Phương pháp chia dĩa thức ăn cho người Đái tháo đường (Tiểu đường)
>> Cách điều trị toàn diện cho bệnh Đái Tháo Đường (Tiểu đường)
>> 7 Bước chăm sóc bàn chân ở bệnh nhân đái tháo đường
Để điều trị bệnh đái tháo đường hiệu quả, việc thực hiện các biện pháp ăn uống khoa học là điều cần thiết nhất. Vậy mỗi bữa ăn, chúng ta cần ăn bao nhiêu tinh bột, bao nhiêu lượng thịt cá, bao nhiêu rau củ là đủ?
Có rất nhiều cách khác nhau để giúp bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) tính được lượng thức ăn mà mình cần ăn hàng ngày, trong đó cách dễ hiểu và tuân thủ là “Phương Pháp Đĩa thức ăn”.
Lưu ý đây chỉ là dĩa thức ăn tiêu chuẩn dành cho người trưởng thành bình thường. Nếu bạn là bệnh nhân đái tháo đường (tiểu đường) lớn tuổi, đang mang thai hay là vận động viên… bạn cần có chế độ ăn khác và cần gặp bác sỹ dinh dưỡng để được tư vấn thêm.
Nếu bạn muốn xem kỹ lại khái niệm căn bệnh này và các nhóm thực phẩm cần tránh đối với người bệnh đái tháo đường thì xem tại đây nhé.
Mỗi bữa ăn, bạn hãy tạo nên đĩa thức ăn của mình theo hướng dẫn và hình minh hoạ dưới đây:
1- Chọn đĩa đường kính khoảng 20 cm (tương đương 1 gang bàn tay bạn), như đĩa bạn thường đi ăn cơm văn phòng hay cơm tấm vậy
2- Tưởng tượng 1 đường chia đôi đĩa: 1/2 đĩa bạn dùng để chứa rau củ
3- 1/2 đĩa còn lại, bạn lại chia làm đôi: 1/4 đĩa sẽ chứa thực phẩm có thành phần là tinh bột, như: cơm, bún, bánh mì, mì…
1/4 đĩa còn lại sẽ chứa thực phẩm có thành phần là đạm, như thịt, cá, trứng, hải sản…
4- Kế bên đĩa thức ăn của bạn sẽ là 1 phần trái cây tráng miệng, như 1 trái chuối nhỏ, hay 1 trái quýt, hay nửa trái cam, hay nửa trái táo, nửa trái ổi, một miếng dưa hấu nhỏ, hay 4-5 trái nho…
Lưu ý rằng, người bệnh đái tháo đường (tiểu đường) thường tăng đường huyết sau mỗi lần ăn, do tuyến tụy không còn làm việc hiệu quả để tiết insulin kịp thời sau mỗi bữa ăn được. Do vậy nếu bạn ăn nhiều lần, đường huyết sau ăn sẽ tăng bấy nhiêu lần trong ngày.
Đối với một người bình thường, họ chỉ ăn 3 lần mỗi ngày, vậy nên bệnh nhân bị đái tháo đường (tiểu đường) không nên ăn quá nhiều bữa. Bệnh nhân bị đái tháo đường (tiểu đường) chỉ chia nhỏ bữa ăn khi có triệu chứng hạ đường huyết vào giữa 2 bữa ăn do tác dụng của việc tiêm insulin. Khi đó các bác sỹ sẽ khuyến cáo cho bạn việc chia nhỏ bữa ăn.
Tổng kết
Bệnh đái tháo đường (tiểu đường) là bệnh mạn tính, không thể điều trị dứt điểm được. Nhưng bạn hoàn toàn có thể vừa vui sống, vừa điều trị căn bệnh “khó ưa” này, bạn cần nhớ rằng:
Việc ăn uống rất quan trọng trong điều trị bệnh, nên vậy bạn và người thân cần phải kiên trì tuân thủ lối sống điều độ và phương pháp ăn uống khoa học bạn nhé.
Tài liệu tham khảo:
- Lifestyle Management: Standards of Medical Care in Diabetes—2019. American Diabetes Association
Diabetes Care 2019 Jan; 42(Supplement 1): S46-S60. - https://www.choosemyplate.gov/