Những chú ý cho bệnh nhân đái tháo đường (bệnh tiểu đường) trong mùa dịch

COVID-19 là bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona được phát hiện lần đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc vào tháng 12/2019. Đến nay có 210 quốc gia/ vùng lãnh thổ trên toàn cầu ghi nhận trường hợp mắc.

Theo một số nghiên cứu, hầu hết những người bị nhiễm virus COVID-19 sẽ bị bệnh hô hấp nhẹ đến trung bình và phục hồi mà không cần điều trị đặc biệt.

>> Chăm sóc bệnh nhân Tăng Huyết Áp, Đái Tháo Đường trong mùa dịch

>> Kiểm tra huyết áp và đường máu tại nhà – thông tin quan trọng cần báo cho bác sĩ khi tái khám hoặc thăm khám qua điện thoại

Người già, những người có vấn đề y tế tiềm ẩn như bệnh tim mạch, tiểu đường, bệnh hô hấp mãn tính và ung thư có nhiều khả năng mắc bệnh nghiêm trọng.

Virus COVID-19 lây lan chủ yếu qua các giọt chất tiết (chuyên môn gọi là giọt bắn) từ hầu họng hay từ mũi khi người nhiễm bệnh ho hoặc hắt hơi, các giọt chất tiết này sau đó sẽ dính trên bề mặt tiếp xúc.

Người khỏe mạnh tiếp xúc bằng tay và đưa các giọt bắn mang virus tiếp xúc vùng mặt. Một số ít trường hợp có thể do giọt bắn trực tiếp từ người bệnh tiếp xúc vùng mặt của người lành.

Cách tốt nhất để ngăn chặn và làm chậm lây truyền là làm theo các khuyến cáo của Bộ Y tế và Tổ chức y tế thế giới. Phòng ngừa quan trọng nhất là rửa tay hoặc sử dụng cồn chà xát thường xuyên và không chạm vào mặt (đặc biệt mắt, mũi và miệng).

Ngoài ra, cần phải mang khẩu trang, không đến vùng có dịch, hạn chế đến chỗ đông người…

Tại thời điểm này, không có vắc-xin hoặc phương pháp điều trị cụ thể cho COVID-19. Tuy nhiên, có nhiều thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra đánh giá các phương pháp điều trị tiềm năng.

VỚI NGƯỜI CÓ BỆNH ĐÁI THÁO ĐƯỜNG, TÁC ĐỘNG CỦA SARS-COV 2 BAO GỒM:

  • Dễ mắc bệnh và bệnh trầm trọng hơn do sức đề kháng giảm
  • Người mắc bệnh Đái tháo đường khi có bệnh lý cấp tính thường có tiên lượng nặng
  • Cơ địa bệnh Đái tháo dường và các biến chứng làm hạn chế điều trị bệnh cấp tính
  • Bệnh cấp tính làm khó khăn kiểm soát đường huyết và dễ có các biến chứng cấp tính của Đái tháo đường.

Các tác động trên sẽ nghiêm trọng hơn ở bệnh nhân có kiểm soát đường huyết kém,

Những chú ý cho bệnh nhân đái tháo đường (bệnh tiểu đường) trong mùa dịch

VẬY BỆNH NHÂN ĐÁI THÁO ĐƯỜNG CẦN LƯU Ý VỀ ĂN UỐNG, SINH HOẠT TRONG MÙA DỊCH NHƯ SAU:

Chế độ ngủ

  • Cần ngủ đủ giấc và tuân thủ theo đúng nhịp điệu sinh học của cơ thể
  • Tránh thức khuya hay dậy sớm quá.

Không hút thuốc lá

Chế độ ăn uống

  • Duy trì chế độ ăn kiêng theo chỉ dẫn của Bác sĩ điều trị, vẫn tiếp tục chế độ ăn như trong giai đoạn trước đó.
  • Tránh thay đổi chế độ ăn theo những chỉ dẫn không căn cứ
  • Cần uống đủ nước, theo các chuyên gia cần uống tối thiểu 1 đến 1,5 lít/ngày

Về thức uống có cồn, bản thân bệnh đái tháo đường và Covid 19 không cần cữ hoàn toàn thức uống có cồn. Tuy nhiên, không nên uống quá mức các thức uống có cồn và nếu tránh được thì tốt vì uống các thức uống có cồn có thể làm hạ đường huyết ở người bệnh đái tháo đường.

Trong trường hợp đường huyết ổn định và không có các bệnh lý như tăng huyết áp, tăng triglyceride, bệnh tụy, bệnh mắt, bệnh gan, đột quỵ hay tổn thương thần kinh người bệnh có thể dùng thức uống có cồn.

Lượng cồn uống vào cơ thể trong trường hợp này không quá 2 đơn vị chuẩn/ ngày hay 10 đơn vị chuẩn/ tuần với nữ và 3 đơn vị chuẩn/ ngày hay 15 đơn vị chuẩn / tuần với nam (1 đơn vị chuẩn là 10g alcohol tương ứng 341ml bia, 142ml vang 12độ, 43ml rượu mạnh 40 độ)

Những chú ý cho bệnh nhân đái tháo đường (bệnh tiểu đường) trong mùa dịch 1

Luyện tập thể dục thể thao

  • Nên duy trì ít nhất 150 phút mỗi tuần, trung bình 30 phút mỗi ngày (có thể duy trì bằng các khoảng tập ngắn khoảng 10 phút)
  • Tập kết hợp thể dục nhịp điệu và các môn thể dục cường độ mạnh, các loại hình dễ thực hiện như đi bộ nhanh, chạy bộ, chạy xe đạp, bơi. Trong thời gian hạn chế ra ngoài, bạn có thể tham khảo các bài tập trong phần “Sống khoẻ vượt qua mùa dịch”.
  • Không để quá 2 ngày liên tiếp không hoạt động thể lực

