Biến chứng thần kinh ngoại biên ở bệnh nhân Đái tháo đường
Biến chứng thần kinh trên bệnh nhân Đái tháo đường là biến chứng rất thường gặp, đặc biệt ở người không kiểm soát đường huyết tốt. Các biến chứng này thường tiến triển chậm, âm thầm ngay cả khi người bệnh không cảm thấy có triệu chứng.
Đây chính là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các trường hợp tổn thương bàn chân, cắt cụt chân.
Biến chứng thần kinh mà bệnh nhân Đái tháo đường (Tiểu đường) dễ gặp phải là biến chứng thần kinh ngoại biên do sự tổn thương các dây thần kinh ở ngoại biên cơ thể như tay, chân, sọ não.
Dưới đây bạn hãy cùng Ngày Đầu Tiên tìm hiểu về nguyên nhân, triệu chứng và hướng điều trị các tình trạng này nhé!
>> Biến chứng Tim mạch ở người bệnh Đái tháo đường
>> Hãy cẩn thận với Nhiễm Toan Ceton do bệnh Đái tháo đường
Nguyên nhân bệnh thần kinh ngoại biên do bệnh đái tháo đường
Tình trạng đường huyết tăng cao có thể dẫn đến tổn thương mạch máu và dây thần kinh. 2 yếu tố chính gây ra biến chứng thần kinh ngoại biên trên bệnh nhân đái tháo đường bao gồm:
- Đường huyết tăng cao làm tổn thương các dây thần kinh, làm giảm tốc độ dẫn truyền và chức năng thần kinh.
- Mạch máu bị tổn thương làm cho quá trình cung cấp chất dinh dưỡng và oxy cho dây thần kinh bị suy giảm, điều này góp phần gây tổn thương dây thần kinh.
Bên cạnh đó, một số yếu tố khác làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh bao gồm:
- Yếu tố di truyền
- Hút thuốc lá, nghiện rượu: Thuốc lá làm hẹp và cứng mạch máu, giảm lượng máu ngoại vi và góp phần vào tổn thương thần kinh.
- Thời gian mắc bệnh: Tình trạng đường huyết cao sẽ làm tổn thương cả mạch máu và dây thần kinh, người bệnh có thời gian mắc bệnh càng lâu càng tăng nguy cơ gặp phải biến chứng này.
- Bệnh lý đi kèm: Tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, bệnh thận mạn tính làm tăng nguy cơ biến chứng thần kinh trên bệnh nhân Đái tháo đường.
Triệu chứng bệnh thần kinh ngoại biên do Đái tháo đường
Các triệu chứng bệnh nhân Đái tháo đường gặp phải khá đa dạng và xảy ra từ nhẹ đến nặng. Bệnh nhân thường có cảm giác:
- Đau khi bước đi
- Cảm giác đau buốt, tăng về đêm
- Cảm giác châm chích, kiến bò, bỏng rát
- Tê bì, giảm nhận biết cảm giác đau, nóng lạnh, đặc biệt ở bàn chân
Đôi khi dù chạm nhẹ, bệnh nhân cũng cảm thấy đau đớn. Biến chứng thần kinh ngoại vi có thể gây yếu cơ và mất phản xạ; từ đó khiến bệnh nhân gặp khó khăn khi đi lại.
Các triệu chứng nặng nề người bệnh có thể gặp phải như loét chân, nhiễm trùng, biến dạng bàn chân, đau ở xương khớp. Điều này rất nguy hiểm khi tình trạng nhiễm trùng nặng, để lâu có thể phải bắt buộc cắt cụt chi.
Điều trị bệnh thần kinh ngoại biên do Đái tháo đường
Việc điều trị các biến chứng thần kinh ngoại biên trên bệnh nhân Đái tháo đường tập trung chủ yếu vào 3 yếu tố:
1. Làm chậm diễn tiến của bệnh
Việc điều trị nền tảng cho bệnh nhân Đái tháo đường nhằm giảm nguy cơ mắc biến chứng và làm chậm diễn tiến của bệnh bao gồm:
- Kiểm soát đường huyết tích cực
- Giữ mức đường huyết ổn định trong giới hạn bình thường
Bạn hãy thăm hỏi bác sĩ điều trị để biết mức đường huyết mục tiêu mà bạn cần đạt được và tuân thủ điều trị để đạt được kết quả đó. Mức HbA1c được khuyến cáo bởi Hội Nội Tiết & Đái Tháo Đường Việt Nam là <7%.
