7 thắc mắc bệnh nhân Đái tháo đường Type 2 quan tâm
Dưới đây bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu 7 thắc mắc mà bệnh nhân thường gặp này nhé!
>> 7 thắc mắc thường gặp ở bệnh nhân Đái tháo đường Type 1
>> HbA1c và các chỉ số của bệnh Đái tháo đường (Tiểu đường) bạn nên biết!
1. Bệnh đái tháo đường type 2 có di truyền không?
Đái tháo đường type 2 có yếu tố di truyền. Nguy cơ mắc Đái tháo đường type 2 thường cao hơn ở người có cả bố và mẹ đều mắc Đái tháo đường hoặc có bố/mẹ mắc đái tháo đường type 2 từ khi còn trẻ (< 50 tuổi).
Tuy nhiên, sự phát triển của Đái tháo đường type 2 còn phụ thuộc vào các yếu tố môi trường. Các nghiên cứu cho thấy rằng bệnh tiểu đường có thể được ngăn ngừa bằng cách tập thể dục và giảm cân.
2. Đái tháo đường type 2 có chữa khỏi được không?
Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị nào chữa khỏi hoàn toàn Đái tháo đường, tuy nhiên có rất nhiều các nhóm thuốc được sử dụng để điều trị bệnh. Việc chẩn đoán sớm và kiểm soát đường huyết tích cực ngay từ đầu là chìa khóa giúp làm giảm biến chứng sau này đểcó một cuộc sống khỏe mạnh lâu dài.
3. Hậu quả khi không điều trị Đái tháo đường type 2?
Nếu Đái tháo đường không được điều trị, việc tăng đường huyết lâu dài sẽ gây tổn thương đến nhiều tế bào và cơ quan trong cơ thể. Các biến chứng nguy hiểm bao gồm:
- Tổn thương thận dẫn đến suy thận phải lọc máu
- Tổn thương mắt, mù lòa
- Bệnh lý tim mạch (nhồi máu cơ tim , suy tim, bệnh mạch ngoại biên)
- Đột quỵ (nguy cơ tử vong)
4. Người bệnh Đái tháo đường có thể ngừng thuốc khi các chỉ số đã ổn định?
Cơ chế bệnh sinh của Đái tháo đường type 2 là quá trình mất dần chức năng tiết insulin thường xuyên của tế bào beta đảo tụy trên nền đề kháng insulin. Quá trình này sẽ không thể đảo ngược và gây ra tình trạng tăng đường huyết tiến triển theo thời gian.
Trường hợp bệnh nhân tiểu đường đang được kiểm soát tốt bằng các thuốc điều trị, nếu ngưng thuốc sẽ khiến đường huyết cao trở lại và tăng dần theo thời gian. Do đó, bệnh nhân tiểu đường nên tuân thủ theo điều trị của bác sĩ để giảm nguy cơ tiến triển các biến chứng sau này.
5. Có thể dùng thuốc thảo dược thay vì tây y không?
Đái tháo đường type 2 sẽ tiến triển dần theo thời gian, tùy từng giai đoạn mà bác sĩ sẽ tư vấn các phương pháp điều trị khác nhau cho người bệnh.
Ở giai đoạn đường huyết chưa tăng cao, một số loại thảo dược có tác dụng hỗ trợ cải thiện chỉ số đường huyết, tuy nhiên, không có loại nào được chứng minh có thể thay thế cho các thuốc điều trị Đái tháo đường.
Một số nhóm thuốc đái tháo đường (tiểu đường) hiện nay ngoài tác dụng kiểm soát đường huyết còn có thêm các tác dụng bảo vệ tim, thận, làm chậm tiến triển biến chứng của bệnh tiểu đường cũng như giảm tỷ lệ tử vong.
6. Đái tháo đường có thể mang thai được không? Khi mang thai có nên ngừng thuốc Đái tháo đường?
Phụ nữ bị Đái tháo đường type 2 vẫn có thể mang thai, tuy nhiên để giảm các biến chứng cho mẹ và con trong quá trình mang thai, bệnh nhân cần phải được kiểm soát tốt đường huyết cả trước và trong thời gian mang thai.
Tất cả thuốc Đái tháo đường dạng viên đều không có đủ bằng chứng an toàn trong thời gian mang thai, vì vậy bệnh nhân Đái tháo đường type 2 khi có thai thường được chuyển sang dạng tiêm insulin.
Nếu bạn mắc phải Đái tháo đường và mong muốn có thai, bạn hãy trao đổi với bác sĩ để lập kế hoạch điều trị ngay từ khi có dự định mang thai.
7. Tại sao có bệnh nhân mới phát hiện Đái tháo đường type 2 đã phải tiêm insulin? Có phải tiêm liên tục cả đời?
Những bệnh nhân Đái tháo đường type 2 mới phát hiện, có thể phải sử dụng insulin ngay nếu có:
- Triệu chứng tăng đường huyết cấp tính (khát nước, tiểu nhiều, sụt cân)
- HbA1c > 10%
- Đường huyết rất cao ( >16,7 mmol/l).
Khi mức đường huyết ổn định có thể xem xét chuyển sang các nhóm thuốc viên.
Nguồn tham khảo
1. American Diabetes Association – Education For Life
2. Holman, Rury R., et al – Cardiometabolic Health Congress
3. InterAct Consortium – Gavin Publishers