Giúp cơ thể:

  • Gia tăng sức khỏe, tham gia vào nhiều hoạt động gia đình và cộng đồng hơn
  • Giảm các biến chứng của Đái tháo đường
  • Giảm các biến chứng tăng huyết áp vả tim mạch nếu có
  • Cải thiện kiểm soát đường huyết

Dùng thuốc

  • Tiếp tục dùng thuốc đái tháo đường, thuốc hạ áp và thuốc tim mạch đang có sẵn theo chỉ định của Bác sĩ điều trị
  • Cần chuẩn bị đủ thuốc cho khoảng thời gian 2-4 tuần, đặc biệt nếu đang điều trị  bằng các thuốc Insulin đường tiêm chích.

Theo dõi đường huyết, ce-tôn

  • Cần theo dõi định kỳ đường huyết theo chỉ định của Bác sĩ điều trị.
  • Trong trường hợp có các biểu hiện mệt, vã mồ hôi hay có các biểu hiện như ho sốt, ho hay nhiễm trùng chân cần theo dõi nghiêm ngặt hơn
  • Trong trường hợp đường huyết dao đông nhiều > 10 mmol/l hay < 4mmol/l cũng cần theo dõi nhiều lần hơn
  • Với người bệnh đái tháo đường type-1, cần chuẩn bị sẵn máy và que thử ce-tôn.

Khi nào cần đến phòng khám hay bệnh viện

  • Bất cứ khi nào mệt nhiều, đau ngực, khó thở hay nhiễm trùng chân hãy tư vấn với Bác sĩ điều trị và hỏi về tình trạng bệnh và mức độ cần thiết phải đến khám
  • Nếu đường huyết dao động nhiều, cũng nên tư vấn Bác sĩ điều trị

Phải làm gì nếu đang điều trị bệnh Đái tháo đường mà có các triệu chứng ho, hắt hơi, sổ mũi hay sốt?

  • Cần tư vấn Bác sĩ điều trị và các cơ sở phụ trách tầm soát dịch (nên liên hệ bằng điện thoại trước và hạn chế tiếp xúc nhiều người).
  • Tiếp tục dùng thuốc và duy trì ăn uống, hoạt động thể lực như trước nếu có thể.

CÁC THÓI QUEN CẦN DUY TRÌ HAY THAY ĐỔI VÀO MÙA DỊCH

Thói quen cần duy trìThói quen cần tránh
Duy trì liên lạc với Bác sĩ điều trịKhông theo dõi bệnh
Tuân thủ chế độ ăn uống, uống đủ nướcTự ý ăn uống, không tuân theo chế độ ăn kiêng
Duy trì hoạt động thể lựcBỏ hoạt động thể lực
Ngủ đủ giấc 6-8 tiếng/ngàyThức khuya
Giữ vệ sinhUống rượu, hút thuốc lá
Gia tăng sức khỏeNgưng thuốc điều trị
Dùng thuốc đều đặnNgưng thuốc hay tự ý thay đổi thuốc
Theo dõi đường huyếtKhông theo dõi đường huyết theo chỉ định
Tránh tụ tập đông ngườiTụ tập đông người
Rửa tay, sát trùng tay thường xuyênKhông giữ vệ sinh cá nhân, không rửa tay
Mang khẩu trang khi ra ngoàiKhông mang khẩu trang ra ngoài
Làm việc tại nhàKhử khuẩn toàn thân bằng cồn hay buồng khử khuẩn
Tránh căng thẳng, Duy trì mối quan hệ tốt giữa các thành viênTự ý dùng kháng sinh hay thuốc chống ký sinh trùng sốt rét để phòng ngừa nghiễm Sars-CoV 2
Các bài viết liên quan
Các kiến thức đọc nhiều
Các kiến thức nổi bật

Có thể bạn quan tâm

Các típ giúp bạn chuẩn bị cho tái khám
Nâng cao tiếng nói của Bệnh nhân” không còn là một khái niệm xa lạ trên thế giới. Thông qua thông điệp  “Nâng cao tiếng nói của bệnh nhân”, WHO kêu gọi tất cả các bên liên quan thực hiện hành động cần thiết để đảm bảo rằng bệnh nhân được tham gia vào việcorange
Xem thêm
Chế độ ăn uống tránh biến chứng do đường huyết cao
Các biến chứng của bệnh đái tháo đường  Biến chứng mạch máu do đái tháo đường (ĐTĐ) được chia ra 2 loại: biến chứng mạch máu lớn như: bệnh động mạch vành, bệnh động mạch ngoại vi và đột quỵ; biến chứng mạch máu nhỏ như: bệnh cầu thận, bệnh thần kinh, bệnh võng mạc.  orange
Xem thêm
Các bước chăm sóc bàn chân Đái tháo đường
Bàn chân đái tháo đường là biến chứng phức tạp của bệnh đái tháo đường. Tỷ lệ bệnh nhân Đái tháo đường bị biến chứng bàn chân đái tháo đường trên thế giới nói chung là 6.3%. Biến chứng này được mô tả ban đầu với các vết loét đơn giản, nhiễm trùng, lâu lành vàorange
Xem thêm