Ngoài ra, bạn cũng cần duy trì các điều trị và biện pháp sau để làm giảm tổn thương thần kinh:
- Tuân thủ kế hoạch điều trị
- Không hút thuốc, uống rượu
- Kiểm soát huyết áp mục tiêu
- Giảm cân nếu có béo phì, thừa cân
- Tập thể dục đều đặn và phù hợp với thể trạng
Đặc biệt khi bàn chân có vết loét hoặc vết thương, bạn cần phải đến ngay bác sĩ chuyên khoa để được điều trị và tư vấn chăm sóc bàn chân.
2. Giảm triệu chứng đau, bỏng rát
Các triệu chứng đau do biến chứng thần kinh ngoại biên thường gây khó chịu và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống bệnh nhân Đái tháo đường. Tuy nhiên việc điều trị các triệu chứng này thường khó khăn và không phải cách điều trị nào cũng đều có hiệu quả trên tất cả bệnh nhân.
Hiện nay có nhiều nhóm thuốc giảm đau được sử dụng để giảm triệu chứng bệnh thần kinh ngoại vi trên bệnh nhân đái tháo đường; như: thuốc giảm đau do nguyên nhân thần kinh, nhóm thuốc chống trầm cảm, miếng dán giảm đau…
Các nhóm thuốc giảm đau đều cần phải được chỉ định bác sĩ thì bệnh nhân mới có thể sử dụng do đi kèm nhiều tác dụng phụ. Vì thế bệnh nhân không tự ý điều trị các loại thuốc giảm đau này khi chưa có chỉ định của bác sĩ để đảm bảo an toàn cho chính bản thân mình.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng biện pháp khác chính là massage thư giãn. Bệnh nhân có thể tự massage cho chân hoặc tay hay nhờ người thân hỗ trợ. Điều này giúp người bệnh thư giãn, thoải mái, giảm căng thẳng bởi cơn đau.
3. Điều trị biến chứng và phục hồi chức năng
Các biến chứng do bệnh thần kinh ngoại biên trên bệnh nhân đái tháo đường cần được theo dõi và điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa. Làm giảm tối thiểu nguy cơ và an toàn cho bệnh nhân. Bệnh nhân cần liên hệ với bác sĩ để nhận thông tin điều trị và tư vấn phù hợp.
Người bệnh có thể phòng ngừa biến chứng thần kinh ngoại biên. Đặc biệt là biến chứng bàn chân đái tháo đường theo các phương pháp sau:
- Cắt móng chân cẩn thận, không cắt quá sâu
- Giữ chân khô ráo, sạch sẽ đặc biệt kẽ giữa các ngón chân
- Không đi chân đất, nên mang vớ kèm theo và lựa chọn vớ vừa với đôi chân mình
- Mang giày, dép vừa chân và luôn mang giày dép khi đi lại là điều hết sức quan trọng
- Kiểm tra chân mỗi ngày để phát hiện các vết thương, vết loét sớm. Nếu phát hiện có vết thương, vết loét cần đến bác sĩ để được hướng dẫn.
Các biến chứng thần kinh ngoại biên thường dễ gặp trên bệnh nhân đái tháo đường. Người bệnh nên tuân thủ điều trị hiện có; thường xuyên tìm đến tư vấn của bác sĩ để có hướng dẫn phù hợp.
Đồng thời, gia đình, người thân cần phối hợp cùng để hỗ trợ bệnh nhân đái tháo đường trong quá trình điều trị và giảm các biến chứng do bệnh.
Nguồn tham khảo:
- Diabetes Care 2004 Jan; 27(suppl 1): s63-s64.
- Diabetes Care 2020 Jan; 43(Supplement 1): S135-S151.