Người bệnh Đái tháo đường hãy thận trọng với nhiễm trùng đường tiết niệu
Bệnh Đái tháo đường (Tiểu đường) ngày càng tăng trên thế giới và Việt Nam. Tính riêng tại Việt Nam, hiện nay cứ mỗi 16 người sẽ có 1 người mắc Đái tháo đường.
Đái tháo đường gây ra nhiều phiền toái cho người bệnh, gánh nặng cho gia đình, xã hội. Đưa người bệnh đến tình trạng sức khỏe ngày càng giảm sút do phải sống cùng các biến chứng.
>> Thắc mắc thường gặp về sự lây lan của Đái tháo đường
>> Viêm phổi và Đái tháo đường
Với sự phát triển của khoa học, đặc biệt là y học hiện đại đã mang đến cho người bệnh cơ hội được sống khỏe mạnh và hạn chế biến chứng nguy hiểm của bệnh Đái tháo đường.
Tuy nhiên vẫn còn nhiều người bệnh phải chịu hậu quả của biến chứng, nhất là khi bệnh nhân. Người thân chưa biết cách chăm sóc, nhận biết, phát hiện kịp thời một số biến chứng diễn tiến nhanh (cấp tính) của Đái tháo đường như nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu do Đái tháo đường (Tiểu đường)
Nhiễm trùng đường tiết niệu (nhiễm trùng đường tiểu) là một trong những biến chứng thường gặp ở người bệnh Đái tháo đường. Biến chứng này xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập và sinh sôi trong đường tiểu của người bệnh. Khi người bệnh có các triệu chứng của đường tiểu như:
- Tiểu đau
- Tiểu rắt
- Tiểu buốt
- Tiểu lắt nhắt
Biểu hiện của nhiễm trùng tiểu ở người bệnh tiểu đường đôi khi phức tạp hơn. Người bệnh không thấy các triệu chứng khó chịu của đường tiểu mà chỉ thấy màu nước tiểu đục, đỏ, có mùi hôi lạ. Hoặc triệu chứng đau vùng hông, lưng kèm sốt lạnh run. Một số người khác chỉ biểu hiện bằng tình trạng sốt cao liên tục không rõ nguyên nhân.

Hậu quả của nhiễm trùng tiết niệu do Đái tháo đường
Nhiễm trùng đường tiểu có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng. Người bệnh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm trùng (tình trạng tụt huyết áp do nhiễm trùng nhiễm độc) dẫn đến tử vong.
Nhiễm trùng tiểu có thể để tại biến chứng tụ mủ trong thận và vùng quanh thận, hình thành các ổ mủ trong bụng người bệnh. Tình trạng này cần phải được chỉ định phẫu thuật để dẫn lưu, phá bỏ các ổ tụ mủ thì người bệnh mới có thể hồi phục được.
Việc điều trị kháng sinh không đúng chỉ định, không đúng thuốc, không đủ liều lượng và thời gian dùng thuốc có thể dẫn đến nhiễm trùng tiểu đa kháng thuốc. Người bệnh không nên tự ý điều trị thuốc kháng sinh khi nghi ngờ nhiễm trùng đường tiểu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một biến chứng thường gặp ở người bệnh tiểu đường. Biến chứng này có biểu hiện đa dạng, đôi khi kín đáo và gây hậu quả nghiêm trọng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời. Người bệnh cần nhận biết sớm và thận trọng với các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu.
Nguồn tham khảo
1. “Khuyến Cáo Về Chẩn Đoán Và Điều Trị Bệnh Đái Tháo Đường”, Bộ Y Tế 2018
2. “Nội Tiết Học Đại Cương”, Mai Thế Trạch – Nguyễn Thy Khuê, Nhà Xuất Bản Y Học 2007
3. “Bệnh Học Nội Khoa”, Bộ Môn Nội Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh. Nhà Xuất Bản Y Học 2012
4. “Điều trị học nội khoa”, Bộ Môn Nội Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh. Nhà Xuất Bản Y Học 2012