Giải pháp giúp bệnh nhân quản lý tốt bệnh Đái Tháo Đường, làm chậm tiến triển đến giai đoạn nặng hơn – Phần 2
Ở phần 1, chúng ta đã đề cập đến các biện pháp thay đổi lối sống có ích cho người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) như: xây dựng chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, từ bỏ các thói quen xấu,… Phần tiếp theo này, chúng ta sẽ tiếp tục đi tìm hiểu thêm về cách theo dõi đường máu và sử dụng Insullin như thế nào để mang đến hiệu quả tốt nhất cho bệnh nhân đái tháo đường.
1. Theo dõi đường máu tại nhà
Theo dõi đường máu tại nhà hết sức quan trọng đối với bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) giúp cải thiện kiểm soát đường máu, giảm HbA1C.
- Để theo dõi đường máu có hiệu quả cần:
Mua máy theo dõi đường máu và học cách sử dụng máy.
Thử đường máu vào các thời điểm sáng sớm khi ngủ dậy, sau ăn sáng, trưa, tối 2h (vì mỗi khi đường máu cao cả trước ăn hay sau ăn đều làm tăng nguy cơ các biến chứng).
Mục tiêu đường máu cần đạt: Đường máu đói < 7 mmol/l, đường máu sau ăn 2h< 10 mmol/l
- Nhận biết và biết cách xử trí khi bị hạ đường huyết
Nhận biết được các triệu chứng hạ đường huyết, và để xác định được chính xác tình trạng hạ đường huyết, cần phải thử đường máu mao mạch. Khi đường máu mao mạch < 3.9 mmol/l được chẩn đoán là hạ đường huyết.
Xử trí khi bị hạ đường huyết:
Khi bị hạ đường huyết, theo thói quen, bạn thường ăn rất nhiều để thoát khỏi cơn hạ đường huyết, mà không biết rằng sau đó đường huyết sẽ tăng rất cao. Và chính những thời điểm này góp phần làm tăng thêm biến chứng đái tháo tháo đường
Xử trí hạ đường huyết đúng cách theo quy luật 15 – 15:
– Khi đường máu < 3.9 mmol/l, cần ăn hoặc uống thêm 15 gam Carbonhydrat , sau 15 phút kiểm tra lại.
– Nếu đường máu vẫn < 3.9 mmol/l, lặp lại các bước như trên cho đến khi đường máu > 3.9 mmol/l.
– Khi lượng đường máu bình thường, hãy ăn thêm 1 bữa ăn chính đầy đủ 4 thành phần hoặc bữa ăn nhẹ như uống 1 cốc sữa glucerna hoặc 1 hộp sữa không đường kèm các loại hạt để tránh hạ đường huyết trở lại.
– 15g carbonhydat tương đương với: 1 muỗng canh (15ml) đường hoặc mật ong hoặc 150ml nước trái cây hoặc các loại nước ngọt hoặc 1 hộp sữa chua uống susu 80ml…
– Ghi lại thời điểm hạ đường huyết và báo lại cho bác sĩ của bạn để đưa ra những biện pháp tránh hạ đường huyết trong tương lai.
Nếu bạn đang tiêm Insulin mà xuất hiện cơn hạ đường huyết, nên giảm liều Insulin trước thời điểm hạ đường huyết từ 2- 4 đơn vị. Trường hợp hạ đường huyết khi tập thể dục, nên thử đường máu trước khi tập, nếu đường máu < 7 mmol/l, cần ăn 15g carbonhyrat để dự phòng cơn hạ đường huyết.
Trong những ngày ốm, mệt mỏi, ăn kém hơn, có thể giảm bớt liều tiêm Insulin 2- 4 đơn vị mỗi thời điểm giúp ngăn ngừa hạ đường huyết.
Cách bảo quản và sử dụng Insulin
Bảo quản Insulin đúng cách:
– Insulin chưa sử dụng: Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 4-8 độ, không làm đông đá. Khi vận chuyển cần dùng túi đá khô để bảo quản.
– Insulin đang sử dụng: Bảo quản ở nhiệt độ phòng < 25 độC. Do Việt Nam nằm trong khu vực nhiệt đới, nên nhiệt độ phòng khá cao > 30 độ C. Vì vậy kể cả Insulin đã mở nắp, vẫn nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh; phần xa nhất so với ngăn đá.
Sử dụng Insulin đúng cách:
– Đảm bảo kiểm tra đúng loại Insulin trước khi dùng.
– Lấy đúng lượng Insulin cần dùng. Trường hợp mắt nhìn mờ, nên tiêm Insulin bút để lấy được chính xác lượng Insulin theo chỉ định, mỗi tiếng “tạch” tương ứng với 1 đơn vị Insulin.
– Giữ HA và mỡ máu trong tầm kiểm soát.
Giống như đái tháo đường, huyết áp cao làm hỏng các mạch máu, tăng cholesterol làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch. Từ đó dẫn đến các bệnh lí tim mạch như đau tim, đột quỵ, tắc mạch chi; hoặc các bệnh lí đe dọa đến tính mạng.
Vì vậy những việc bạn cần làm:
– Tạo lập thói quen theo dõi huyết áp hàng ngày, ít nhất 2 lần/ ngày (khi ngủ dậy và trước khi đi ngủ). Xác định xu hướng huyết áp (thường tăng cao vào thời điểm nào); báo lại với bác sĩ để điều chỉnh thuốc và thời điểm uống thuốc cho phù hợp. Mục tiêu huyết áp < 130/80 mmHg.
