thể. Có tác dụng làm hạ đường máu thông qua việc vận chuyển đường vào tế bào để sinh năng lượng.
Khi cơ thể thiếu insulin hay insulin hoạt động kém sẽ làm giảm quá trình vận chuyển đường vào trong tế bào. Điều này sẽ gây tăng đường máu hay còn gọi là bệnh đái đường. Tình trạng này diễn ra lâu dài dẫn đến rối loạn chuyển hóa carbohydrate, lipid và protide. Nó gây nên các tổn thương về tim, mạch máu, mắt, thận và thần kinh.
Dưới đây là một số thắc mắc và giải đáp về những con đường lây lan của Đái tháo đường, bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu nhé!
>> Người bệnh Đái tháo đường hãy thận trọng với nhiễm trùng đường tiết niệu
>> Biến chứng Tim mạch thầm lặng của bệnh nhân Đái tháo đường Type 2

1. Đái tháo đường có lây qua đường hô hấp?
Bệnh đái tháo đường xảy ra do người bệnh gặp vấn đề về sản xuất insulin hoặc sử dụng insulin, không do vi khuẩn hay virus. Vì vậy, bệnh này sẽ không lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc trực tiếp.

2. Đái tháo đường có lây qua đường ăn uống?
Đái tháo đường không lây qua đường ăn uống. Tuy nhiên, chế độ ăn uống lại đóng vai trò quan trọng trong bệnh sinh Đái tháo đường.
Vì vậy, nếu một người bị Đái tháo đường thì những người thân khác trong gia đình cũng có thể cũng có nguy cơ cao mắc phải chứng bệnh này nếu cùng thói quen ăn uống, sinh hoạt.
3. Đái tháo đường có lây qua đường quan hệ tình dục?
Bệnh này không lây truyền qua đường quan hệ tình dục. Do đó không bắt buộc phải dùng các biện pháp tránh lây nhiễm để phòng ngừa khi có quan hệ tình dục với người tiểu đường.
4. Đái tháo đường có lây qua đường máu?
Câu trả lời là không, ngay cả khi bạn được truyền máu của người bệnh Đái tháo đường.
Theo Tiến sĩ Sanjay Reddy (Chuyên gia bệnh tiểu đường, bệnh viện Fortis ở Cunningham Road, Bangalore), nhìn chung những người mắc bệnh tiểu đường có thể hiến máu bình thường. Miễn là họ duy trì lượng đường huyết tốt và ổn định trong thời gian hiến máu.
Đái tháo đường không phải do người khác lây truyền cho chúng ta mà do nguyên nhân từ chính bản thân bản thân với chế độ ăn uống thiếu khoa học và lối sống tĩnh tại.
Tuy không lây lan nhưng bệnh Đái tháo đường có khả năng di truyền ở cả tuýp 1 và tuýp 2. Những đứa trẻ có bố mẹ bị tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với bình thường.
Đái tháo đường được xếp vào nhóm bệnh nội tiết chuyển hóa, không phải là bệnh truyền nhiễm. Vì vậy, có thể khẳng định chắc chắn rằng Đái tháo đường không lây lan theo bất kỳ hình thức nào từ người này qua người khác.

Khoa học hiện đại ngày càng tìm ra nhiều loại thuốc điều trị bệnh đái tháo đường. Tuy nhiên, chế độ ăn uống và lối sống luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược phòng chống và điều trị bệnh ĐTĐ.
Do đó bạn cần duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý như hạn chế mỡ, ăn nhiều chất xơ, kiểm soát lượng carbohydrate, tập thể dục đều đặn 30 phút mỗi ngày. Hạn chế bia rượu, nói không với thuốc lá, khám bệnh định kỳ và luôn giữ tinh thần lạc quan.
Nguồn tham khảo:
1. Theo World Heath Organization
2. Theo Healthline
3. Theo Centers for Disease Control and Prevention
4. Theo PAHO
5. Theo NCD Alliance
6. Theo NCBI