– Không nên ăn các loại mỡ động vật, phủ tạng động vật. Dùng các loại dầu thực vật tốt như dầu oliu, dầu hạt cải… là những chất béo tốt sẽ giúp hấp thu vitamin và chống oxy hóa cho cơ thể bạn
– Dùng các thuốc huyết áp và mỡ máu theo chỉ định của bác sĩ.
2. Khám mắt:
– Tổn thương mắt là một trong những biến chứng thường gặp của đái tháo đường. Nếu bạn mắc đái tháo đường tuýp 1 trên 5 năm hoặc đái tháo đường tuýp 2 cần phải khám mắt mỗi năm 1 lần.
– Trong quá trình khám mắt cần soi võng mạc, đo nhãn áp, khám thị lực thị. Để phát hiện sớm các dấu hiệu tổn thương võng mạc, đục thủy tinh thể hay tăng nhãn áp để có biện pháp dự phòng, tránh làm tổn thương nặng hơn.
3. Tiêm phòng vacxin:
Bệnh đái tháo đường gây suy giảm miễn dịch của cơ thể. Do vậy, làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh. Tiêm vắc xin định kỳ có thể giúp bạn ngăn ngừa chúng:
– Vắc xin cúm: Tiêm mỗi năm 1 lần vào trước mùa cúm (khoảng tháng 9 hàng năm) giúp bạn khỏe mạnh trong mùa cúm và tránh được các biến chứng nghiêm trọng do cúm.
– Vắc xin phế cầu: Chỉ cần tiêm 1 mũi sẽ giúp bạn phòng ngừa viêm phổi do phế cầu. Trường hợp bạn trên 65 tuổi hoặc có các biến chứng đái tháo đường, cần tiêm nhắc lại.
– Vắc xin viêm gan B: Khuyến cáo cho tất cả người lớn < 60 tuổi chưa được tiêm vắc xin trước đó. Từ 60 tuổi trở lên, chưa tiêm vắc xin, bạn cần trao đổi với bác sĩ xem có nên tiêm hay không.
– Các vắc xin khác: Bạn nên tiêm nhắc lại vắc xin uốn ván 10 năm/ lần. Hỏi ý kiến của bác sĩ trước khi tiêm các loại vắc xin khác.
4. Chăm sóc răng miệng:
Đái tháo đường làm tăng nguy cơ sâu răng, viêm lợi.
Để chăm sóc răng miệng tốt, bệnh nhân Đái tháo đường (tiểu đường), cần lưu ý:
– Dùng chỉ nha khoa để loại bỏ các cặn thức ăn ở kẽ răng sau mỗi bữa ăn
– Đánh răng ít nhất 2 lần/ ngày bằng các loại kem đánh răng có chứa Fluorid (VD: Kem đánh răng Sensodyne).
– Súc họng nước muối ít nhất 2 lần/ ngày sau khi đánh răng
– Khám răng, lấy cao răng ít nhất 2 lần/ năm
– Nếu lợi sưng đỏ hoặc chảy máu, bạn cần đi khám ngay
5. Chăm sóc đôi chân:
Lượng đường trong máu cao làm giảm lưu lượng máu; kèm việc làm hỏng các dây thần kinh, làm hỏng các tuyến bã nhờn ở bàn chân của bạn. Từ đó làm da bàn chân khô, nứt nẻ, cảm giác kiến bò, bỏng rát.
Nghiêm trọng hơn có thể mất hoặc giảm cảm giác bàn chân; các vết loét hoặc mụn nước do thiểu dưỡng dẫn đến các nhiễm trùng bàn chân nghiêm trọng.
Để ngăn ngừa các biến chứng này, bạn cần:
– Rửa chân bằng nước ấm, tránh ngâm chân vì có thể làm da khô hơn.
– Lau khô chân nhẹ nhàng, đặc biệt giữa các ngón chân.
– Giữ ẩm cho bàn chân và các mắt cá chân bằng kem dưỡng ẩm (VD: Heelbalm), không bôi kem vào giữa các ngón chân làm tăng độ ẩm giữa các kẽ chân có thể dẫn tới nhiễm khuẩn.
– Kiểm tra bàn chân hàng ngày xem có vết chai, loét, sưng hoặc đỏ chân. Nếu có vết chai, cần phải gọt chai chân định kỳ tránh nguy cơ loét về sau do phần chai chân tì đè làm giảm tưới máu đến vùng da đó.
– Không đi chân trần trong nhà hay ngoài trời
– Nếu chân bị đau hoặc có vấn đề mà không lành trong vài ngày; hoặc có vết loét hở, bạn cần khám lại ngay
– Chọn lựa giày dép phù hợp: đế mềm, phẳng, vừa chân, có nhiều lỗ thông thoáng, mũi giày hoặc dép bè hoặc vuông
6. Hạn chế uống rượu:
Rượu làm lượng đường máu cao hay thấp tùy thuộc vào số lượng bạn uống hoặc ăn.
– Nếu uống rượu, không quá 1 ly/ ngày đối với phụ nữ và nam giới > 65 tuổi, không quá 2 ly/ ngày, đối với nam giới < 65 tuổi.
– Phải ăn khi uống rượu, nếu không sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Đặc biệt nếu bạn dùng Insulin.
7. Biết cách giải toả căng thẳng, stress:
– Nếu bị stress, hãy học cách thư giãn, đặt ra giới hạn cho chính mình
– Tập hít thở, đi dạo, nghe nhạc tích cực.
– Ngủ nhiều hơn, suy nghĩ tích cực. Đặc biệt những suy nghĩ về bệnh lý của mình ( tiểu đường, hạ đường huyết và các bệnh nguy hiểm khác…)
Hãy coi chăm sóc bệnh như một phần công việc của bạn. Bạn sẽ thấy đái tháo đường (tiểu đường) không cản trở cuộc sống năng động, lành mạnh của bạn.